Trung Quốc: cố xoá bỏ bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Các nghệ sĩ và trí thức Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ, nhưng một số tác phẩm của họ đã được đưa ra ngoài

Ngày 21 tháng 10 năm 2021

Quan chức ở Tân Cương luôn nghi ngờ bản sắc văn hóa đặc biệt của người Duy Ngô Nhĩ. Họ lo lắng rằng điều đó có thể thúc đẩy khao khát của phe ly khai ở khu vực viễn tây này. Nhưng vào năm 2014, khi đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở đó, chính phủ vẫn chấp nhận những biểu hiện tự hào về văn hóa Duy Ngô Nhĩ. Vào tháng 10 năm đó, một chương trình tài năng mới, “Giọng hát Con đường Tơ lụa”, được phát sóng trên Đài truyền hình Tân Cương thuộc sở hữu nhà nước.

Chương trình này giới thiệu các bài hát theo nhiều phong cách khác nhau, từ nhạc pop và R&B đến nhạc muqam truyền thống với ca từ chịu ảnh hưởng của thơ cổ điển. Ban giám khảo chủ yếu nói tiếng Duy Ngô Nhĩ.

Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào cuối những năm 1970 sau khi Mao Trạch Đông chết, văn hóa Duy Ngô Nhĩ được phép phát triển mạnh mẽ, miễn là tránh mọi dấu hiệu ủng hộ một nhà nước Duy Ngô Nhĩ độc lập. Những nhà văn Duy Ngô Nhĩ đã sáng tác thơ và nhạc với các chủ đề quen thuộc như tình yêu và sự mất mát, nhưng cũng truyền tải niềm tự hào về dân tộc. Họ đã tạo ra sự pha trộn sáng tạo giữa muqam với rock và hip-hop, làm cho một số người Duy Ngô Nhĩ trở lên nổi danh ở Trung Quốc. Những bài hát theo phong cách như vậy đã được phát sóng trên chương trình “Giọng hát Con đường Tơ lụa”.

Chương trình này không có gì đáng lo lắng về mặt chính trị. Chỉ đơn thuần là một phiên bản của một chương trình quốc gia được ưa chuộng, “The Voice Trung Hoa” (vẫn đang hoạt động). Nhưng chương trình này đã trở thành nạn nhân của một cuộc đàn áp an ninh được phát động để đáp trả các cuộc tấn công lẻ tẻ của người Duy Ngô Nhĩ nhằm vào người Hán. Kể từ năm 2017, một số ngôi sao của chương trình đã biến mất và bị đưa vào các trại tù khổ sai mới và rộng lớn. Trong trại đã có hơn 1 triệu người bị nhốt mà hầu hết là người Duy Ngô Nhĩ.

Chính quyền cho biết các trại này “giáo dục hướng nghiệp” giúp người Duy Ngô Nhĩ tìm được việc làm tốt hơn và kiềm chế xu hướng “cực đoan” của họ. Nhưng nhiều người trong số bị giam giữ không có dấu hiệu cực đoan mà chỉ đơn giản là những người Hồi giáo sùng đạo. Thông thường, cũng như những người tham gia vào “Giọng hát Con đường Tơ lụa”, tội của họ là đã quá nhiệt tình đối với văn hóa Duy Ngô Nhĩ, không nhất thiết chỉ là Hồi giáo.

Những người bị bắt có liên quan với chương trình như Zahirshah Ablimit, á quân trong cuộc thi năm 2014, và Muhtar Bugra, một doanh nhân và nhà thơ, cũng là nhà tài trợ chính và nhà sản xuất chính của chương trình này. Cả hai cuối cùng đã được trả tự do. Tuy nhiên Memetjan Abduqadir, một nhà sản xuất khác, cũng là một diễn viên kiêm ca sĩ, và Mekhmutjan Sidiq, giám đốc Đài truyền hình Tân Cương vẫn còn bị giam.

Các nhóm người Duy Ngô Nhĩ ở phương Tây cho rằng bốn người này nằm trong số gần 400 trí thức và nhân vật văn hóa bị giam giữ trong các trại mới, họ bị đưa đến các nhà tù thông thường hoặc đã biến mất kể từ khi cuộc trấn áp bắt đầu. Một số người nổi tiếng trong vùng: Perhat Tursun, một tiểu thuyết gia và nhà thơ; Tashpolat Tiyip, hiệu trưởng Đại học Tân Cương; Rahile Dawut, một học giả về văn học dân gian Duy Ngô Nhĩ; và Ablajan Ayup, một diễn viên kiêm ca sĩ đôi khi được xem là Justin Bieber của người Duy Ngô Nhĩ. Những người khác gắn bó với văn hóa Duy Ngô Nhĩ đã được đưa lên trên truyền hình nhà nước ca ngợi Đảng Cộng sản hoặc hát các bài hát yêu nước.

Cảm giác sợ hãi đã bắt đầu ngay cả trước khi chương trình “Giọng hát Con đường Tơ lụa” được phát sóng lần đầu tiên. Vào tháng 9 năm 2014 Ilham Tohti, một học giả được kính trọng với quan điểm chính trị ôn hòa, bị kết án tù chung thân vì tội ly khai. Ông Tohti đã duy trì một trang web lưu trữ các bài viết của các trí thức Duy Ngô Nhĩ về các vấn đề xã hội và văn hóa. Ông ta đã dám kêu gọi nhà chức trách đối xử sáng suốt hơn với dân tộc mình.

