Vì sao Mỹ có số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới?

Ngày 22/2, Mỹ vượt mốc 500.000 người chết vì Covid-19, gần một năm sau khi nước này thông báo ca tử vong đầu tiên tại Seattle vào ngày 29/2/2020. Số ca mắc Covid-19 hiện đã lên tới hơn 28 triệu người.

Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng Mỹ ghi nhận gần 20% số ca tử vong trên toàn cầu. Tổng thống Joe Biden ngày 22/2 gọi cột mốc nửa triệu người chết vì Covid-19 là con số “đau lòng”.

“Tôi muốn tất cả người Mỹ hãy tưởng nhớ những người đã mất và những người bị bỏ lại phía sau. Tôi đề nghị tất cả chúng ta phải hành động, luôn cảnh giác, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tiêm vắc xin”, ông Biden nói, kêu gọi cả nước đoàn kết chống đại dịch.

Lý do nào khiến cường quốc hàng đầu thế giới ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất toàn cầu? Các chuyên gia y tế Mỹ có thể rút ra bài học gì sau 1 năm dịch bệnh hoành hành?

Theo AFP, 2 chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm Joseph Masci và Michele Halpern đã đưa ra câu trả lời để giải đáp một phần những thắc mắc trên.

Masci là một trong số lãnh đạo của bệnh viện Elmhurst ở Queens – nơi từng là tâm dịch Covid-19 tại New York. Halpern là chuyên gia của tổ hợp bệnh viện Montefiore ở New Rochelle – vùng ngoại ô của New York từng bùng phát dịch hồi tháng 2 năm ngoái.

Lý do khiến Mỹ bị dịch tấn công mạnh

Vì sao Mỹ có số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm y tế ở California hồi tháng 1/2021. (Ảnh: AFP)

Theo Masci, trước khi dịch bùng phát, Mỹ chỉ quan sát các chủng vi rút corona “từ xa”.

“Từng có ca mắc Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) ở Canada, nhưng gần như có rất ít hoặc không có ca bệnh nào ở Mỹ. Cũng không có ca mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) nào tại Mỹ”, Masci cho biết.

Masci nói rằng Mỹ đã chuẩn bị “rất nhiều” để đối phó với nguy cơ dịch Ebola tràn vào nước này, nhưng rốt cuộc kịch bản này không xảy ra.

“Đột nhiên, vi rút corona lại trở thành một vấn đề và biến Mỹ thành tâm dịch”, Masci nói.

Theo chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm, rất khó để so sánh Mỹ với các nước khác.

“Tôi nghĩ những nước nhỏ hơn, nơi dịch vụ chăm sóc y tế được tổ chức có hệ thống, có khả năng huy động mọi thứ một cách nhanh chóng. Còn ở một đất nước như Mỹ, với 50 bang độc lập, diện tích lớn, với hệ thống y tế phần lớn là tư nhân, sẽ rất khó để thuyết phục tất cả mọi người cùng đồng lòng với một chiến lược cụ thể”, Masci nhận định.

Trong khi đó, theo Masci, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump lại có cách tiếp cận thiếu đồng bộ, và điều này càng không giúp chống dịch hiệu quả.

“Việc các bệnh viện phải cạnh tranh với nhau để có được trang thiết bị bảo hộ cá nhân thật thiếu hiệu quả. Lẽ ra họ phải tập trung hóa mọi thứ thật nhanh, nhưng họ lại không làm như vậy. Đó là một cuộc giằng co để xử lý những rào cản do chính họ dựng lên”, Masci nói thêm.

Cả Masci và Halpern đều nhận định việc đeo khẩu trang đã bị chính trị hóa.

“Đó hoàn toàn là vấn đề chăm sóc sức khỏe”, Masci nói, đồng thời cho rằng chính quyền liên bang sẽ còn gặp nhiều khó khăn để chuyển tải thông điệp này tới người dân.

