Việt Nam lần đầu tiên cử chiến hạm Quang Trung tham gia tập trận hải quân ở Ấn Độ

Tàu Hộ vệ tên lửa 016- Quang Trung và đoàn Hải quân Việt Nam vừa lên đường sang Ấn Độ để tham dự cuộc tập trận hải quân đa phương MILAN 2022 tại thành phố Visakhapatnam từ ngày 25/2 đến 3/3.

Nghe đọc bài

Được đánh giá là có quy mô lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cuộc diễn tập MILAN được Hải quân Ấn Độ tổ chức định kỳ mỗi hai năm, kể từ năm 1995.

Với chủ đề “Tình bạn-Gắn kết-Hợp tác”, Diễn tập MILAN 2022 quy tụ lực lượng từ 47 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia trong Bộ Tứ, AUKUS cũng như các nước ASEAN và những nước đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ như Nga, Iran, Israel…

Thay vì tổ chức ở hai địa điểm thường lệ là quần đảo Andaman và Nicobar, Diễn tập MILAN năm nay lần đầu tiên được tổ chức ở thành phố Visakhapatnam do quy mô cuộc diễn tập lớn hơn, với sự tham gia của nhiều tàu chiến hơn nên cần nhiều chỗ neo đậu và vùng biển rộng hơn cho các hoạt động diễn tập.

Việt Nam bắt đầu cử phái đoàn quan sát viên tham dự Diễn tập MILAN vào năm 2018. Đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định cử tàu và lực lượng tham dự diễn tập nhưng do cuộc diễn tập đã bị huỷ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đưa tin về việc tham gia tập trận, báo Quân Đội Nhân Dân dẫn lời trưởng đoàn Việt Nam – Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân – nói việc tham gia của Việt Nam nhằm đáp lại lời mời của hải quân Ấn Độ, ủng hộ các hoạt động do hải quân Ấn Độ tổ chức, đáp lại sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của hải quân Ấn Độ dành cho hải quân Việt Nam trong thời gian qua; góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và tạo điểm nhấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo TFI Global News, Ấn Độ lâu nay sử dụng Diễn tập MILAN như một công cụ để thông báo với Trung Quốc rằng khu vực Ấn Độ Dương là một phần trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ và Hải quân Trung Quốc sẽ không được phép thực hiện quyền bá chủ ở đây.

Đây cũng là một phần trong chính sách “Hướng Đông” và là phản ứng của Ấn Độ đối với chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, mà trong đó Bắc Kinh cố gắng bao vây Ấn Độ ở sân sau của họ bằng cách xây dựng các cảng chiến lược ở các nước như Pakistan, Sri Lanka và tăng cường quan hệ đối tác với các nước như Bangladesh và Myanmar.

Theo VOA