Vì sao xe tăng Nga dễ ‘tan xác’ tại Ukraine?

Một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy gần Brovary, gần Kiev, Ukraine

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga không theo kế hoạch của Putin một phần vì hàng trăm xe tăng bị Ukraine phá hủy nhanh chóng do tận dụng lỗ hổng thiết kế của phương tiện này.

Hàng trăm xe tăng của Nga được cho là đã bị phá hủy kể từ khi Moscow tiến hành cuộc tấn công, và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace mới đây ước tính Nga đã mất tới 580 chiếc.

Nhưng vấn đề của Moscow còn vượt ra ngoài số lượng xe tăng mà nước này đã mất. Các chuyên gia cho rằng các hình ảnh chiến trường cho thấy xe tăng Nga đang mắc phải một khiếm khuyết mà quân đội phương Tây đã biết trong nhiều thập kỷ và gọi là “hiệu ứng kích nổ”. Theo họ, lẽ ra Moscow phải nhìn thấy vấn đề trước khi đem quân xâm lược Ukraine.

Vấn đề liên quan đến cách bảo quản đạn dược của xe tăng. Không giống như xe tăng hiện đại của phương Tây, xe tăng của Nga mang nhiều đạn pháo bên trong tháp pháo. Điều này khiến chúng rất dễ bị phá hủy vì ngay cả một cú đánh gián tiếp cũng có thể bắt đầu phản ứng dây chuyền làm nổ tung toàn bộ kho đạn lên tới 40 quả đạn trên xe.

Sóng xung kích thu được có thể đủ để làm nổ tháp pháo của xe tăng cao bằng một tòa nhà hai tầng, như có thể thấy trong một video gần đây trên mạng xã hội.

Sam Bendett, cố vấn của Chương trình Nghiên cứu Nga, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến với loạt thiệt hại xe tăng Nga là một lỗ hổng thiết kế. Bất kỳ cú đánh nào cũng nhanh chóng đốt cháy đạn gây ra một vụ nổ lớn, và tháp pháo bị nổ tung theo đúng nghĩa đen.”

Nicholas Drummond,nhà phân tích công nghiệp quốc phòng và là cựu sĩ quan Quân đội Anh, cho biết lỗ hổng này có nghĩa là kíp lái của xe tăng gồm ba người nếu không kịp thoát ra trong vòng một giây đầu tiên thì sẽ “rồi đời”.