Trương Mỹ Lan được Lê Thanh Hải ‘chống lưng’ thế nào?

Trương Mỹ Lan và chồng

Nhà quan sát nói, sự thành công và thao túng tài sản mạnh nhất của Vạn Thịnh Phát gắn liền với 10 năm cầm quyền của Lê Thanh Hải.

Vạn Thịnh Phát gắn liền với bà chủ, Trương Mỹ Lan, xuất thân từ 1 tiểu thương bán vải chợ Soái Kình Lâm, sau lấy chồng là ông Chu Lập Cơ, người Hồng Kông (ông này sau được biết là tay chân thân tín và tài phiệt cho trùm tham nhũng và là Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang); họ có một con quốc tịch Hồng Kông.

Nhóm họ Trương tại Sài Gòn là 1 trong vài dòng họ có thế lực mạnh nhất Sài Gòn, kể cả thời trước năm 1975 lẫn bây giờ trong chính thể hiện nay.

Sự thành công và thao túng tài sản mạnh nhất của Vạn Thịnh Phát gắn liền với 10 năm cầm quyền của Lê Thanh Hải. Ông Hải lại có vợ là bà Trương Thị Hiền, là em ruột bà Trương Mỹ Hoa, trước làm đến chức Phó Chủ tịch nước. Chưa có bằng chứng để nói dòng họ Trương của bà Hoa – Hiền với dòng Trương của bà Lan có gắn bó về gia tộc hay không, nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam với các phong trào dòng tộc, đồng hương rất mạnh thì rất có thể có sự liên hệ đáng kể ở đây.

Bà Lan xuất thân là chủ sạp buôn vải ở chợ Soái Kình Lâm. Năm 1992, sau khi có chính sách đổi mới, bà thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhà hàng. Quy mô rất nhỏ và hoạt động thương mại là chính.

Năm 2007, sau khi kết hôn với Chu Lập Cơ, cũng sau khi Lê Thanh Hải lên cầm quyền Sài Gòn, Công ty của Trương Mỹ Lan chuyển sang kinh doanh bất động sản là chính, với vốn điều lệ 6.000 tỷ, với tên tập đoàn. Vạn Thịnh Phát, với khoảng 20 công ty và ngân hàng con đã phát triển như diều gặp gió, thâu tóm các khu đất vàng vùng Trung tâm Sài Gòn và khu vực lõi của Chợ Lớn.

Bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân cùng bị bắt

Cần biết là lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực rất lãi nhưng cũng nhiều rủi ro, nhất là rủi ro chính sách (tân quan tân chính sách) và cần rất nhiều tiền. Những gã khổng lồ nhiều tiền và đi đầu trong kinh doanh bất động sản ở Sài Gòn như Diệp Bạch Dương, Đoàn Nguyên Đức, Cường Đô la, gần đây là Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh… đều phải ôm đầu máu, kẻ bỏ của chạy lấy người, kẻ phá sản ôm vòng lao lý…

Những công ty còn tồn tại cũng chỉ giữ quy mô vừa phải hoặc phải có bao che tiếp tay rất mạnh của hệ thống ngân hàng và cơ quan quyền lực. Riêng Vạn Thịnh Phát cứ lừng lững gặm hết đất vàng này sang đất vàng khác. Tất cả đều chỉ xây các khách sạn 5-6 sao hay Trung tâm thương mại hoặc thậm chí bỏ không cỏ mọc cả chục năm. Nhiều miếng đất sau khi gặm xong để cỏ mọc cả chục năm mà không có lệnh thu hồi, công ty cũng không lo lắng về hiệu quả.

Tài sản của Vạn Thịnh Phát đến nay cộng dồn đã lên con số hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chỉ 1 tòa nhà thôi tại mặt đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn cũng có giá trị trên 10 ngàn tỷ đồng. Vạn Thịnh Phát có hàng mấy chục tài sản toàn chỗ đắc địa như vậy.

