Trung Quốc tiếp tục đe doạ các nước ở Biển Đông

Trung Quốc tập trận để đe doạ Việt Nam?

Trung Quốc đã thông báo về “cuộc diễn tập quân sự” và cấm một phần vùng biển trên Vịnh Bắc Bộ nằm ở phía Tây Bán đảo Lôi Châu (Tây Nam Trung Quốc) đúng thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng XIII và Mỹ đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông. Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho biết lệnh cấm một phần vùng biển” được áp dụng từ ngày 27-30/1, nhưng không cho biết chi tiết về thời gian hoặc quy mô tập trận.

Vào tháng 12/2020, ba tàu hải cảnh số 0127, 0128, 0129 của Trung Quốc đã có các hoạt động diễn tập gần bờ. Năm 2020, Trung Quốc tiến hành 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó 9 lần ở Vịnh Bắc Bộ. Quy mô và sự tham gia của Hải quân Quân Giải phóng trong các lần tập trận này rất khác nhau. Có những lần Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ Type 075 tham gia, nhưng có những lần chỉ là diễn tập thông thường với tàu hải cảnh.

Căn cứ hải quân Trạm Giang của Trung Quốc nằm trên bán đảo Lôi Châu là nơi đồn trú của các tàu chiến mặt nước thuộc Hạm đội Nam Hải, còn tàu ngầm đóng ở căn cứ trên đảo Hải Nam.

Giới chức Mỹ cho biết, cùng thời gian này, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cùng đoàn tàu chiến Mỹ đã vào Biển Đông (khu vực phía Nam) ngày 23/1 để bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải”.

Hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh một hải đội tác chiến Mỹ tiến vào khu vực và thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng XIII có phải là ngẫu nhiên hay không?

2021-01-25T072924Z_1554478945_RC2VEL9FYA5V_RTRMADP_3_SOUTHCHINASEA-USA.JPG
Hình minh hoạ. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngoài khơi Đà Nẵng hôm 5/3/2020. Reuters

Thứ nhất, một ngày sau khi tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức, Mỹ đưa một hải đội tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu vào vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích, để bảo đảm quyền tự do lưu thông quốc tế.

Ngày 25/1, Bắc Kinh lên án Mỹ thường xuyên đưa tàu sân bay vào Biển Đông, phô trương sức mạnh, đe dọa ổn định và hòa bình.

Thứ hai, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Đảng XIII – một sự kiện chính trị quan trọng. Song song với thông báo tập trận trên biển, Trung Quốc đã triển khai số lượng lớn bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến mới (IRBM) tới các khu vực phía Đông và phía Tây nước này để huấn luyện chuyên sâu.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), ảnh vệ tinh của công ty Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều bệ phóng tên lửa DF-26 (Đông Phong 26) tới một địa điểm huấn luyện ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. FAS cho biết, đây là lần đầu tiên họ thấy DF-26 hoạt động trong khu vực này.

Hải quân Trung Quốc cũng đã từng tổ chức tập trận tại bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông hồi năm ngoái ít nhất 2 lần vào tháng 7 và tháng 11. Lần này sắp diễn ra lại trùng với thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng. Sự trùng hợp của hai sự việc không thể không dẫn đến những liên tưởng về chủ đích của Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ tiếp diễn việc quấy nhiễu việc thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông

Chuyên gia an ninh châu Á Ian Storey cho rằng dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế với Malaysia và duy trì quan hệ thân thiện, nhưng nước này sẽ tiếp tục quấy rối các hoạt động dầu khí trong vùng biển của Malaysia nhằm ép Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận phát triển chung. Tuy nhiên, Malaysia sẽ không khuất phục trước mong muốn của Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn”.

