Triều Tiên “dội gáo nước lạnh” vào thiện chí đối thoại của Mỹ-Nhật-Hàn

Tuyên bố “sẵn sàng gặp phía Triều Tiên bất cứ lúc nào” mà không cần điều kiện tiên quyết, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đang chứng tỏ thiện chí muốn đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên có vẻ không mặn mà với điều này.

Ngày 22/6, ông Sung Kim đã có cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại thủ đô Seoul. Trước đó, vị Đặc phái viên Mỹ cũng đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young, Đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-Duk và Đặc phái viên Nhật Bản Takehiro Funakoshi. Tất cả các cuộc gặp đều tập trung vào việc đẩy mạnh sự hợp tác của Mỹ – Nhật – Hàn trong việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân.

“Chúng tôi hy vọng rằng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với sự tiếp cận của chúng tôi và lời đề nghị gặp nhau ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần điều kiện tiên quyết. Chúng tôi cũng đồng thời thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên. Chúng tôi ghi nhận tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng liên quan đến việc chuẩn bị cho khả năng đối thoại. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được phản ứng tích cực về đề xuất một cuộc gặp sớm”, ông Sung Kim cho biết.
Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Thống nhất nước này Lee In-young nhấn mạnh giờ là thời điểm đặc biệt quan trọng để các bên hướng tới mô hình đối thoại.
“Diễn biến tình hình gần đây là cơ hội tốt để nối lại đối thoại, tôi mong muốn Triều Tiên sớm quay trở lại bàn đàm phán”, ông Lee In-young nói.
Ông Lee In-young cũng kêu gọi tiến hành các cuộc thảo luận mật thiết giữa Mỹ và Hàn Quốc về cú hích của Seoul trong hợp tác liên Triều nhiều mặt, như viện trợ nhân đạo, đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên và các nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.
Phản ứng lại những lời kêu gọi đối thoại từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong đã bác bỏ triển vọng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ. Bà tuyên bố những kỳ vọng của Mỹ vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ chỉ đem lại “sự thất vọng lớn hơn” cho Washington.
Bà Kim Yo-jong cũng chỉ trích tuyên bố mới đây của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khi ông này rằng việc Triều Tiên chuẩn bị cả hai kịch bản đối đầu và đối thoại với Mỹ là “một tín hiệu đáng chú ý”. Theo bà, Mỹ đã giải mã tín hiệu từ Triều Tiên theo cách đáng thất vọng và Mỹ đang tự an ủi bản thân. Thực tế, Triều Tiên chuẩn bị cho 2 khả năng đối thoại và đối đầu, trong đó đặc biệt chú trọng đến khả năng đối đầu.
Dù Mỹ – Nhật – Hàn “không ngừng” kêu gọi Triều Tiên đàm phán, song ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn quyết gia hạn các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên thêm 1 năm.
Theo Tổng thống Biden, vật liệu phân hạch của Triều Tiên cũng như hành động theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này tiếp tục cấu thành một mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ. Vì lý do này, ông Biden quyết định việc duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố trong Lệnh hành pháp 13466 liên quan đến Triều Tiên là cần thiết. Sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên này lần đầu có hiệu lực vào ngày 26/6/2008, dưới thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush.
Theo Kiến thức