Việt Nam nhắm mục tiêu tăng trưởng kinh tế như trước đại dịch Covid-19

Nghe đọc bài

Việt Nam nhắm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm tới, trong một dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam tin tưởng nền kinh tế vốn do sản xuất dẫn đầu của nước này, đã bắt đầu thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, và đang đi theo đúng hướng để trở lại xu hướng tăng trưởng trong thời kỳ trước Covid, theo tạp chí kinh doanh Forbes.

Chính phủ Việt Nam dự kiến kinh tế sẽ hồi phục và phát triển trở lại trong năm tới. Theo truyền thông trong nước, chính quyền Việt Nam coi hồi phục kinh tế là mục tiêu hàng đầu, sau khi thành công trong nỗ lực dập dịch lần thứ nhì, khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng.

Với 97 triệu dân, Việt Nam đã thành công đáng kể trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, duy trì số ca nhiễm ở mức 1.068 ca, cho phép dân chúng trở lại làm việc, du lịch trong nước và tiếp cận các dịch vụ cơ bản, sau thời gian đóng cửa vào tháng Tư năm nay.


Theo Forbes, Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ đã trở thành “công xưởng của thế giới” giữa lúc thế giới đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, và nhiều công ty quốc tế dời nhà máy, hãng xưởng ra khỏi Trung Quốc, mặc dù Việt Nam cũng bị tác động bởi mức cầu thấp do lệnh phong tỏa tại nhiều nước nhập khẩu hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển liên tục từ năm 2012, duy trì đà tăng trưởng ở mức 6% hoạc cao hơn mỗi năm, phần lớn nhờ sức mạnh của khu vực sản xuất kèm theo sức mua ngày càng tăng của giới tiêu thụ ở trong nước, đạt khoảng 260 tỉ USD vào cuối năm 2019..

Việt Nam đã chỉ thị cho các cơ quan bộ ngành phải dồn nỗ lực thu hút thêm vốn nước ngoài, tăng xuất khẩu và kích thích tiêu dùng trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 1,8% – số liệu thấp nhất trong một thập niên. Tỷ lệ tăng trưởng của cả năm nay được dự bảo ở mức 2-2,5%.

Một chuyên gia của công ty tư vấn doanh nghiệp Mazars, ông Jack Nguyễn, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt gần 3%.

Ông Nguyễn tỏ ra lạc quan về các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU sau khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực vào tháng Bảy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tháng này cảnh báo tiến trình hồi phục sau đại dịch có thể kéo dài tới 4 năm, và Bộ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 và 2021 từ mức 7% đưa ra trước đó.

Trước đại dịch, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,02% và thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Hiện nay, dù tăng trưởng ở mức 1,8%, Việt Nam vẫn là nước duy nhất trong ASEAN có mức tăng trưởng cộng, bất chấp tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Theo VOA