Trịnh Văn Quyết bị bắt có phải vì ‘thao túng chứng khoán’?

Ông Trịnh Văn Quyết là một trong những đại gia làm giàu nhờ cướp đất. Courtesy of Reuters
Ý kiến của giới quan sát nói việc bắt giam tội phạm mà đa số người dân đều biết, đều căm ghét là hết sức chính danh, lẽ ra phải được thông tin chính thức nhanh chóng minh bạch, nhưng không rõ vì sao lại được công bố rò rỉ, từ từ và hết sức mù mờ suốt hai ngày.
Sau hai ngày dư luận ồn ào đồn đoán, báo chí nhà nước kẻ đấm người xoa chuyện “tạm hoãn xuất cảnh”, “khởi tố”, thị trường chứng khoán rung lắc, cổ phiếu FLC bị nằm sàn, chiều 29/3, báo chí đồng loạt đưa tin theo Bộ Công An: đã khởi tố bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”.
Trước hết xin minh định việc khởi tố, bắt giam ông Quyết là không oan. Cũng như rất nhiều đại gia khác của Việt Nam hiện nay, con đường làm giàu của ông Quyết khởi đầu và kết tụ từ đất đai, mồ hôi nước mắt và số phận bị thảm khốn cùng của hàng vạn người dân rơi vào vùng dự án, là bao tài nguyên môi sinh bị tàn phá để xây nên những resort, khu vui chơi du lịch. Trong nền hành chính nổi tiếng trì trệ và tham nhũng, những dự án thần tốc của ông Quyết chắc hẳn phải tiêu tốn hàng núi tiền để bôi trơn.
Ông Đặng Tất Thắng (trái) nay thay ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch FLC, Bamboo Airways
Tội danh “thao túng chứng khoán” chỉ là cái cớ
Cao tay hơn những đại gia khác, Quyết học Luật, từng làm luật sư nên còn thêm chiêu trò lách luật, xé luật để làm giàu trong lĩnh vực tài chính. Thâu tóm các doanh nghiệp có chút tiếng tăm đánh bóng thương hiệu dung thủ thuật tài chính nâng giá khống lên cả chục lần rồi sang bán, sáp nhập… Việc bán chui cổ phiếu thao túng thị trường ông đã từng làm và từng bị đổ bể năm 2017 nhưng chỉ bị phạt nhẹ nhàng trên trăm triệu đồng và chiếm đoạt ngon ơ hàng trăm tỷ đồng.
Việc ông Quyết bị bắt giam làm nhiều người mừng rỡ, hy vọng vụ này sẽ là án lệ, án mẫu để làm trong sạch thị trường chứng khoán, xóa bỏ tình trạng thao túng, tiêu cực. Có người còn ca ngợi sức mạnh của lò, củi tươi chừng ấy còn cháy được thì lo gì tham nhũng.
Tuy nhiên có một số thông tin, sự kiện ban đầu cho thấy, việc khởi tố bắt giam Trịnh Văn Quyết không vì làm thị trường chứng khoán lành mạnh mà vì động cơ khác. Tội danh thao túng chứng khoán chỉ là cái cớ.
Việc ông Quyết bán chui 75 triệu cổ phiếu bị bể mánh từ ba tháng trước. Ngày 18/1, Ủy Ban Chứng khoán đã xử phạt mức khung vi phạm với số tiền 1,5 tỉ đồng, buộc phong tỏa cổ phiếu năm tháng, trước đó đã vô hiệu giao dịch, buộc hoàn trả lại tiền cho người mua. Ông Quyết đã mau mắn ngoan ngoãn chấp hành.
Theo Luật tố tụng hình sự nếu muốn khởi tố hình sự hành vi đã bị xử phạt hành chính, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt trước đây và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Thế nhưng, trên hệ thống truyền thông Nhà nước Việt Nam, không hề có thông tin nào về việc hủy bỏ này. Ngược lại, mới đây ngày 25/3, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước lại phạt tiếp ông Trịnh Văn Quyết 500 triệu đồng về hành vi “không công bố đối với thông tin phải công bố”. Với việc xử phạt như vậy, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đang xác nhận vi phạm của ông Quyết trong hoạt động chứng khoán vẫn còn nằm trong mức vi phạm hành chính.
Như vậy, hoặc do không công bố thông tin, hoặc do thiếu phối hợp giữa Bộ Công An và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, phát sinh tình trạng là cùng một hành vi ông Quyết bị xử lý bởi cả hai luật hành chính và hình sự, không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cách hành xử tréo ngoe giữa hai cơ quan quyền lực này phải chăng có hai nguồn lực khác chiều nhau từ bên trên, một cố ý muốn tha và một quyết lòng muốn bắt.
Rõ ràng nhất là mãi đến đêm 29/3, sau khi Bộ Công An công bố quyết định khởi tố, bắt giam rất lâu, Ủy Ban Chứng Khoán nhà nước mới ra thông báo về vụ việc này. Nội dung thông báo chỉ lặp lại thông tin của Bộ Công An mà không nói gì về việc đã hủy quyết định xử phạt hành chính hay chưa. Như là một đồng phạm muốn lập công chuộc tội, Ủy ban này hứa hẹn “Ủy ban cũng cho biết đã yêu cầu Tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo ủy ban, sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật”.
