Vì sao tháng Tư vẫn làm người Việt nhức nhối?

Cứ đến dịp 30/4 là nhà cầm quyền lại tuyên truyền "giải phóng miền Nam"
Nghe đọc bài

Dù sắp tròn 47 năm kể từ sự kiện 30/4/1975 nhưng tháng tư năm nay vẫn là thời điểm cho thấy sự kiện “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” không thống nhất được nhân tâm dù hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không ngừng tuyên truyền “hòa hợp, hòa giải”.

Còn ba năm nữa là tròn 50 năm Việt Nam thống nhất về mặt địa lý nhưng thực tế cho thấy, thời gian không phải là yếu tố có thể tạo ra… đồng tâm.

Không chỉ ở hải ngoại, tại Việt Nam, nhờ Internet và thực trạng quốc gia trong 47 năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây đã khiến nhận thức về sự kiện 30/4/1975 đang tiếp tục thay đổi cả trên diện rộng lẫn chiều sâu, ngược chiều với nỗ lực tuyên truyền về cuộc “kháng chiến chống Mỹ” nhằm… “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”!..

Ví dụ, Nguyễn Thiện góp ý về… “Ngụy”: Cách đây nhiều năm, báo Tuổi Trẻ đề nghị tôi viết suy nghĩ về 30 tháng Tư. Tôi nêu ý kiến là phải chấm dứt việc gọi Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là “ngụy” và Tuổi Trẻ lúc ấy đã đăng. Theo dõi, tôi thấy thay đổi chậm, nhiều phim tài liệu chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia vẫn ra rả… “ngụy”. Tôi mong dịp 30 tháng Tư này, Bộ Chính trị có văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị không được gọi VNCH là ngụy. Nếu điều đó được làm với sự thành tâm thì không chỉ nhằm hòa giải đoàn kết dân tộc mà còn liên quan mật thiết đến tính pháp lý khi chúng ta khẳng định với thế giới rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ví dụ, Nguyễn Đình Bin, cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, cựu thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài – nhấn mạnh “thiết tha kiến nghị” của ông: Truy phong “Liệt sĩ” và khen thưởng xứng đáng các sĩ quan, binh lính, viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc ở Hoàng Sa. Đó là những người con đích thực của dân tộc Việt Nam. Thực hiện đầy đủ chính sách người có công hiện hành đối với họ và thân nhân, cũng như tất cả sĩ quan, binh lính, viên chức khác của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đồng bào miền Nam đã có công tham gia phục vụ cuộc chiến đấu lịch sử này.

Ông Bin đề nghị: Xây dựng tượng đài xứng đáng về sự kiện hải chiến ở Hoàng Sa tại thành phố Đà Nẵng. Xây dựng tượng đài xứng đáng tưởng niệm các Liệt sĩ Gạc Ma và những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa tại thành phố Nha Trang. Xây dựng tượng đài xứng đáng, đặt tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh để tưởng niệm tất cả đồng bào ta, dù ở bên này hay bên kia, đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất nước ta hơn một thế kỷ qua, nói cho cùng, cũng như toàn thể dân tộc ta, đều là nạn nhân của đại họa ngoại bang đến thống trị và xâm lược nước ta và của cuộc xung đột tư tưởng Đông – Tây trực tiếp đã diễn ra trên đất nước ta.

Ông Bin còn đề nghị: Chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương, phế binh, viên chức cũ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và thân nhânTheo ông: Các việc làm nói trên sẽ lay động mọi trái tim Việt, khơi dậy và thổi bùng nhiệt huyết yêu nước, tình nghĩa đồng bào, góp phần hòa giải, hòa hợp, hàn gắn vết thương dân tộc sau gần nửa thế kỷ chiến tranh chấm dứt vẫn còn rỉ máu, kết nối mọi con cháu các Vua Hùng, ở trong cũng như ngoài nước, thành một khối, đồng lòng sát cánh cùng nhau chung sức đạp bằng mọi chông gai, trở ngại, đưa non sông gấm vóc bật dậy, đuổi kịp và sánh vai tiến bước cùng các quốc gia giầu mạnh, tiên tiến trên thế giới, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc đã và đang bị Trung Quốc vi phạm, xâm lấn nghiêm trọng

Giống như 47 năm qua, tháng Tư năm nay, có rất nhiều người hồi tưởng về những gì họ đã trải qua trước, trong cũng như sau sự kiện 30/4/1975, chẳng hạn trên “Trang văn chương miền Nam”, Thanh Luu đề nghị mỗi người trong số hơn 75.000 thành viên kể lại chuyện của chính họ.

30 tháng Tư năm nay, Hoang Ngoc Dieu công bố một tài liệu được lưu trữ trong kho dữ liệu của “Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh” (hình thành sau tháng 4/1975 và đã được tách ra thành Phú Yên và Khánh Hòa). Theo Hoang Ngoc Dieu thì trong quá trình lục lọc, tìm kiếm tài liệu, ông tìm được tài liệu này – bản thống kê tên chủ sở hữu và địa chỉ những bất động sản bị đảng CSVN “tịch thu” sau khi “giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Hoang Ngoc Dieu nhấn mạnh, danh sách bất động sản bị tịch thu và nay ông công bố chỉ trong phạm vi thị xã Nha Trang – nơi theo thống kê của Nha Điền địa chỉ có khoảng hơn 10.000 gia đình nhưng có tới hơn 1.000 gia đình bị “tịch thu” nhà.

Ngoài việc đề nghị mọi người tham khảo, Dieu lưu ý: Ai có tên trong danh sách hoặc ai đang cư ngụ ở những địa chỉ có trong danh sách thì nên biết rằng, năm xưa, từng căn nhà trong danh sách này đã từng là mái ấm – nơi cư trú của gia đình nào đó rồi bị cướp đoạt sau khi miền Nam “được giải phóng”.

Từ danh sách mà Hoang Ngoc Dieu công bố, Như Hiếu – một friend của Dieu – kể thêm câu chuyện về gia đình bác gái. Vợ chồng bà có bốn người con ngụ ở Nha Trang. Họ có nhà và một dãy phòng trọ cho thuê. Sau khi miền Nam “được giải phóng”, gia đình này không chỉ tan tác mà còn mất sạch tài sản. Đầu tiên là dãy phòng trọ cho thuê bị tịch thu, kế đó là họ bị “tịch biên tài sản” vì là “tư sản”. Trắng tay, họ bỏ Nha Trang vào TP.HCM ở trọ nhà sui gia rồi mất… Con cái họ đã bỏ xứ đi ngoại quốc. Như Hiếu cho biết: Anh chị họ của tôi giờ đang ở bên Mỹ. Tuy không tiện để hỏi cho tường tận nhưng tôi biết chắc toàn bộ tài sản của họ đều… lọt vào tay… “tộc cối”!

Trân Văn