Vì sao răng bị ố vàng?

Trong khi những người nổi tiếng có thể khoe hàm răng trắng ngọc ngà, thì hầu hết mọi người chỉ có những nụ cười … màu vàng xin xỉn. Vì sao thế?

Hàm răng trắng sáng, không ố vàng là yếu tố quan trọng tạo nên sự tự tin trong giao tiếp. Tuy nhiên, theo thời gian, hàm răng không còn giữ được độ trắng bóng cần thiết mà bắt đầu chuyển sang màu ố vàng, gây mất thẩm mỹ khi cười, nói.

Đừng quá ngạc nhiên, có nhiều điều có thể ảnh hưởng đến màu của hàm răng và biến chúng thành một màu vàng nhàn nhạt không đẹp mắt lắm.

Hầu hết nguyên nhân khiến răng đổi màu rơi vào hai trường hợp chính: những vết bẩn bên ngoài và bên trong răng.

Vì sao răng bị ố vàng?
Vì sao có sự khác biệt… tàn nhẫn như thế này?

Bạn sẽ nhận ra những vết bẩn bên ngoài trên bề mặt men răng, lớp ngoài cùng của răng. Những vết bẩn này thường xuất hiện do chế độ ăn uống.

Không có gì ngạc nhiên, các loại thực phẩm và đồ uống tối màu – bao gồm cả cà phê, rượu vang đỏ, trà đen, coca, nước sốt đậm và trái cây như nho và lựu – có khả năng nhuộm răng rất lớn. Những thực phẩm này có nhiều chất chromogen, một loại sắc tố có thiên hướng bám vào men răng.

Thực phẩm và đồ uống có tính axit có thể làm trầm trọng thêm hiện tượng mòn men răng và khiến chất sắc tố chromogen dễ bám vào răng. Tannin, một hợp chất vị đắng có trong rượu vang và trà, cũng giúp chromogen gắn chặt với men răng.

Ngoài ra, hút thuốc lá cũng là thủ phạm nổi tiếng gây ra các vết bẩn bên ngoài răng, cũng như việc vệ sinh răng miệng kém sẽ cho phép các mảng bám tích tụ trên răng.

Trong khi đó, các vết bẩn bên trong răng xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau làm thay đổi các thuộc tính của men răng và ngà răng.

Vì sao răng bị ố vàng?

Có nhiều loại thuốc có thể làm răng ố vàng. Chẳng hạn, nếu trẻ uống thuốc kháng sinh tetracycline và doxycycline khi răng vẫn đang phát triển (trước 8 tuổi), răng của chúng có thể biến sang màu nâu vàng.

Trong quá trình trưởng thành, chlorhexidine, một chất khử trùng được sử dụng trong loại nước súc miệng để điều trị viêm lợi, có thể biến đổi màu của răng. Tương tự, loại thuốc minocycline chống mụn trứng cá, một dẫn xuất của chất tetracycline, cũng gây ra các vết bẩn răng. Ngay cả các loại thuốc tương đối phổ biến, chẳng hạn như thuốc kháng histamin và thuốc huyết áp, đôi khi cũng có thể gây vàng răng.

Uống quá nhiều florua và sử dụng các hóa trị ở đầu và cổ cũng gây ra các vết bẩn bên trong răng.

Ngoài các vết bẩn bên trong và bên ngoài, hai yếu tố khác nữa khiến răng bị ố vàng là: di truyền và tuổi tác.

Tương tự như màu da hay màu tóc, bạn sinh ra với một hàm răng có vẻ trắng hơn (hay vàng hơn) so với người khác. Một phần là do độ dày của men răng. Nghĩa là, nếu men răng của bạn mỏng, theo thời gian năm tháng, bạn sẽ rất dễ có nụ cười màu… vàng nhạt.

