Home Việt Nam Vì sao Hàn Ni ‘thành khẩn nhận tội’?

Vì sao Hàn Ni ‘thành khẩn nhận tội’?

Đặng Thị Hàn Ni bị tuyên 1 năm rưỡi tù
Nghe đọc bài

Là người trong nghề, hai luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ cố gắng đạt được lợi ích cao nhất trong vụ án là hình phạt tù giam thấp nhất bằng giải pháp nhận tội.

Các điều luật 331 và 117 của Bộ luật Hình sự hiện hành chế tài các phát ngôn của công dân đều vi phạm điều 25 Hiến pháp và điều 19 Công ước Liên Hiệp Quốc. Thế nên, chúng đều là những điều luật vi hiến và bất hợp pháp. Trong trường hợp đó, tòa án không có quyền vận dụng điều luật vi hiến, bất hợp pháp để kết tội công dân được.


Dĩ nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối. Ranh giới của quyền tự do ngôn luận chính là lợi ích của người khác, tổ chức khác bị xâm phạm. Tham chiếu luật pháp của các quốc gia văn minh trên thế giới, thì sự xâm phạm ấy chỉ bị đánh giá là lỗi dân sự mà thôi. Người bị xâm phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bồi thường. Đồng thời, ngoài Việt Nam, không có quốc gia nào khác xem việc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” như là một tội danh hình sự cả.


Chúng ta cứ thử sử dụng trang tìm kiếm sẽ thấy những người như ông Lý Hiển Long, thủ tướng Singapore từng rất nhiều lần sử dụng quyền khởi kiện dân sự đối với những người phỉ báng mình để yêu cầu bồi thường danh dự. Nếu ở Việt Nam, thì người phỉ báng tương tự đã phải chịu mức phạt hình sự trên mức 10 năm tù giam vì xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo…


Chưa kể rằng, trong các vụ án xét xử về tội danh theo điều 331 hoặc 117 Bộ luật Hình sự đều phải áp dụng thủ tục giám định tư pháp về nhận thức, quan điểm, tư tưởng của nghi can. Điều này cũng lại là một “đặc sản” riêng có trong luật pháp hình sự Việt Nam. Vì lẽ, trên thế giới, thì nhận thức, quan điểm, tư tưởng đều là các ý niệm tự do. Chính quyền không phán xét nên không có bất kỳ định chế tư pháp nào để giám định về chúng cả.


Ngoài ra, còn có một thực tế đáng nói rằng: Một khi công an và công tố cùng nhau quyết định việc bắt giữ, khởi tố, tạm giam… thì hầu như sự đảo ngược lại quyết định đó là bất khả kháng. Vấn đề còn lại là hình phạt như thế nào mà thôi và đây cũng là dư địa co giãn tùy thuộc vào thái độ của người bị xét xử.

Là người trong nghề, hai luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ và các luật sư của họ rất hiểu điều đó và dĩ nhiên, họ cố gắng đạt được lợi ích cao nhất trong vụ án là hình phạt tù giam thấp nhất. Vì vậy, chỉ bằng giải pháp nhận tội, thậm chí, nhận tội thành khẩn mới là cách thức duy nhất để đạt lợi ích đó và cả hai luật sư đã chọn giải pháp nhận tội.


Vụ xét xử hai luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ cũng cho thấy sự khác biệt lớn nếu so sánh giữa những người lên tiếng vì mục đích tranh đấu, phản biện làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Một khi họ tự đánh giá rằng mình thực hiện quyền tự do ngôn luận do Hiến pháp công nhận, thì điều đó mang tính nguyên tắc, hầu như không ai trong số họ nhận tội khi bị xét xử bao giờ. Thế nên, hình phạt của họ bao giờ cũng rất nặng nề hơn nhiều lần tuy rằng xét xử với cùng tội danh.


Cho thấy, sự nhận tội của cả hai luật sư Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ trong phiên tòa xét xử vào ngày 01/03/2024 không phải vì họ có tội, mà chỉ là một sự tính toán thiệt hơn mà thôi.


Đặng Đình Mạnh

Exit mobile version