Triển lãm Matisse tại Paris : giữa hội họa và văn học

Nghe đọc bài

Ban đầu được dự kiến tổ chức vào mùa xuân, cuộc triển lãm lớn về danh họa Matisse tại Paris sau hai lần bị trì hoãn do dịch Covid-19, rốt cuộc cũng diễn ra từ ngày 21/10/2020 cho tới 22/02/2021. Trung tâm văn hóa Pompidou đã muốn đem lại một góc nhìn khác về sự nghiệp của Matisse qua lăng kính văn học, nhân 150 năm ngày sinh của danh họa người Pháp.

Mang tựa đề ‘‘Matisse, comme un roman’’ hiểu theo nghĩa ‘‘Đời Matisse tựa như tiểu thuyết’’, Trung tâm Pompidou giới thiệu với công chúng 230 tác phẩm đủ loại của Henri Matisse (1869-1954), từ những bức vẽ mang đầy tính thử nghiệm đầu tiên của ông vào đầu thế kỷ 20 trong đó có các bức tranh ‘‘Les Tapis rouges’’ (Những bức thảm đỏ, 1906) và ‘‘Intérieur aux aubergines’’ (Cà tím trong nội thất, 1911), cho đến những bức bích họa hoành tráng hơn, các tác phẩm bột màu cắt dán thực hiện trong những năm cuối đời vào giữa thập niên 1950.

Những tác phẩm ấy đã trở nên nổi tiếng sau này không những trong giới chuyên sưu tầm mà còn trở nên quen thuộc với giới yêu hội họa ! Cũng từ các bức tranh ấy, tài năng của Henri Matisse được công nhận rồi nâng lên hàng họa sĩ bậc thầy, điêu luyện về màu sắc, tinh tế trong bố cục. Điển hình là bức kiệt tác ‘‘La Tristesse du roi’’ (Nỗi buồn của nhà vua, 1952) được trưng bày lần đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Pompidou, sau khi được trùng tu.

Triển lãm đồ sộ với hơn 200 tác phẩm

Đây là cuộc triển lãm có quy mô lớn kể từ nửa thế kỷ gần đây. Lần cuối thủ đô Paris tôn vinh tài năng của Matisse là cuộc triển lãm ‘‘toàn cảnh’’ vào năm 1970 tại Viện bảo tàng Grand Palais. Lần này, Trung tâm văn hóa Pompidou (còn được gọi là Beaubourg) đã bổ sung bộ sưu tập khá đồ sộ của mình gồm hơn 100 tác phẩm trong kho lưu trữ, với thêm 130 tác phẩm vay mượn từ nhiều viện bảo tàng khác trong đó có Cateau-Cambrésis và bảo tàng thành phố Nice, vốn là nguyên quán và nơi yên nghỉ cuối cùng của danh họa người Pháp.

Thông qua các tác phẩm trưng bày, cuộc triển lãm nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa văn học và họa sĩ. Thi ca hay văn chương, đã có khá nhiều tác phẩm đương thời gợi hứng sáng tác cho Matisse. Đó là trường hợp của tập thơ ‘‘Poésies’’ của Stéphane Mallarmé. Vào năm 1930, trong khi Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại New York đang tổ chức triển lãm lớn về Matisse, ông lại được nhà xuất bản Thụy Sĩ Albert Skira đề nghị vẽ tranh minh họa cho tuyển tập thi ca Mallarmé. Ban đầu hơi đắn đo do dự, có lẽ cũng vì ông chưa quen với thể loại ‘‘minh họa’’, rốt cuộc Matisse vẫn dành trọn hai năm trời cho dự án này. Matisse không ‘‘vