Từ con cán bộ đến người đi tù 11 năm vì ‘âm mưu lật đổ’

Bà Trần Ngọc Ánh trong ngày ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu” tại California
Nghe đọc bài

Oái ăm thay bà Trần Ngọc Ánh, người đi tù 11 năm vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lại chính là con gái của một gia đình cán bộ, cha mẹ và các em đều theo Cộng Sản.

Viện Việt Học và Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt vừa tổ chức công chiếu phim tài liệu “Ba! Con Không Muốn Làm Người Cộng Sản,” đồng thời ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu,” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, với đông người tham dự.

Cuốn phim nói về cuộc đời của bà Trần Ngọc Ánh, người trải qua 11 năm trong ngục tù Cộng Sản sau 1975 vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và quyển sách “Ngày Tháng Buồn Hiu,” cũng của tác giả Trần Ngọc Ánh. Cả hai đều kể lại câu chuyện thật đời mình, khi bà Ánh có cha và chị đi theo Cộng Sản. Sau 1975, cha của bà khi đó là một cán bộ, đã ép bà đi theo con đường Cộng Sản mà thời đó mọi người đều lầm lẫn.

Sau những lần xung đột gia đình, bà dứt khoát bỏ nhà và thoát ly để theo chồng, ông Trần Thắng Tài, một quân nhân VNCH, và đã dứt khoát bồng con nhỏ mới 1 tuổi theo chồng vào tù.

Ông Trần Chí Hồng Tiên, đại diện Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt và bà Trần Ngọc Ánh nhận bằng tưởng lục từ TNS Janet Nguyễn, do ông David Nguyễn trao tặng

Lần đầu tiên, trong bộ phim, người xem được nghe và thấy những chuyện do chính bà Trần Ngọc Ánh kể lại, oái ăm thay bà lại chính là con gái của một gia đình cán bộ, cha mẹ và các em đều theo Cộng Sản.

Người tham dự cũng được xem triển lãm, từ những hiện vật của ông Trần Thắng Tài, chồng bà Ánh, cùng những trang nhật ký của bà, cùng với hình ảnh của đứa con trai Trần Thắng Vy Dân với căn bệnh đã tàn phá cuộc đời của em từ khi theo mẹ vào tù.

Cuốn phim dài khoảng gần hai giờ đồng hồ, do chính người nữ tù kể lại đời mình, từ một cô gái ngây thơ, cựu học sinh Hoàng Diệu, Sóc Trăng, sống và hít thở không khí miền Nam tự do thanh bình, đến sau ngày 30 Tháng Tư 1975 đầy nghiệt ngã, cả nước chìm đắm trong những đói khổ, bệnh tật, kinh tế bi thảm, đã khiến hàng triệu người Việt phải liều chết tìm đường vượt biển, nhưng bà cùng chồng chọn con đường ở lại chiến đấu cho tự do. Khi chồng bị bắt, bà thà bồng con thơ vào tù, chia sẻ những lao khổ tù đày cùng chồng cho đến khi ông bị tử hình, còn hơn là bị áp đặt một lý tưởng để sống an nhàn trong sự bảo bọc của cha và chị mình.

Cuốn phim này nằm trong dự án lịch sử qua chuyện kể của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, ghi lại những câu chuyện sống sót của những nhân chứng, kể lại biết bao nhiêu gian khổ trong lao tù Cộng Sản và trên bước đường đi tìm tự do, để làm chứng tích lịch sử cho hiện tại và mai sau.

Sau buổi chiếu phim, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Người Việt có triển lãm những hiện vật của ông Trần Thắng Tài, cựu quân nhân VNCH, đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do dân chủ của tổ quốc Việt Nam cho đến ngày ông hy sinh dưới làn đạn của Cộng Sản, lúc 38 tuổi đời, ngày 14 Tháng Sáu năm 1982 tại Phan Thiết.

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, chia sẻ: “Cô Trần Ngọc Ánh là người đơn giản, tính chất rất bình dị, ẩn chứa một ý chí và sự phấn đấu phi thường, tiêu biểu tinh thần của người phụ nữ Việt Nam. Lớn lên dưới chế độ Cộng Sản sau 1975, với những chuyện xảy ra trong gia đình cô cho chính cô và người chồng. Cô đã ở tù Cộng Sản và viết văn, quyển nhật ký của cô đã đi theo con đường của các trại tị nạn, theo các thuyền nhân ra tới hải ngoại, và có những người khi đọc lại tác phẩm ấy đã tìm lại được cô. Và cô tiếp tục viết câu chuyện đã xảy ra, đây là một sự hy sinh rất lớn, khi cô đã can đảm kể lại cho các thế hệ sau được nghe, và rút tỉa kinh nghiệm qua bài học của cô.”

Ông Sơn Rotha, hội trưởng Hội Ái Hữu Tương Tế Sóc Trăng tại Hoa Kỳ, cho hay ông rất hãnh diện vì là đồng hương Sóc Trăng và cũng là đồng môn cựu học sinh Hoàng Diệu, Sóc Trăng.

“Tôi đã được đọc cuốn sách này, với nhiều cảm xúc khi một phụ nữ vì lý tưởng tự do dám hy sinh tất cả. Nếu chị chịu nghe theo lời khuyên của cha mình, có thể giờ này chị đã có một chức lớn rồi. Nhưng chị đã từ bỏ hết tất cả để đi theo công cuộc chiến đấu chống lại Cộng Sản. Đây là vị anh thư nước Việt thời hiện đại, tôi rất tự hào.”

(Theo báo Người Việt)