Các biện pháp cải thiện tình trạng răng ố vàng

TS Phạm Thị Thu Hằng khoa Răng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho hay có nhiều phương pháp cải thiện tình trạng răng ố vàng nhanh chóng như tẩy trắng tại trung tâm nha khoa hoặc bạn tự thực hiện tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Với phương pháp tẩy trắng tại nha khoa, bác sĩ sẽ dùng chất bảo vệ lợi cho vùng răng được xử lý. Nha sĩ đặt gel tẩy trắng trên bề mặt răng, có thể dùng đèn LED giúp tăng tốc quá trình này. Thời gian tẩy trắng khoảng 60 phút. Sau khi tẩy trắng, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác hơi ê buốt vài ngày sau đó, kiêng ăn uống đồ có màu trong 1-2 tuần.

Trường hợp tự tẩy trắng tại nhà, nha sĩ sẽ cho khách hàng sử dụng các dải, khay cá nhân hoặc làm sẵn theo kích cỡ tương đối để tự điều chỉnh phù hợp với khuôn răng. Gel để tẩy trắng tại nhà có nồng độ không cao như ở nha khoa. Thời gian thực hiện 7-10 ngày, mỗi ngày sử dụng ít nhất 4 giờ.

“Để duy trì kết quả tẩy trắng, vệ sinh răng miệng tốt là yếu tố quan trọng nhất. Bạn nên đánh răng 2-3 lần mỗi ngày, dùng chỉ tơ nha khoa hoặc bàn chải kẽ để lấy thức ăn thừa trong miệng. Súc miệng bằng các dung dịch làm sạch. Bạn thường xuyên làm như vậy sẽ chống được tình trạng ố vàng của răng”, bác sĩ Hằng cho hay.

Theo chuyên gia này, ngoài 2 biện pháp trên, người dân có thể áp dụng một số cách khác đơn giản hơn tại nhà như:

  • Baking soda và oxy già: Bạn trộn một thìa baking soda và 2 thìa nước oxy già 5V để tạo thành hỗn hợp sệt. Chải răng với bột nhão như bạn thường dùng kem đánh răng. Rửa sạch miệng bằng nước.
  • Ngậm dầu dừa: Bạn ngậm 1-2 thìa cà phê dầu dừa hữu cơ trong 10-30 phút, không được nuốt. Sau đó, bạn nhổ bỏ dầu dừa, đánh răng như thông thường.
  • Vỏ chanh, cam và chuối: Bạn có thể chà răng bằng vỏ chanh, cam hoặc vỏ chuối. Những loại vỏ này có hợp chất d-limonene giúp làm trắng răng.
  • Than hoạt tính: Chúng giúp loại bỏ độc tố và vi khuẩn ra khỏi miệng. Khi sử dụng bột than hoạt tính hoặc kem đánh răng, bạn nên làm theo hướng dẫn đi kèm. Bạn chải răng nhẹ nhàng theo chuyển động tròn và cẩn thận quanh nướu. Bạn không nên dùng mỗi ngày vì có thể bào mòn răng.
  • Tiêu thụ nhiều nước: Nước giúp rửa trôi các hạt thức ăn và vi khuẩn. Ngoài ra, tiêu thụ trái cây, rau với hàm lượng nước cao giúp làm trắng vì chất xơ làm sạch răng và nướu của bạn khỏi mảng bám vi khuẩn. Bên cạnh đó, ăn hoa quả giúp tiết ra nhiều nước bọt để rửa sạch răng hơn.

Theo TS Thu Hằng, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa răng vàng là vệ sinh răng miệng tốt. Bạn nên đánh răng 2-3 lần/ ngày, tốt nhất là sau mỗi bữa ăn. Chúng ta có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa và bàn chải kẽ mỗi ngày.

Các cách khác để tránh răng vàng bao gồm không hút thuốc, hạn chế cà phê, trà, rượu vang đỏ và uống nhiều nước. Ngoài ra, người dân cũng nên khám định kỳ răng miệng 6 tháng một lần.

Theo Khoa học