Việt-Trung: Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc muốn quan hệ ‘bình đẳng, cùng có lợi’

Ông Nguyễn Xuân Phúc (trái) và ông Tập Cận Bình (phải) tại một sự kiện tại Bắc Kinh năm 2019

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Ba nói Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ hòa bình, ổn định với Trung Quốc.

Chủ tịch nước Việt Nam bày tỏ nguyện vọng này tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao.

Văn phòng Chủ tịch nước cho hay ông Phúc nhấn mạnh “hai nước là những quốc gia láng giềng gần gũi, đã cùng hợp tác ngăn chặn dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế và trở thành điểm sáng ở khu vực và thế giới”.

Ông Phúc khẳng định, Việt Nam “mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ”.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, ông Phúc cho rằng không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được. Ông Phúc nói, chỉ có sự hợp tác và đoàn kết mới có thể mang lại thành công.

Ông Bùi Thanh Sơn (trái) và ông Vương Nghị (phải)
Mới đây, ngoại trưởng VN Bùi Thanh Sơn (trái) đã có cuộc điện đàm với ngoại trưởng TQ Vương Nghị (phải)

Ông Nguyễn Xuân Phúc nói các nước cần chung tay hành động vì sự phát triển bao trùm, bền vững và an toàn cho mọi người dân, theo bản tin của Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam.

Ông nhấn mạnh một số lĩnh vực các nước cần đặc biệt quan tâm là: đẩy mạnh hợp tác trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm cơ hội tiếp cận vaccine với chi phí hợp lý; ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm; huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao kéo dài bốn ngày từ Chủ Nhật đến Thứ Tư đang được tổ chức trực tuyến tại thành phố Bác Ngao, một thành phố ven biển ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

VN ‘làm bạn’ với TQ từ bao giờ?

Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 18/1/1950, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 2008, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Ảnh chụp từ trên không của đá Ba Đầu, Quần đảo Trường Sa, Biển Đông ngày 19/3/2021
Ảnh chụp từ trên không của đá Ba Đầu, Quần đảo Trường Sa, Biển Đông ngày 19/3/2021. TQ đưa hàng trăm tàu dân quân tới đây hồi tháng 3/2021- một hành động mà VN gọi là ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN’.

Mối liên hệ chặt chẽ về văn hóa và chính trị cả trong lịch sử và thời hiện đại thông qua sự lãnh đạo của ĐCSVN và ĐCS Trung Quốc đã vun đắp mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai nước.

Ở lĩnh vực chính trị, ĐCS hai nước thường xuyên có các chuyến thăm gặp các cấp. Hai bên cũng có các Tuyên bố chung và Thông cáo chung – nơi ĐCS hai nước đưa vào các vấn đề đã thảo luận và nhất trí với nhau.

Tình đồng chí ‘phức tạp’

Thế nhưng mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc rất phức tạp và thường xuyên gặp rắc rối, theo tác giả Lê Thu Hương trên carnegieendowment.

Hai bên đã trải qua những thập kỷ đầy biến động, với cuộc chiến tranh biên giới (năm 1979) trên đất liền, và trên biển năm 1988 khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam khiến nhiều binh lính Việt Nam thương vong.

Ngay cả khi đã bình thường hóa quan hệ năm 1991 cho tới nay, tình bạn giữa hai bên cũng chưa bao giờ êm đẹp, với tranh chấp ở Biển Đông chưa bao giờ bớt nóng cho tới nay.

Nhiều nhà quan sát khác cũng có chung nhận định rằng, một trong các thách thức hiện nay của Việt Nam là tìm cách đối phó với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền vùng Biển Đông rộng lớn, giàu năng lượng, nằm chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Ngay cả khi chính phủ Việt Nam vẫn để ngỏ các kênh ngoại giao với Bắc Kinh, họ cũng đã tìm cách khẳng định và vận động cho chủ quyền và quyền của chính mình bằng cách đa dạng hóa quan hệ đối tác ngoại giao và tăng cường năng lực của chính mình. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam phải đối mặt với những quyết định mang tính hệ quả trong vài năm tới. Cách họ đưa ra những lựa chọn này sẽ là một phong vũ biểu để đánh giá cách các nước láng giềng của Trung Quốc phản ứng thế nào với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh,” bà Thu Hương từ Viện nghiên cứu Chính sách Australia nhận định.

Ông Hà Hoàng Hợp từ Viện nghiên cứu ISEAS, Singapore, nói với Reuters tháng 1/2021 rằng:

“Triển vọng về an ninh Biển Đông trong năm nay sẽ khá bi quan. Việt Nam sẽ phải đề cao cảnh giác hơn và chuẩn bị đối phó với các thế lực thù địch nước ngoài”.

Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều năm vướng vào tranh chấp về Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp vật liệu và thiết bị lớn nhất cho ngành sản xuất đang phát triển mạnh của Việt Nam.

Chính vì thế, Việt Nam vẫn phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc, nhưng tác giả Lê Thu Hương cho rằng đây là một ‘tình đồng chí èo uột’.

Hợp tác kinh tế – thương mại

Còn trong bài viết ngày 18/1/2021, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Phạm Sao Mai, nhận định:

“Hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ và là điểm sáng trong tổng thể quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ phát triển sâu rộng và ngày càng thực chất.”

Về thương mại, Việt Nam, từ giữa năm 2020, đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Theo thống kê của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Trung năm 2019 đạt xấp xỉ 117 tỷ USD, tăng gấp hơn 3.600 lần so với năm 1991.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2020, Trung Quốc có gần 3.000 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, đứng thứ bảy trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.

Đại sứ Phạm Sao Mai nói: “Hiện nay, hai nước còn có bất đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn đề trên biển.”

Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí cùng nhau “kiểm soát tốt và xử lý thỏa đáng bất đồng, không có các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

BBC