Ngày nay, loại văn hóa Duy Ngô Nhĩ duy nhất được phép thể hiện ở Trung Quốc là những biểu hiện văn hóa vô hồn, tuân theo khuôn mẫu được đảng tán thành chẳng hạn như những người Duy Ngô Nhĩ tươi cười mặc trang phục truyền thống rực rỡ, hát múa ở quảng trường thường bằng tiếng Quan Thoại. Vào ngày 29 tháng 9, tại một sự kiện bên lề trong cuộc họp ở New York của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chiếu một đoạn video có các màn trình diễn như vậy. Chương trình này được gọi là “Tân Cương là một Vùng đất Tuyệt vời”.

Những người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong ở phương Tây đã và đang thực hiện một chiến dịch song song để giữ cho nền văn hóa của họ tồn tại. Mukaddas Mijit, một chuyên gia âm nhạc Duy Ngô Nhĩ sống ở Pháp, cho biết chiến dịch này phát sóng các tác phẩm của các nghệ sĩ giấu mặt ở Tân Cương, những người có các bài hát và bài thơ về các chủ đề liên quan đến rủi ro chính trị cao hơn như áp bức và cô lập. Bà nói, khi sự đàn áp ngày càng thắt chặt, các tác phẩm của các nhạc sĩ và nhà thơ này ngày càng tràn ngập những lời than thở và sự tuyệt vọng.

Một số bài thậm chí đã được đưa ra từ các trại, chẳng hạn như thơ của Abduqadir Jalalidin, một học giả. Những câu thơ của ông đã được các tù nhân khác ghi nhớ để chuyển ra bên ngoài. “Ở nơi bị lãng quên này, tôi không chạm được vào người thân yêu”, một bài thơ mở đầu. “Each night brings darker dreams, I have no amulet / My life is all I ask, I have no other thirst / These silent thoughts torment, I have no way to hope.” (Tạm dịch là “Mỗi đêm có những giấc mơ đen tối hơn, tôi không có bùa hộ mệnh / Tôi chỉ muốn sống, tôi không còn khát khao nào khác / Những suy nghĩ thầm lặng dày vò, tôi không còn hy vọng.” Bản dịch là của Joshua Freeman của Đại học Princeton, một cựu sinh viên của ông.

Vào năm 2022, một cuốn tiểu thuyết của ông Tursun, một trong những nhà văn bị giam giữ, sẽ được xuất bản ở nước ngoài bằng tiếng Anh. Được gọi là “The Backstreets”, sách xuất hiện lần đầu tiên trên mạng, bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ, vào năm 2013. Câu chuyện ngụ ngôn siêu thực làm nhớ tới cuốn tiểu thuyết kinh điển của Ralph Ellison “Invisible Man – Người vô hình”, kể về một người Mỹ da đen không cảm thấy hoàn toàn được nhìn thấy (Ông Tursun bị Ellison ảnh hưởng). Trên một con phố ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, người kể chuyện gặp một người đàn ông thề sẽ “chém” đến chết tất cả mọi người ở khu vực namTân Cương, một khu vực có đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ. Người đàn ông biến mất trong sương mù và người kể chuyện trầm ngâm: “Tôi sẽ luôn là người mà anh ta sẽ chém, mặc dù chúng tôi không biết nhau.”

Các bài viết của ông Tursun và mối liên hệ với các nhân vật văn hóa khác ở Tân Cương có thể làm cho ông bị giam giữ vào năm 2018 và chịu án tù được 16 năm. Là một người của công chúng ở Urumqi, quan điểm chính trị của ông đã từng được nhà nước chính thức chấp nhận. Ông thậm chí đã chỉ trích chủ nghĩa dân tộc thiểu số của người Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng chỉ lòng trung thành với đảng cũng không đủ để giúp họ được an toàn. Năm 2017, Shireli Eltekin, một ca sĩ nổi tiếng, đã phát hành “Bài hát dành cho lãnh đạo Tập Cận Bình”, là lời chúc mừng chủ tịch Trung Quốc. Bài hát cónhững ca từ ngớ ngẩn như: “Bác thắp sáng trái tim của mọi người.” Những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã rất thất vọng khi nghe một nghệ sĩ được công chúng yêu thích nhất hát bài ca ngợi chính quyền. Một người bạn của gia đình cho biết vào một đêm vào tháng Sáu, anh ta bị đưa ra khỏi nhà trong bộ đồ ngủ.

Năm 2018, chương trình “Giọng hát Con đường Tơ lụa” đã bị ngừng phát sóng. Cuộc thi này đã trở lại vào năm ngoái, với nhiều thay đổi. Khi giới thiệu các buổi phát sóng mới, người dẫn chương trình đã đưa ra những nhận xét tán thành về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Tân Cương và lòng yêu đảng. Trong cuộc thi năm nay, thí sinh đầu tiên bước lên sân khấu hát một bài hát bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ từ những năm 1950 có tên “Lãnh tụ Mao Trạch Đông”. Elise Anderson thuộc Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ ở Washington, một nhà dân tộc học người Mỹ, có tham gia cuộc thi đầu tiên trong loạt chương trình “Giọng hát Con đường Tơ lụa” vào năm 2014.

Những trò giải trí phổ biến như vậy đã từng gợi ý ít ra có một sự chấp nhận chính thức nào đó đối với văn hóa Duy Ngô Nhĩ. Bây giờ nó là bằng chứng cho việc đàn áp nền văn hóa này. Bà Anderson lo lắng rằng, ở Trung Quốc, “chỉ có một phiên bản Potemkin giả hiệu” có thể tồn tại.

Theo VNTB