Virus corona: ‘VN chưa nên cho điều trị tại nhà lúc này, nhưng cần tính đến’

Nghe đọc bài

Chuyên gia sức khỏe cộng đồng phân tích lợi, hại từ kịch bản cách ly, điều trị tại nhà và các chiến lược khác trong bối cảnh Việt Nam.

Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, nói với BBC News Tiếng Việt rằng theo quan điểm của bà, hiện nay Việt Nam đang làm rất tốt việc chống dịch Covid-19. Tuy nhiên bà cũng bày tỏ một số lo ngại về cách thực thực hiện tốn kém hiện nay, đồng thời cho ý kiến về việc có nên cho điều trị tại gia để giảm tải hay không.

Việt Nam thay đổi nhiều chiến lược

Bác sỹ Hoàng Tú Anh
Image captionBác sỹ Hoàng Tú Anh

Theo bác sỹ Hoàng Tú Anh, chính phủ Việt Nam đã tính toán tốt, theo dõi diễn biến dịch bệnh chi tiết, có sự thay đổi trong chiến lược để ứng phó với sự gia tăng đột biến số trường hợp nhiễm bệnh.

“Việt Nam đã cho tăng số cơ sở lưu trú, chuẩn bị bệnh viện dã chiến, phòng áp lực âm, tổ chức các cuộc diễn tập để ứng phó với nhiều trường hợp,” bà Tú Anh nói.

“Đến nay nhà nước vẫn cho cách ly người nghi nhiễm ở các khu tập trung, gây ra gánh nặng về tài chính cho quốc gia là việc đương nhiên. Nhưng cho đến giờ công việc chuẩn bị được làm rất tốt, cho thấy chiến lược cảnh báo sớm, điều trị sớm, điều trị tại chỗ, cách ly tập trung… dù đòi hỏi nhiều công sức nguồn lực nhưng đã có kết quả.”

“Chỉ trong tuần vừa qua chính phủ đã thay đổi rất nhiều trong chiến lược. Chẳng hạn tuần trước mới chỉ dừng bay đến Pháp, nhưng nay dừng toàn bộ đường bay đến các nước châu Âu và khu vực. Trước đây, chỉ những người về Việt Nam từ một vài nước là phải đi cách ly ngay, nhưng nay thì toàn bộ những người từ nước ngoài trở về đều phải như vậy.”

Kìm hãm sự phát triển của đỉnh dịch

Bác sỹ Tú Anh nhận định rằng dịch cứ tăng lên gần như không tránh khỏi nhưng chiến lược của Việt Nam và nhiều nước là kìm hãm sự phát triển của đỉnh dịch, nếu không hệ thống y tế vỡ và tử vong sẽ cao. Như ở Ý. Các công việc hiện nay Việt Nam đang làm là để hệ thống y tế có thời gian chuẩn bị, và vẫn có khả năng nhận, chăm sóc được bệnh nhân ở mức tốt nhất.

“Covid19 thực chất không phải là bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Nhưng nếu để muộn, khi dịch bùng phát không kiểm soát và số bệnh nhân phải vào viện ồ ạt thì đó lại là vấn đề,” bà Tú Anh nhận định.

Xét nghiệm hai lần cho các trường hợp cách ly

Việt Nam được cho là khó triển khai cách ly và điều trị tại nhà do tập quán sinh sống nhiều thế hệ
Image captionViệt Nam được cho là khó triển khai cách ly và điều trị tại nhà do tập quán sinh sống nhiều thế hệ trong cùng một nhà

Ngoài cách ly tập trung và chữa trị mọi ca nhiễm Covid-19 tại bệnh viện, một biện pháp khác Việt Nam đang thực hiện để kìm hãm đỉnh dịch là thay vì xét nghiệm một lần như trước đây, nay đã thực hiện xét nghiệm hai lần, bác sỹ Tú Anh cho biết.

“Đó là do trước đây, nhiều người ra khỏi khu cách ly không có triệu chứng, xét nghiệm lần đầu âm tính. Nhưng khi về cộng đồng là có triệu chứng và khi xét nghiệm lại thì dương tính.”

“Do đó, xét nghiệm lần một có thể là khi họ đang ủ bệnh, vẫn có khả năng làm lây nhiễm. Hiện nay, hệ thống y tế đã cho xét nghiệm thêm lần hai trước khi hết cách ly.”