Theo chuyên gia Storey, năm 2021, chính sách Biển Đông của Malaysia sẽ không thay đổi. Kể từ đầu những năm 1990, các nhà lãnh đạo Malaysia đều theo một chính sách: bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ); giám sát các hoạt động của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc trong EEZ; đảm bảo rằng vấn đề này không trở thành cái gai” trong quan hệ Malaysia – Trung Quốc bằng cách theo đuổi chính sách ngoại giao “âm thầm và bí mật” với Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, ông Storey nhận định Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin sẽ tìm cách củng cố quyền lực chính trị và đảm bảo sự tồn tại cho chính phủ liên minh mong manh của ông, đồng thời cũng cố gắng kiểm soát đại dịch COVID-19.

Chuyên gia phân tích châu Á Hugo Brennan thuộc hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Verisk Maplecroft, nhận định: Thủ tướng Muhyiddin bận rộn với tình trạng khẩn cấp trong nước và bất ổn chính trị hiện nay. Điều cuối cùng mà Thủ tướng mong muốn là sự leo thang căng thẳng song phương với Trung Quốc ở Biển Đông”. Theo ông Brennan, Trung Quốc có thể quấy rối tàu của Malaysia khi đang thực hiện các hoạt động dầu khí trong khu vực “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền  như đã xảy ra vài lần vào năm 2020.

Từ năm 2013, cảnh sát biển Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục tại Bãi cạn Luconia ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Khu vực này có trữ lượng hydrocarbon (dầu khí) lớn và dồi dào nguồn cá. Trữ lượng hydrocarbon lớn đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur vì là nguồn thu nhập đáng kể. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, cảnh sát biển Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ trong khu vực khi tìm cách cản trở hoạt động khảo sát và khoan của Malaysia bằng cách quấy rối các giàn khoan, tàu cung cấp và tàu khảo sát do Malaysia thuê. Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) đưa tin “đại dịch COVID-19 không có ảnh hưởng lớn đến sự hiện diện của cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông”.

2018-05-15T102521Z_879777209_RC1925E72910_RTRMADP_3_RUSSIA-ROSNEFT-VIETNAM.JPG
Hình minh hoạ. Mỏ Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam. Reuters

Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục tuần tra xung quanh Lô 06.1 – nơi mà Việt Nam vẫn đang khai thác dầu khí ở đó. Lô này nằm trên bồn Nam Côn Sơn, hoàn toàn nằm sâu trong EEZ của Việt Nam. AMTI cho biết: Việc này tương tự như mô hình lâu nay của cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi cạn Luconia, thường tuần tra các mỏ dầu và khí đốt gần đó… Các bên tranh chấp ở Đông Nam Á thường kiềm chế triển khai các tàu thực thi pháp luật hoặc hải quân để phản đối các cuộc tuần tra thường lệ này. Điều này cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc bình thường hóa sự hiện diện của mình ở đây. Một ngoại lệ gần đây là việc Malaysia triển khai tàu tuần tra KD Kelantan đến Bãi cạn Luconia vào ngày 29/8/2020, việc này dường như khiến tàu 5403 của cảnh sát biển Trung Quốc rời đi… Tuy nhiên, ảnh hưởng chỉ là tạm thời: một tàu Trung Quốc đã quay lại Bãi cạn Luconia vào tháng 11/2020 và hiện đang quấy rối hoạt động dầu khí trong khu vực.”

Một câu hỏi giới chuyên môn đặt ra là với các tài nguyên năng lượng quan trọng ở khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, liệu Hà Nội có tích cực thách thức tuyến đường tuần tra mới nhất của cảnh sát biển Trung Quốc hay không?

Ông Brennan cảnh báo: Bắc Kinh có thể sớm thăm dò điểm yếu của chính quyền Biden và Biển Đông là một trong những vấn đề có thể làm được”.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới ra thông báo ngày 27/01, cho biết tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr., tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã một lần nữa khẳng định vai trò của liên minh Mỹ – Philippines trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đề cao tầm quan trọng của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước trong việc bảo vệ Philippines ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông; nêu rõ Mỹ phản đối các yêu sách biển thái quá của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế được quy định trong UNCLOS 1982; nhấn mạnh cam kết sẽ đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á trước áp lực của Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Theo RFA