Trung Quốc xây 100 hầm chứa tên lửa, ‘tăng cường năng lực răn đe’

Bên trong một hầm tên lửa ở Trung Quốc
Nghe đọc bài

Các nhà phân tích cho rằng việc tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân cho thấy Trung Quốc đã thay đổi đánh giá về mối đe dọa đến từ đối thủ chiến lược Mỹ.

Trung Quốc đã đẩy nhanh việc phát triển vũ khí hạt nhân từ lâu, trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, việc Mỹ thận trọng về khả năng tham gia vào chiến sự do rủi ro xung đột hạt nhân với Nga cũng đã củng cố quyết định của Bắc Kinh khi phát triển vũ khí hạt nhân như một công cụ răn đe, theo Wall Street Journal.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng việc nâng cao năng lực hạt nhân có thể ngăn chặn kịch bản Mỹ can thiệp trực tiếp vào một cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây hơn 100 địa điểm nghi là silo (hầm phóng tên lửa) ở thành phố Ngọc Môn, tỉnh tỉnh Cam Túc. Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc có thể sở hữu 1.000 đầu đạn đến năm 2030, so với con số khoảng 350 đầu đạn hiện tại.

Tháng 1/2022, lớp che phủ địa điểm nghi là hầm phóng tên lửa ở Ngọc Môn đã được tháo dỡ

Những người thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng việc tăng cường vũ khí hạt nhân là do lo ngại về Mỹ, sau khi Washington có những chính sách quyết đoán hơn với Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden.

Quan chức quân sự Mỹ lo ngại việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân sẽ khiến Bắc Kinh có thể tổ chức tấn công hạt nhân bất ngờ. Nguồn tin cho biết Bắc Kinh cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đánh giá quá cao vũ khí hạt nhân vì nó không mang đến sự hỗ trợ thực tế trong các cuộc xung đột. Mọi chuyện dường như đã thay đổi từ đầu năm 2020 – thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát – khi Mỹ cứng rắn hơn trong lập trường với Trung Quốc.

Việc cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ đã khiến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đồng quan điểm rằng Mỹ có thể chấp nhận rủi ro lớn để ngăn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng cường hỗ trợ Đài Loan cũng khiến giới chức Bắc Kinh tranh luận về kịch bản Washington sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xung đột xảy ra. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và một ngày nào đó sẽ bị thống nhất với đại lục, kể cả bằng vũ lực.

Tên lửa tầm xa DF-41 “có thể vươn đến lãnh thổ Mỹ”

Trung Quốc có kế hoạch duy trì kho hạt nhân không vượt quá mức cần thiết. Các quan chức quân đội Trung Quốc tin rằng vũ khí hạt nhân Bắc Kinh đang sở hữu đã lạc hậu để có thể răn đe hiệu quả đối với Mỹ.

“Năng lực hạt nhân (của Bắc Kinh) kém hơn chỉ khiến Mỹ ngày càng gia tăng áp lực lên Trung Quốc”, nguồn tin cho biết.

Việc cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại khi Moscow đặt lực lượng hạt nhân trong trạng thái “cảnh báo cao” trong xung đột Ukraine đã khiến Trung Quốc suy nghĩ lại về giá trị chiến lược của vũ khí hạt nhân.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển cho biết trong năm 2021, Trung Quốc có 350 đầu đạn hạt nhân, thấp hơn nhiều so với con số mà Mỹ (5.550) hay Nga (6.255) đang sở hữu.

Ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 1/2022 cho thấy 45 địa điểm cuối cùng trong 120 điểm nghi là hầm phóng tên lửa gần thành phố Ngọc Môn đã được tháo lớp che phủ.

Các nhà phân tích cho rằng hầm phóng đủ lớn để triển khai tên lửa tầm xa DF-41, được đưa vào biên chế trong năm 2020, có thể vươn đến lãnh thổ Mỹ. Nhiều vụ thử tên lửa mang đầu đạn phóng từ máy bay cũng gia tăng khả năng đáp trả của Trung Quốc nếu bị tấn công phủ đầu.