Cách khởi tố và thời điểm khởi tố rất ư là nhạy cảm. Vậy ông Quyết bị bắt có phải vì thao túng thị trường chứng khoán như Bộ Công an công bố?
Cụ Tổng chủ lò đã ra phương châm “ném chuột không được vỡ bình”. Theo ý cụ là bắt tham nhũng không được làm hư hao cái Đảng yêu quý. Lẽ ra cách bắt chuột chứng khoán, làm trong sạch nó cũng phải giữ cho cái bình chứng khoán đỡ sứt mẻ.
Cơ quan chức năng đã có quá nhiều kinh nghiệm về mối liên quan, tác động giữa số phận các đại gia chứng khoán với sức khỏe của thị trường. Một lần có tin bắt bầu Kiên, Trầm Bê, Trần Bắc Hà là hàng ngàn tỉ đồng, hàng chục ngàn tỉ đồng bốc hơi khỏi thị trường.
Đằng này, cái bình yếu ớt ngặt nghèo do bị Quyết nâng giá bán chui rồi rung lắc dữ dội sau khi bán chui bại hai tháng qua chưa phục hồi bao nhiêu lại dính chưởng mới từ những thông tin rò rỉ.
Công an canh gác bên ngoài trụ sở tập đoàn FLC sau khi bắt ông Trịnh Văn Quyết
Từ thông tin của các Facebooker tín hiệu như tiếng cú gọi hồn vào giữa đêm 27/3, cơn bão truyền thông dấy lên trên mạng xã hội, lan ra báo chí thành cuộc tranh luận lao xao, cãi nhau chí chóe, ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh, bị tạm giam, chưa bị tạm giam,… Thị trường chứng khoán bị rung lắc, cổ phiếu FLC bị nằm sàn. Chưa ai biết được sau khi tin ông Quyết bị khởi tố tụng ra thị trường chứng khoán sẽ bốc hơi bao nhiêu ngàn tỷ.
Việc khởi tố bắt giam tội phạm mà đa số người dân đều biết, đều căm ghét là hết sức chính danh, lẽ ra phải được thông tin chính thức nhanh chóng minh bạch, nhưng không rõ vì sao lại được công bố rò rỉ, từ từ và hết sức mù mờ suốt hai ngày.
Đầu tiên lúc 21h30 ngày 27-3, nhà báo Huy Đức, tức Trương Huy San đăng hình cận cảnh ông Quyết ngồi ăn mì tôm vẻ mặt thất thần và chú thích ngắn ngủi “Mì tôm Nội Bài lúc này chưa quá tệ”
Ngoài quyển sách “Bên Thắng Cuộc”, Trương Huy San nổi tiếng là cây bút dự báo chính xác những vụ bắt bớ bí ẩn tầm cỡ của cung đình, từ Trịnh Xuân Thanh, Trần Bắc Hà… Ngày 28/3, các cổ phiếu có nguồn gốc FLC rớt giá thê thảm và bị bán ra ồ ạt.
Trưa ngày 28/3, báo Tuổi Trẻ đăng tin “Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh một tháng”, và cho biết theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, từ ngày 26/3 Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết là một tháng.
Từ chuyện tạm hoãn đi liền với nhập kho của bà Phương Hằng, cộng với thông tin dự báo dư luận trộn lên đủ thứ tin, tạm hoãn, tạm giam, khởi tố…
Báo Thanh Niên lại đưa thông tin lấp lửng “Thực hư việc tỉ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, bị tạm hoãn xuất cảnh”.
Càng đọc tin, người ta càng nhũn não, không biết ông Quyết đang trong tình trạng pháp lý nào. Hàng trăm tờ báo khác cũng rộ lên thông tin theo hai hướng khác nhau như vậy. Một nhóm khẳng định đã tạm hoãn, một nhóm lấp lửng như báo Thanh Niên, tất cả đều dẫn nguồn từ một lãnh đạo ẩn danh của Cơ quan Cảnh Sát Điều tra Bộ Công An.
Mãi đến tối 29/3, Bộ Công An mới công bố thông tin khởi tố tạm giam ông Trịnh Văn Quyết và báo chí đồng loạt đăng theo. Có điều ngộ nghĩnh khó hiểu là trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công An, thông tin ngắn ngủi trên 100 chữ về việc khởi tố lại được ghi tác giả là “Ban Biên Tập”. Thông thường bút danh này chỉ dành để thông tin những chủ trương, sự kiện quan trọng hoặc những bài chính luận thể hiện quan điểm của tờ báo.
Xâu chuỗi các sự kiện có thể suy đoán rằng ông Trịnh Văn Quyết đã bị bắt tạm giữ đâu đó từ ngày 27 và ăn tối tại sân bay Nội Bài. Việc công bố quyết định vào ngày 29/3 chỉ là thủ tục?
