Việt Nam có nên ‘chọn phe’ để theo hay không?

Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Courtesy of Zing

Một nhà quan sát cho rằng lựa chọn “không theo phe” của Hà Nội hiện nay là đảng CSVN muốn “giữ nguyên trạng”, lệ thuộc vào Bắc Kinh từ kinh tế, ý thức hệ chính trị cho tới mô hình phát triển. 

Nhìn từ việc Nga xâm lược Ukraine, ông Trương Nhân Tuấn, nhà quan sát, viết:

“Vấn đề cốt lõi trong chiến tranh, lạnh hay nóng, đối với một quốc gia nhược tiểu là sự “chọn phe”. Sự quan trọng “chiến lược” của hành vi chọn phe trước một cuộc chiến, đã nói trên, có thể quyết định số phận “giàu sang hay hèn kém” của cả một dân tộc, cũng như quyết định một quốc gia “độc lập tự chủ” hay “lệ thuộc”.
Ta thấy nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có khuynh hướng theo “chủ nghĩa biệt lập”. Ông Trump cho thấy là không tha thiết với NATO. Nếu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine xảy ra dưới thời Trump, ta khó có thể tiên đoán được rằng Mỹ có tham gia bảo vệ thành viên hay không.
Trump và các lãnh đạo đại cường khác như Tập Cận Bình, Putin… có cái nhìn khác nhau về “trật tự thế giới cũ”.
Ông Trump muốn chấm dứt “kinh tế toàn cầu”, dẹp bỏ Liên Hiệp Quốc, dẹp bỏ tất cả các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc về văn hóa, về y tế, về lương thực… quốc tế. Đơn giản vì các tổ chức này thường có các quyết định “đi ngược lại lợi ích của Mỹ”.
Tập Cận Bình thì ra sức bảo vệ “kinh tế toàn cầu” cũng như các định chế Liên Hiệp Quốc. Bởi vì Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp “bá đạo” để đưa người kiểm soát hầu hết các định chế quốc tế. Nhưng tại Biển Đông thì Trung Quốc thách thức “trật tự quốc tế theo luật lệ”, qua thái độ bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế (phán quyết của Tòa quốc tế có giá trị qui chiếu như là luật).
Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Tổng thống Nga Putin
Putin với tham vọng “phục hồi đế quốc Nga”, vì vậy luôn nắm lấy cơ hội để “tạo sự đã rồi”, có lợi cho Nga.
Nhưng Tổng thống Joe Biden đã thắng cử. Chính trị nước Mỹ thay đổi nhiều so với thời Trump. Cuộc chiến Ukraine cho thấy ông Biden có quyết tâm bảo vệ NATO. Nước Mỹ có thể “dấn thân” bảo vệ các quốc gia thành viên.
Cuộc chiến Ukraine, Mỹ và châu Âu thẳng tay trừng phạt Nga. Việc này kéo dài có thể kéo theo Trung Quốc vào chung số phận với Nga. Chiến tranh Ukraine chấm dứt cách nào thì “kinh tế toàn cầu” cũng sẽ phải kết liễu.
Câu hỏi đặt ra, Việt Nam có “chọn phe” để theo hay không?
Tự thân các chế độ “độc tài tư bản nhà nước” chỉ có thể phát triển được nhờ sự phồn thịnh và năng động của các quốc gia dân chủ tự do gồm Mỹ, châu Âu và các quốc gia Đông Á.
Sự “trừng phạt kinh tế” của Mỹ, châu Âu và các quốc gia Đông Á lên các chế độ “độc tài – tư bản nhà nước” đồng nghĩa với việc “cắt đứt đường dưỡng khí” của các chế độ độc tài này.
Lựa chọn “không theo phe” của Việt Nam hiện nay là đảng CSVN muốn “giữ nguyên trạng”. Hà Nội lệ thuộc vào Bắc Kinh từ kinh tế, ý thức hệ chính trị cho tới mô hình phát triển. Về quốc phòng, chính sách 4 không của Việt Nam, như đã nói trên, là “nội dung mật ước Thành đô 1990”.
Putin “thí” quân vài chục ngàn người Nga chỉ để có được một cam kết từ Ukraine, khiêm nhượng hơn các yêu sách của Trung Quốc đối với Việt Nam mà chưa được.
Giữ nguyên trạng tức là Việt Nam khẳng định vị trí “chư hầu” đối với “thiên triều” mà điều này chưa chắc nhân dân Việt Nam đã đồng thuận.”