Vốn hoá bốc hơi gần 200 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, Tencent trở thành khoản đầu tư tệ hại nhất thế giới

Việc Bắc Kinh thắt chặt quy định gắt gao chưa từng có đối với lĩnh vực công nghệ nước này đã biến Tencent từ "con cưng" của thị trường trở thành cổ phiếu rớt giá mạnh nhất thế giới trong tháng này.

Nghe đọc bài

Cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã giảm 23% từ đầu tháng đến nay, tính đến ngày 28/7 và chuẩn bị ghi nhận tháng tồi tệ nhất từ trước đến nay khi vốn hóa mất khoảng 170 tỷ USD. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, diễn biến này đánh dấu tốc độ “bốc hơi” tài sản nhanh nhất đối với các cổ đông trên thế giới trong giai đoạn này. 9 trong 10 cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong tháng 7 đều là các công ty Trung Quốc, bao gồm Meituan và Alibaba.

Sáng 29/7, cổ phiếu Tencent tăng 7,1%, cùng xu hướng hồi phục với chứng khoán Trung Quốc, sau khi giới chức nước này nỗ lực xoa dịu tâm lý lo ngại về cuộc trấn áp với ngành giáo dục tư nhân.

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến là một trong những “nạn nhân” chịu thiệt hại nặng nề nhất của chiến dịch nhắm đến các công ty công nghệ. Những doanh nghiệp này được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh dữ liệu và sự ổn định tài chính của Trung Quốc.

Tình trạng bán tháo cổ phiếu càng trở nên căng thẳng đối với Tencent vào đầu tuần này, khi Bắc Kinh tăng cường động thái gắt gao sang các ngành cũng tăng trưởng mạnh mẽ khác như giáo dục tư nhân.

Vốn hoá bốc hơi gần 200 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, Tencent trở thành khoản đầu tư tệ hại nhất thế giới  - Ảnh 1.

Vốn hoá Tencent mất 170 tỷ USD trong tháng 7.

Paul Pon – giám đốc điều hành của Pegasus Fund Managers, nhận định: “Tôi chưa nhận thấy cuộc trấn áp về quy định này sẽ kết thúc. Bảo mật dữ liệu là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trong những năm tới. Đây là một điều bình thường mới. Định giá cổ phiếu sẽ phải được điều chỉnh để ứng phó với những động thái đó, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ lớn như Tencent.”

“Cơn bão” quy định mới đã khiến Tencent phải hứng chịu hậu quả, như mất quyền stream nhạc độc quyền và nộp phạt cho hành vi chống độc quyền. Tuần này, công ty cũng cho biết họ tạm ngừng cho phép người dùng mới đăng ký tài khoản WeChat và được yêu cầu khắc phục các vấn đề liên quan đến ứng dụng cho thiết bị di động.

Bất chấp những lo ngại về các biện pháp trừng phạt từ cơ quan quản lý, cổ phiếu Tencent đang ở mức khá “hời” và hầu hết các nhà phân tích đều hạn chế hạ giá mục tiêu. Trong số 68 nhà phân tích đánh giá về Tencent, 62 người vẫn đưa ra khuyến nghị “mua”. Giá mục tiêu trung bình là 736,3 HKD, cao hơn 65% so với mức đóng cửa hôm thứ Tư là 447,2 HKD, theo dữ liệu của Bloomberg.

Vốn hoá bốc hơi gần 200 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, Tencent trở thành khoản đầu tư tệ hại nhất thế giới  - Ảnh 2.

Cổ phiếu Tencent giảm 40% so với mức đỉnh hồi tháng 1.

Với mức giá 447,2 HKD, cổ phiếu Tencent đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 22,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đây là 30 lần. Ngoài ra, cổ phiếu này cũng giảm xuống mức “quá bán” mạnh nhất trong hơn 6 năm qua.

Pong cho hay: “Việc Tencent giao động dưới mức 500 HKD là một yếu tố hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư nên chờ đợi báo cáo tài chính sắp được công bố.” Ông nhận định, nếu tăng trưởng có thể đạt 20-30%, cổ phiếu của công ty có thể sẽ hồi phục mạnh mẽ, “bởi điều đó cho thấy họ vẫn tạo ra lợi nhuận bất chấp môi trường khó khăn.”

Đối với các nhà phân tích của Citigroup, việc mua cổ phiếu quỹ với số lượng đáng kể của công ty cũng giúp đảo ngược tâm trạng tồi tệ của nhà đầu tư hiện nay.

Nhà phân tích Alicia Yap cho hay: “Chúng tôi tin rằng nếu các công ty internet lớn công bố các chương trình mua cổ phiếu quý hoặc tăng quy mô hiện tại, điều đó sẽ chứng minh sự tin tưởng của ban lãnh đạo vào các nguyên tắc cơ bản. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng được trấn an về triển vọng tăng trưởng.”

Yap và các cộng sự đưa ra khuyến nghị “mua” đối với cổ phiếu Tencent.

Tham khảo Bloomberg