Hình ảnh được cho là ông Trịnh Văn Quyết lúc bị bắt đêm 29/3
Ném chuột không sợ vỡ bình
Về thời điểm khởi tố bắt giam cũng rất nhạy cảm và ít nhiều có ảnh hưởng đến hợp tác đầu tư của FLC nói riêng và Việt Nam nói chung với các nước phương Tây.
Trong năm 2021, Bamboo Airways của ông Quyết đã công bố đường bay thẳng Việt – Anh và ra mắt Tổng đại lý tại Anh dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là sự kiện mở màn chuỗi hoạt động của Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại một số nước châu Âu từ ngày 31/10. Cụ thể, Thủ tướng Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp.
Chuyến công du và làm việc bao gồm nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Anh, đối tác chiến lược Việt – Pháp, trong đó có các cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh, tham dự diễn đàn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công An và đoàn công tác đã trải nghiệm chuyến bay trực tiếp này và sau đó xảy ra vụ tiệc bò dát vàng.
Từ thành công ở Anh, ông Quyết đã mở đường bay thương mại trực tiếp sang Đức và đầu năm 2022 đã tổ chức “Tuần lễ hoạt động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam” tại Đức.
Tiếp theo, tập đoàn FLC, hãng hàng không Bamboo Airways tiếp tục phối hợp cùng Sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại London, ngày 30/3.
Diễn đàn có chủ đề “Khám phá hệ sinh thái đa ngành độc đáo nhất Việt Nam”, diễn ra vào chiều ngày 30/3, với sự tham gia của lãnh đạo các cấp chính quyền Việt Nam và Anh; lãnh đạo đại diện các cơ quan ngoại giao; các tổ chức tài chính, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân tiềm năng tại Anh và châu Âu, các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam và quốc tế.
Tuy là hoạt động quảng bá cho quan hệ hợp tác của FLC nhưng không chỉ vai trò doanh nghiệp riêng lẻ mà đại diện cho Việt Nam, có sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam. Không chỉ báo chí trong nước mà cả BBC tiếng Việt cũng ghi nhận: “Hôm 28/3, hãng theo kế hoạch có chuyến bay mang số hiệu QH27 tới London, được cho là tham gia một phần hỗ trợ cho Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Anh, tổ chức từ ngày 28/3 đến 10/4/2022. Theo chương trình, ông Quyết dự kiến có mặt ở một số sự kiện tại London tuần này, theo một nguồn tin từ Anh”.
Nhà báo Phạm Việt Thắng có một post bóng gió nói về sự kiện này như sau:
“TIẾC và VUI
Tháng trước, anh tui tổ chức một hội nghị đầu tư hoành tráng bên châu Âu.
Đọc tin, tui rất vui vì kết quả của hội nghị rất tốt, hơn cả mong đợi.
Tui chỉ tiếc là, trước đó anh tui có mời đại diện lãnh đạo tất tần tật các tỉnh, thành đi châu Âu dự hội nghị.
Nghe đâu có gần 50 tỉnh thành cử người tham gia.
Tiếc quá, cơ quan chức năng không duyệt cho lãnh đạo nào đi cả.
Tui không hiểu vì lý do gì mà các lãnh đạo không được đi.
Tui thì tiếc, còn các bác ấy có khi giờ này lại vui”.
Hành vi phạm tội của Quyết xảy ra đã ba tháng, có nhiều thời điểm và phương pháp để khởi tố bắt giam Quyết ít tác hại hơn. Bắt giam ngay vào lúc ông Quyết phải bay đi London tham dự các sự kiện này, hẳn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động các quan hệ hợp tác của FLC mà còn là của nhà nước Việt Nam.
Người bắt “chuột” Trịnh Văn Quyết đã không ngại vỡ cái bình chứng khoán lẫn cái bình hợp tác đầu tư với châu Âu thì tội danh “lũng đoạn chứng khoán” quá khiên cưỡng.
Chỉ sau hơn 20 năm, một thanh niên tay trắng khởi nghiệp thần tốc biến thành tỷ phú giàu nhất nhì thị trường chứng khoán, chiếm đất vàng đất bạc khắp toàn cõi Việt Nam không thua kém “soái ca” Vượng Vin, vượt mặt ông lớn quốc doanh Vietnam Airlines mở đường bay thẳng đi Mỹ, Anh, Đức chắc chắn phải có phép lạ thần kỳ của những cổ thụ chống lưng.
Điểm lại với các đại gia như Trần Bắc Hà, Trầm Bê, Trịnh Xuân Thanh…. hay tiểu gia như Nhật Cường – Hà Nội đều là sân sau của một ai đó, được ai đó chống lưng.
Trước khi đốn cây phải mé nhánh, đẹp sân sau sẽ lộ ra nhà. Hội nghị Trung ương 5 bàn về nhân sự sắp đến gần. Khởi tố Trịnh Văn Quyết nếu không loại trừ thì cũng làm ai đó phải chồn chân.
(Theo Gió Bấc/RFA)