Nếu ở nước ngoài, có các biện pháp giám sát tài chính chặt chẽ, hệ thống thuế công bằng, thì Vạn Thịnh Phát không thể phất lên được hoặc nếu phất thì bị truy thu thuế, phạt tiền hoặc bỏ tù từ lâu…

Nhưng ở Việt nam, nó cứ lừng lững lớn lên, trở thành tài phiệt tài chính, thao túng sang cả các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng.

Có một chi tiết là vụ bê bối lộ ra khi bị can Dương Chí Dũng (tổng giám đốc Vinalines) khai tại tòa có mang 1 triệu đô của Vạn Thịnh Phát đến biếu Tướng Phạm Quý Ngọ để vận động phê duyệt khu cảng Sài Gòn cho Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, lời nói của Dương Chí Dũng tại tòa bị cắt ngang ngay và có sự kiện không biết có liên quan không, nhưng sau đó vài ngày thì tướng Công an Phạm Quý Ngọ nhập viện và chết luôn sau đó tại bệnh viện…

Một tổng giám đốc Tổng công ty Nhà nước như Dương Chí Dũng còn phải làm đầu sai xách thuê 1 triệu đô cho Vạn Thịnh Phát thì chúng ta biết Tập đoàn này có thế lực như thế nào?
Vạn Thịnh Phát hầu như không có kinh doanh bất động sản. Nó chỉ có mua vào thôi, mà toàn mua các khu đất vàng hàng chục ha, hàng trăm ha… về sau, các hoạt động kinh doanh khách sạn, cho thuê văn phòng có doanh thu thì các doanh thu đó chỉ đủ để trang trải chi phí kinh doanh và các chi phí khác.

Người ta có quyền đặt câu hỏi: Nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát lấy từ đâu? Liệu có liên quan gì đến các Cty khổng lồ nước ngoài không? Có liên quan đến các nguồn rửa tiền của các quan chức tham nhũng bên Trung Quốc không?

Trong “Hồ sơ Panama, Trương Mỹ Lan là cái tên Việt Nam đứng đầu bảng. Trương Mỹ Lan và chồng là Chu Lập Cơ đều có tên trong danh sách hồ sơ Panama nổi tiếng.
Ở Việt Nam, bà chủ Trương Mỹ Lan rất kín tiếng.

Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan tại một sự kiện

Cách truyền thông tạo dựng hình ảnh của Vạn Thịnh Phát rất chuyên nghiệp.

Bề nổi, ta chỉ thấy Vạn Thịnh Phát làm từ thiện rất nhiều, ủng hộ chính quyền TP HCM rất nhiều. Nhiều đến mức người bình thường không hiểu nổi…

Năm 2014 (cần nhớ là năm 2015 thì Lê Thanh Hải sẽ nghỉ chức), bà Trương Mỹ Lan có nộp đơn xin bỏ quốc tịch Việt Nam cùng nhiều thành viên gia đình (tất nhiên bà ta có quốc tịch nước ngoài rồi). Tuy nhiên, sau đó vài tháng lại xin rút đơn này.

Chỉ trong đợt chống dịch Covid lần này, Vạn Thịnh Phát tài trợ rất khủng: Ủng hộ Quỹ Vaccine 1450 tỷ đồng, ủng hộ 47 triệu đô để TP.HCM nhập 5 triệu liều vacxin Vero Cell của Trung Quốc…

Vạn Thịnh Phát là công ty có ý đồ gì? Nguồn vốn của ai? Vốn gốc có dính gì với các tập đoàn mờ ám Hồng Kông không? Con đường thâu tóm đất vàng, đất có ý nghĩa an ninh, quân sự vùng Sài Gòn có được minh bạch về luật pháp không – về quy trình đấu thầu, giao đất và định giá? Kinh doanh của Vạn Thịnh Phát có đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước không?

Lòng dân là thước đo cho chính trị và các quyết dịnh chính trị. Chính trị, dù là trong chống dịch hay lúc thái bình cũng phải đo bằng lòng dân.

Kim Văn Chính