Về quê đón Tết, vừa bị cách ly, vừa bị nhốt như tù

Bà Trịnh Thị Sử – Trạm trưởng Trạm y tế xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa – cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 30 trường hợp về quê ăn Tết từ các tỉnh thành (thuộc nơi có cấp độ dịch 3 và 4) phải cách ly y tế tại nhà và bị thôn khóa cổng ngoài. Bà nói:

“Việc khóa cổng đối với những trường hợp này là chính xác và trên ‘tinh thần tự nguyện’ của người dân. Mới đây, có trường hợp một gia đình từ TP.Hồ Chí Minh về địa phương, lúc đầu về địa phương test nhanh thì cho kết quả âm tính, nhưng đến ngày sắp hết cách ly thì test nhanh lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vậy nên sau khi vận động, người dân cũng ủng hộ việc khóa cổng để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh”.

Ai cũng biết, ở những vùng quê như thế, “vận động” chỉ là cách nói cho có vẻ “dân chủ”, chứ thật chất đó là lệnh buộc người dân phải tuân theo, nhưng được khoác cho một “tấm áo mỹ miều”. Khó ai phản đối được.

Thế nên, “tinh thần tự nguyện” mà bà Sử đề cập chỉ là một cách nói mỵ dân, “nhằm phòng, chống dịch tốt hơn!”

Theo quy định đó, những người ở xa về sẽ bị “tù” ngay trong nhà mình bảy ngày. Đương nhiên, tất cả người trong gia đình đó cũng cùng chung số phận, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chìa khóa do Trưởng thôn giữ, khi hết thời gian cách ly (nếu có kết quả xét nghiệm âm tính), thì khóa cổng mới được mở trở lại.

Không ai đặt câu hỏi với chính quyền rằng liệu nếu trong nhà bị cháy thì họ sẽ thoát ra đường nào? Và ai chịu trách nhiệm về chuyện đó?

Chắc chắn người dân ở đấy có thắc mắc, nhưng không dám mở miệng. Những người được báo chí phỏng vấn, tất cả đều “thuận tình, và thấy chuyện này cũng bình thường!”

Chị Nguyễn Thị Ly và chồng là anh Hoàng Văn Hào (36 tuổi) cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, sau khi tham khảo các quy định cách ly tại quê nhà (ở thôn Trà Thôn, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa), gia đình chị đã quyết định từ Bình Dương về quê sớm, để kịp hoàn thành thời gian cách ly và cùng gia đình đón Tết. Chị Ly nói:

“Ngày 7 Tháng Giêng, cả gia đình tôi sáu người về đến quê, sau khi trải qua các bước khai báo y tế, gia đình về một ngôi nhà của người thân đã được chuẩn bị trước để cách ly. Sau đó, thôn đến khóa cổng phía ngoài. Việc này có ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng tình, thực hiện theo”.

Nhà chị Ly bị khóa trái cổng sau khi vợ chồng chị về quê ăn Tết – Ảnh: VietnamNet

Anh Bùi Văn Lên (40 tuổi) từ Hải Phòng về đây ăn Tết cũng “vui vẻ chấp hành chủ trương, chính sách” của xã, của huyện. Anh nói với phóng viên báo Lao Động:

“Khi về, vợ con tôi sang nhà ông bà ở, dành ngôi nhà cho anh em thực hiện việc cách ly. Sau đó, Tổ an toàn phòng chống dịch COVID-19 của thôn đến khóa cửa cổng và mang chìa khóa đi. Nếu có việc khẩn cấp gì, thì gọi điện cho trưởng thôn đến giải quyết, còn thực phẩm người thân sẽ mang đến. Chúng tôi thuận tình và cũng thấy bình thường”.

Sống dưới chế độ hà khắc đã quen, hoặc người dân vùng quê không ý thức được quyền lợi của họ, hoặc họ biết nhưng vì sự an toàn của mình và gia đình, nên họ buộc lòng phải nói những lời tốt đẹp cho chính quyền xã, ấp.

Cho đến khi báo chí vào cuộc, thì sự việc được hiểu theo một hướng khác.

Nhiều nhà “kín cổng cao tường” thế này, nếu xảy ra cháy, nổ thì không hiểu người dân chạy thoát thân như thế nào, trước khi ông Trưởng thôn mang chìa khóa đến mở cổng? – Ảnh: Lao Động

Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết đã chỉ đạo UBND xã Thiệu Phú mở cổng ngay lập tức cho các gia đình có người cách ly sau khi báo VietNamNet phản ảnh.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, huyện “không chỉ đạo” địa phương nào khóa cổng của gia đình có người làm ăn xa về cách ly y tế tại nhà. Có thể một số cán bộ xã, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng ở thôn đã máy móc, lo xa nên vận động người dân đồng ý khóa cổng các gia đình có người làm ăn xa về. Ông Thế Anh nói thêm:

“Huyện luôn chào đón người dân làm ăn xa trở về quê đón Tết. Huyện khuyến cáo bà con về quê đến ngay trạm y tế xã khai báo y tế, test nhanh để có biện pháp phòng, chống Covid-19, đồng thời phải chấp hành nghiêm việc cách ly theo quy định”.

Theo nhận định từ dư luận, phát biểu của ông Thế Anh mang tính “đổ lỗi” cho cấp dưới.

Qua chuyện này, không biết người dân ở đấy có hiểu ra quyền lợi của mình là gì hay không? Câu trả lời có lẽ vẫn là “Không”!

(Tổng hợp)