“Về mặt dịch tễ thì không bao giờ có thể nói chắc chắn phương pháp này đảm bảo sàng lọc 100%. Ví dụ trường hợp cô tiếp viên hàng không phải xét nghiệm lần bốn mới dương tính. Nhưng theo chuẩn thông thường thì xét nghiệm lần hai là đảm bảo ở mức tối đa để không bỏ sót các ca bệnh.”

“Về mặt dịch tễ học đây là một chiến lược hợp lý,” bà Tú Anh nhận định.

Chưa nên cho điều trị tại nhà bây giờ, nhưng nên tính đến

Trần Vũ Kiều Phương nhiễm Covid-19 tại Thụy Sỹ và đã tự cách ly điều trị khỏi bệnh
Image captionTrần Vũ Kiều Phương nhiễm Covid-19 tại Thụy Sỹ và đã tự cách ly điều trị khỏi bệnh

Về khía cạnh cách ly điều trị tại nhà cho những trường hợp trẻ tuổi, không có bệnh nền, bác sỹ Tú Anh cho rằng Việt Nam hiện vẫn đang cách ly tại nhà đối tượng F2. Nhưng không cho cách ly tại nhà người dương tính với Covid-19.

“Việc điều trị tại nhà hiện chưa phù hợp với Việt Nam. Đây là chiến lược của nhiều nước châu Âu, ví dụ như Hà Lan, nơi họ chỉ cho nhập viện những ca nặng, thậm chí không phải ai có triệu chứng cũng được làm xét nghiệm.”

“Ở Việt Nam, kết quả hiện nay cho thấy cách ly vẫn là chiến lược quan trọng nhất để khống chế dịch. Tuy nhiên cần xem cách ly thế nào.”

“Đến một giai đoạn nào đó, Việt Nam có thể tính đến áp dụng cách ly điều trị tại gia khi số người mắc đã tăng quá lớn và hệ thống y tế không thể kham nổi.”

“Tuy nhiên hiện tại Việt Nam vẫn chứng tỏ đang khống chế được dịch, bệnh viện vẫn nhận được bệnh nhân, số phải cách ly tăng nhanh nhưng vẫn đáp ứng được. Số nhập viện hiện vừa phải, và hồi phục nhanh.”

“Nếu hiện áp dụng ngay điều trị tại nhà thì sẽ có nhiều thách thức. Một gia đình ở Việt Nam thường có nhiều thế hệ sống với nhau khiến khó cách ly tuyệt đối, nguy cơ lây nhiễm cao. Trong một nhà phải chia làm hai nhóm cách ly: người nhà và người bệnh. Hệ thống xử lý nước, rác thải sinh hoạt vẫn chưa đảm bảo. Do đó có lo ngại là áp dụng điều trị tại nhà dịch sẽ bùng lên nhanh hơn.”

Việt Nam nên học mô hình của nước nào?

“Nhìn vào mô hình dịch hiện nay, tôi thấy không thấy có kịch bản nào phù hợp cho tất cả nước,” bác sỹ Tú Anh nói với BBC.

“Đó là do còn phải phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm, cấu trúc xã hội, cách khởi phát của các loại ổ dịch, mô hình chính trị, tình hình kinh tế…”

“Không có quốc gia nào chuẩn bị trước cho một vụ dịch thế này, do đó tất cả đều đang học.”

“Chúng tôi chỉ biết rằng nước nào làm sớm hơn thì kết quả có vẻ tốt hơn. Nhưng cụ thể mô hình nào nên làm, từng bước cụ thể thế nào, thì là điều các nhà khoa học đang làm. Họ đang lấy số liệu của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… để mô hình hóa, để trả lời câu hỏi mô hình nào, khi nào, thì tốt.”

Việt Nam tự sản xuất kit xét nghiệm

Một số nước châu Á có những bài học hữu ích cho phương Tây - cũng như tầm nhìn trước những thách thức có thể xảy ra
Image captionMột số nước châu Á có những bài học hữu ích cho phương Tây – cũng như tầm nhìn trước những thách thức có thể xảy ra

Bác sỹ Tú Anh cho biết, hiện Việt Nam đang nỗ lực sản xuất được kit thử để tiến tới có thể làm xét nghiệm rộng rãi. Đây cũng là chiến lược tốt, giúp cách ly khoanh vùng hiệu quả hơn. Vừa qua Hàn Quốc không làm mạnh biện pháp phong tỏa dân, nhưng đã thực hiện xét nghiệm đại trà để phát hiện và cách ly, điều trị ngay. Kết quả là các ca nhiễm ở nước này giảm đi rõ ràng.

