Trung Quốc xây dựng căn cứ tên lửa thứ hai gần biên giới với Việt Nam

Nghe đọc bài

Trung Quốc có thể đang xây dựng một căn cứ tên lửa đất đối không thứ hai cách biên giới Việt Nam khoảng 70 km. Những hình ảnh vệ tinh và phân tích của trang Đại Ký Sự Biển Đông và Đài Á Châu Tự Do (RFA) thu thập được vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021 cho thấy như vậy.

Theo phân tích của Đại Ký Sự Biển Đông, căn cứ tên lửa được xây dựng ở thành phố Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng dưới 70 km.

Trước đó, vào ngày 3/2, trang Đại Ký Sự Biển Đông cũng công bố hình ảnh vệ tinh và phân tích cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ tên lửa đất đối không ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km.

Thông tin này sau đó cũng được trang tin về Biển Đông (South China News) đăng trên Twitter.

Theo phân tích của Đại Ký Sự Biển Đông, căn cứ tên lửa ở huyện Ninh Minh nằm cách một công trình được cho là sân bay trực thăng quân sự đang trong quá trình xây dựng khoảng 40 km.

Theo Giáo sư Carlyle Thayer thuộc trường Đại học New South Wales, Australia: “Việc triển khai các tên lửa đất đối không (SAM) gần các cơ sở quân sự là thủ tục hoạt động theo tiêu chuẩn đối với các lực lượng vũ trang, bao gồm cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Căn cứ nhằm mục đích phòng vệ và được thiết kế để nhắm mục tiêu vào máy bay của kẻ thù bay ở các độ cao”

Theo trang Đại Ký Sự Biển Đông, Trung Quốc dự định xây dựng một số sân bay ở tỉnh Vân Nam nhưng trang này hiện vẫn chưa có được vị trí cụ thể của các sân bay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, trong họp báo thường kỳ vào ngày 25/2, cho biết: “Quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Trước đó, vào ngày 4/2, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về căn cứ tên lửa ở Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẽ xác minh thông tin này.

Theo RFA