Halpern cho rằng mọi người không nên coi việc đeo khẩu trang là “vi phạm” quyền tự do cá nhân.

“Có những việc chúng ta vẫn thường làm và có thể bị gọi là vi phạm quyền tự do cá nhân như thắt dây an toàn hay chạy xe qua đèn đỏ”, Halpern giải thích.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ hàng đầu và là Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói rằng dịch Covid-19 xuất hiện tại Mỹ trong bối cảnh đất nước đang bị tác động bởi chia rẽ chính trị, khiến việc đeo khẩu trang trở thành một tuyên bố chính trị thay vì là một biện pháp y tế cộng đồng.

“Đây là điều tồi tệ nhất liên quan tới y tế xảy ra với nước Mỹ trong hơn 100 năm qua và người dân Mỹ sẽ còn nói về năm khủng khiếp 2020 và có thể 2021 trong nhiều thập niên tới”, cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden cho biết.

Phần lớn năm 2020, ông Fauci làm việc trong nhóm chuyên trách chống dịch của Nhà Trắng, công việc khiến ông thường xuyên mâu thuẫn với cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump từng xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 dù chính ông cũng bị mắc. Ông từ chối ban hành sắc lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên phạm vi cả nước.

Cựu Tổng thống nhiều lần nghi ngờ uy tín của ông Fauci, thậm chí phớt lờ các thông điệp về sức khỏe cộng đồng do ông Fauci đề xuất. Tuy vậy, nhà dịch tễ này cho rằng thất bại của nước Mỹ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 không hoàn toàn là trách nhiệm của ông Trump.

“Nhưng việc thiếu sự tham gia của cấp lãnh đạo cao nhất trong việc thực hiện những điều dựa trên khoa học rõ ràng đã gây bất lợi cho nỗ lực chống dịch”, ông Fauci nhận định.

Bài học cho nước Mỹ sau khủng hoảng Covid-19

Vì sao Mỹ có số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Người phụ nữ khóc bên cạnh quan tài người chồng chết vì Covid-19 tại Texas. (Ảnh: Reuters)

Đối với chuyên gia Masci, bài học quan trọng nhất là Mỹ cần điều chỉnh lại các bệnh viện để đảm bảo rằng các cơ sở này có thể xử lý số lượng bệnh nhân tăng đột biến.

“Bây giờ, thay vì chỉ có 12 giường điều trị tích cực, chúng ta phải có 150 chiếc. Vậy lấy chúng từ đâu? Ai là người vận hành? Chúng ta phải rút ra bài học này”, Masci nói.

Masci cũng cho biết chuỗi bệnh viện công là một phần trong chiến lược chia sẻ gánh nặng tại New York, giúp các bệnh viện chuyển bệnh nhân rất nhanh.

“Chúng ta đã biến từ một bệnh viện 500 giường thành 11 bệnh viện với khoảng 5.000 giường. Việc này hoạt động rất hiệu quả”, Masci cho biết.

Theo chuyên gia Halpern, đại dịch khiến mọi người nhận ra rằng “bệnh viện rất cần các nguồn lực”.

“Bạn phải đầu tư vào nghiên cứu, nhưng cũng cần đầu tư vào bệnh viện, vào các viện dưỡng lão. Các cơ sở này phải có đủ nhân lực, đủ thiết bị cần thiết và những nhân viên tại đó cần cảm thấy vui vẻ”, Halpern nói.

Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ, không chỉ ở hệ thống chăm sóc sức khỏe mà còn về nhà ở, trong đó các cộng đồng người da đen và người gốc Latinh có tỷ lệ tử vọng cao đột biến.

Mặc dù vắc xin đã được triển khai tiêm chủng tại Mỹ, nhưng các chuyên gia y tế vẫn cảnh giác do những yếu tố bất định xoay quanh các biến chủng vi rút ở Anh và Nam Phi.

Theo Dân trí