Việt Nam nói ‘kiểm soát’ được gian lận xuất xứ hàng hoá xuất sang Mỹ

Nghe đọc bài

Việt Nam cho biết đã kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sau khi xác định được một danh sách các nhóm hàng hoá nước ngoài giả xuất xứ từ Việt Nam khiến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến trong thời gian qua.

Tổng cục Hải quan Việt Nam hôm 6/7 cho biết trong thời gian qua đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hoá xuất khẩu nhằm lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới trong đó có hiệp định quan trọng như Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam, theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Trần Mạnh Cường nói với phóng viên tại buổi họp báo của Tổng cục Hải quan tại Hà Nội hôm 6/7 về hoạt động kiểm tra xác minh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp của cơ quan hải quan.

Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, ông Cường được trích dẫn nói trong đăng tải trên trang web của Tổng cục Hải quan Việt Nam, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng từ 7,5-285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như: đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời,” ông Cường cho biết.

Trong những tháng gần đây, Bộ Thương mại Mỹ đã nhiều lần mở các cuộc điều tra hàng hoá Việt Nam có dùng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, như sắt thép, gỗ dán hay lốp xe, trong lúc Việt Nam cũng phải điều tra các vụ hàng hoá Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam được xuất sang thị trường Mỹ.

Trang web của chính phủ Việt Nam từng dẫn lời các quan chức trong nước nói rằng các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sau đó hàng hóa được thay bao bì và ghi “Made in Vietnam” trước khi bán sang Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu để tránh mức thuế cao đánh vào hàng hóa của Trung Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Việt Nam “lạm dụng” Hoa Kỳ về thương mại còn “tệ hơn cả Trung Quốc” hồi tháng 7/2019 và áp lực đòi Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại, chính phủ Hà Nội đã phải cam kết và khẳng định đang nỗ lực trấn áp những hành vi gian lận thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của mình.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã bước đầu “kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước, đặc biệt là Mỹ, để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước.”

Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng trung bình 16,3% hàng năm trong thời gian từ 2010 đến 2019, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 16% mỗi năm.

Theo VOA