“Hiện nay một kit xét nghiệm vẫn khá đắt, khoảng 500 ngàn VNĐ. Tuy nhiên vẫn rẻ hơn trước, vốn khoảng hơn hai triệu đồng. Dù rẻ hơn nhiều nhưng nếu xét nghiệm đại trà cũng là gánh nặng khủng khiếp cho nhà nước.”

“Hiện chỉ một số đơn vị được nhà nước chỉ định mới được làm xét nghiệm Covid-19. Một số cơ sở tư nhân vừa qua tuyên truyền có dịch vụ xét nghiệm thì đã được chỉ ra là kit giả.”

“Tôi được biết Việt Nam hiện có tiềm năng sản xuất 10.000kit/ ngày và vừa qua đã cung cấp hỗ trợ Ý. Một số nươc cũng đã đặt hàng Việt Nam. Tuy nhiên không rõ Việt Nam có đủ nguồn lực thực tế để sản xuất quy mô hớn như vậy không.”

“Dù sao tự sản xuất được kit xét nghiệm là điều đáng mừng.”

Truyền thông rất quan trọng

Hiện nay mọi người dân Việt Nam đang làm rất tốt truyền thông các hành vi dự phòng. Ví dụ như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, vệ sinh thường xuyên các bề mặt, theo quan điểm của bác sỹ Tú Anh.

“Người dân hiện cũng nắm rõ khái niệm từng nhóm F1, F2, F3, xác định được mình thuộc nhóm nào. Như vậy thì việc thực hiện cách ly tại nhà cũng yên tâm hơn,” bà Tú Anh cho hay.

“Ngoài ra tôi thấy có ưu điểm là hệ thống cơ sở như công an khu phố, y tế phường, tổ dân phố…, đã hoạt động rất tốt trong vụ dịch này. Thời bình, hệ thống đó có vẻ bó buộc, làm mọi người khó chịu. Nhưng giai đoạn này nó lại có vẻ rất có tác dụng trong giám sát y tế.”

“Về mặt công nghệ, người dân cũng nhận tin nhắn cập nhận diễn biến bệnh dịch qua Zalo hoặc tin nhắn thông thường.”

“Không giám sát nào bằng giám sát lẫn nhau. Đây là lý thuyết bao đời về giám sát. Giám sát nhà nước chỉ là một phần. Quan trọng là người dân tự có ‎ thức để giám sát trong cộng đồng mình. Ví dụ thấy người đứng gần mình không đeo khẩu trang, không rửa tay, thì tự nhắc nhau. Việc này giờ đã trở thành thói quen.”

Lo ngại toàn hệ thống sẽ ‘kiệt quệ’

Mặc dù đánh giá cao những kết quả Việt Nam đang đạt được cho tới nay trong phòng chống dịch Covid-19, bác sỹ Hoàng Tú Anh vẫn bày tỏ nhiều lo ngại.

“Cái lo ngại là Việt Nam đang đầu tư kinh khủng nguồn lực con người và tài chính trong cuộc chiến này. Vưà qua chính phủ đã kêu gọi tư nhân và bắt đầu kêu gọi dân chúng đóng góp.”

“Tôi tin rằng với quyết tâm của chính phủ không bỏ người dân nào lại phía sau, nhất định chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này. Nhưng là một người dân, tôi vô cùng lo ngại. Nếu cuộc chiến này dài hơi thì nguồn lực sẽ hao tổn tới mức nào, và sẽ gây ra hệ lụy gì sau khi hết dịch.”

“Dù thương vong có thể không nhiều, nhưng chúng ta có thể kiệt sức. Nền kinh tế sẽ ra sao?”

“Các chuyên gia trên thế giới dự đoán dịch sẽ kết thúc sau ba tháng nữa. Vụ dịch ở Vũ Hán cũng giảm nhiệt sau ba tháng. Nhưng câu truyện người ta nói đến nhiều hơn là cái giá phải trả là thế nào. Đó là bài toán mà các nhà nước phải nhìn đến. Mỗi biện pháp đều có cái giá phải trả. Ví dụ cái giá phải trả cho miễn dịch cộng đồng có thể là mấy trăm ngàn mạng người, liệu nước nào dám làm không? Đó là câu chuyện mà hiện các nhà lãnh đạo đang phải lo. Và vai trò của giới khoa học hiện nay là cung cấp bằng chứng để giúp nhà nước đưa ra các hoạch định này.”

Theo BBC