Việt Nam, Campuchia điện đàm, ‘quyết tâm tăng cường hợp tác’

Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Campuchia bày tỏ quyết tâm ‘tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới’.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã có cuộc hội đàm trực tuyến qua video vào tối 24/11. Trong đó, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi hàng loạt vấn đề về quan hệ kinh tế, hợp tác chống dịch Covid-19, an ninh, quốc phòng, cũng như tăng cường giải quyết kịp thời các vấn đề “phát sinh”.

Hai nhà lãnh đạo nói gì?

Theo báo Thanh Niên, tại hội đàm, “hai thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực của quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia trong thời gian qua; nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ tin cậy, gắn bó, đưa hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và bền vững trên tất cả các lĩnh vực; hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN”.

Trong cuộc nói chuyện, hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quyết tâm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần hữu nghị và hợp tác; tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới…

Hợp tác phòng chống dịch Covid-19 cũng là một nội dung được trao đổi trong cuộc hội đàm.

Báo Khmer Times của Campuchia cho biết Thủ tướng Hun Sen đã chúc mừng Việt Nam về kết quả đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Đối tác, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Campuchia lần thứ 18 sắp tới. Phía Việt Nam không thông báo rõ thời điểm diễn ra sự kiện này, nhưng báo Khmer Times dẫn thông báo của Chính phủ Campuchia cho biết kỳ hợp sẽ diễn ra vào ngày 22/12 tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng province.

Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo không cho biết cụ thể về “các vấn đề phát sinh”, nhưng hiện nay giữa hai quốc gia còn có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Vấn đề Campuchia là gì?

Việt Nam và nước láng giềng Campuchia có một lịch sử quan hệ phức tạp, với nhiều mâu thuẫn còn tồn tại, trong đó có vấn đề biển đảo ở vịnh Thái Lan và phân chia biên giới trên đất liền.

Đặc biệt, đường biên giới đất liền dài 1.158 km giữa hai nước là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Campuchia trong các năm gần đây liên quan tới vấn đề biên giới với Việt Nam.

Đầu tháng 11/2020, Quốc hội Campuchia đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc phân chia 84% đường biên giới trên bộ với Việt Nam, mở ra hy vọng vấn đề sẽ dần được giải quyết.

Thủ tướng Hun Sen, người đã cầm quyền 35 năm tại Campuchia, vốn là một đồng minh lâu năm của Việt Nam. Tuy nhiên, càng ngày thì đường hướng ngoại giao của Campuchia, đặc biệt là xu hướng ngả về Trung Quốc, càng khiến Việt Nam lo ngại.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải)
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu hồi năm 2018 ở Bỉ

Trong bài viết mới đây trên tờ The Diplomat, nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman của RAND Corporation (Mỹ) đánh giá:

“Trong những năm gần đây, guồng quay đã xoay chuyển và Hun Sen trở thành bạn tốt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhằm thể hiện mối quan hệ khăng khít, ông Hun Sen đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Tập ở Trung Quốc trong đại dịch virus corona. Ông gọi Campuchia và Trung Quốc là ‘những người bạn thủy chung’. Hun Sen đã đưa lòng trung thành của mình với Trung Quốc tiến thêm một bước nữa bằng cách phụ họa cách nhìn xét lại lịch sử của Bắc Kinh về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Khmer Đỏ… Hà Nội rõ ràng không còn người đàn ông của mình ở Campuchia nữa.”

Một trong những động thái rõ ràng nhất cho thấy Campuchia ngả về Bắc Kinh đó là nước này không “hòa giọng” cùng các quốc gia ASEAN khác trong việc lên án hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự tham gia của Campuchia vào sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc cũng là một bước đi mà Việt Nam đang theo dõi sát sao.

Gần đây, mặc dù ông Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc có kế hoạch lập căn cứ hải quân ở Ream và một căn cứ không quân ở Dara Sakor, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh bơm tiền cho việc xây dựng hạ tầng ở đây.

Ông Derek Grossman viết:

“Việc Trung Quốc và Campuchia tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận chung bất chấp đại dịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi bên trong các cuộc cam kết này, càng làm cho Việt Nam quan ngại. Nếu Bắc Kinh có được bất kỳ mức độ tiếp cận nào tới các căn cứ ở Ream hoặc Dara Sakor dọc theo Vịnh Thái Lan, hoặc, trong trường hợp xấu nhất, Bắc Kinh bất ngờ sở hữu và vận hành các căn cứ này, thì đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến sườn phía Tây của Việt Nam. Cùng với sự quyết liệt ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hà Nội sẽ ngày càng cảm thấy áp lực của sự bao vây địa chiến lược.”

Campuchia xác nhận san bằng cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ để phát triển căn cứ hải quân bằng tiền của Trung Quốc.
Chụp lại hình ảnh,Campuchia xác nhận san bằng cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ để phát triển căn cứ hải quân bằng tiền của Trung Quốc

Trước dư luận cho rằng quan hệ Việt Nam – Campuchia bị ảnh hưởng vì Campuchia xích lại gần TQ, hôm 19/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:

“Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài với Campuchia; mong muốn đưa quan hệ hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước”.

Theo Bộ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã phát triển rất tích cực thời gian qua, nhất là trong đại dịch khi Việt Nam đã hỗ trợ trang thiết bị y tế để chia sẻ khó khăn của Campuchia.

Theo BBC