Tử vong sau khi tiêm mũi 2 Vero Cell tại Thanh Hóa: tắc trách y tế hay vắc-xin nhiễm độc tố?

Tính đến 26-11, có 4 ca tử vong cùng tại một điểm tiêm ngừa Covid với vắc-xin Vero Cell của Trung Quốc.

Nghe đọc bài

Ngày 23-11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ 2, vắc-xin Vero Cell cho người lao động tại Công ty TNHH Giày Kim Việt.

Sở  Y tế Thanh Hóa nói rằng công tác tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm được thực hiện theo quy định, chưa phát hiện sai sót chuyên môn trong tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm vắc-xin.

Trong quá trình tổ chức tiêm chủng, đã ghi nhận khoảng hơn 30 trường hợp phản ứng sau tiêm. Trong đó có 5 trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng, được chẩn đoán phản ứng phản vệ sau tiêm. Các trường hợp này đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống và lực lượng phản ứng nhanh của ngành y tế sơ cứu, cấp cứu ngay tại chỗ theo hướng dẫn chuyên môn và chuyển tuyến về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng và diễn biến nhanh sau sốc phản vệ nên 2 trường hợp đã tử vong vào lúc 0 giờ 45 phút và 8 giờ 45 phút ngày 24-11. Đến tối 24-11, thêm một công nhân nữa tử vong. Chiều ngày 25-11, công nhân thứ 4 đã tử vong sau hơn 2 ngày chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Nữ công nhân này nằm trong số 9 người được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sau khi xảy ra sự cố.

Hiện 8 người cùng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sức khỏe dần ổn định. Những người khác đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống sức khỏe tiến triển tốt.

Bước đầu, Hội đồng tư vấn chuyên môn do Sở Y tế Thanh Hóa thành lập đã có kết luận: nguyên nhân các trường hợp tử vong là do sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Vero Cell.

Ngoài việc tạm dừng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại huyện Nông Cống, Sở Y tế Thanh Hóa cũng đã đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này tạm dừng tiêm vắc xin Vero Cell (lô B2021103398) trên phạm vi toàn tỉnh, trong khi chờ Bộ Y tế quyết định việc xử trí đối với số vắc-xin Vero Cell trên.

Sở cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu vắc-xin Vero Cell (lô B2021103398) theo hướng dẫn của Chương trình tiêm chủng quốc gia gửi Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm để kiểm định theo quy định.

Về lý thuyết chung thì chống chỉ định đối với những người có tiền sử sốc phản vệ với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin Vero Cell. Những người có thân nhiệt trên 38,5ºC nên hoãn tiêm vắc-xin cho đến khi hết sốt; Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc-xin như Hydroxit nhôm.

Thế nhưng ở đây các trường hợp bị phản ứng sau tiêm mũi 2 Vero Cell tại cùng một điểm tiêm lên đến ngoài 30 người, và đã có 4 ca thương vong được kết luận ban đầu là sốc phản vệ.

Vì đã không xảy ra vấn đề gì về sức khỏe khi tiêm mũi 1 vắc-xin Vero Cell, nên số công nhân trên mới tiêm tiếp mũi 2 theo lộ trình thời gian đúng quy định của nhà sản xuất. Vậy thì có thể tạm loại trừ lý do “tiền sử sốc phản vệ”, cũng như “quá mẫn” với Hydroxit nhôm.

Trước đó, vào tháng 5-2021 ở An Giang cũng xảy ra một thương vong sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Người tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu.

Trước khi tiêm vắc-xin mũi 1 tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6-5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm. Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ.

Ngay sau đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý. Tiếp theo, bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu.

Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7-5-2021.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm), và được nhận định đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Thế nhưng ở trường hợp có đến 4 ca thương vong trong lần tiêm mũi 2 vắc-xin Vero Cell, song nguyên nhân tử vong lại công bố rất chung chung là “sốc phản vệ”.

Theo tài liệu của WHO về Vero Cell công bố hôm 24-5-2021, SARS-CoV-2 (Vero Cell) là vắc-xin bất hoạt chống lại Covid-19 thông qua kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể mà không gây bệnh. Sau khi virus bất hoạt được đưa vào hệ miễn dịch của cơ thể, chúng kích thích sản xuất các kháng thể và làm cho cơ thể sẵn sàng ứng phó với tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 sống.

Một nghi vấn khác qua vụ việc thương tâm ở trên, là liệu có liên quan gì chuyện hồi trung tuần tháng 9-2021, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM tiến hành lấy mẫu trưng cầu giám định tại các cơ sở kiểm nghiệm vắc xin của Bộ Y tế để xác định thực tế hoạt chất, hàm lượng/nồng độ của vắc-xin Vero Cell nhập khẩu.

Lý do là qua xem xét hồ sơ hải quan một số lô hàng vắc-xin Covid-19 Vero Cell, Tổng cục Hải quan nhận thấy có sự khác nhau về kết quả hoạt chất, hàm lượng/ nồng độ của vắc-xin giữa giấy phép nhập khẩu và kết quả kiểm nghiệm thực tế.

Cụ thể, hoạt chất, hàm lượng/ nồng độ trên giấy phép số 7929/QLD-KD là 6,5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt. Trong khi, kết quả kiểm nghiệm là 7,2U; 7,4U; 7,8U hoặc 6,9U…

Theo VNTB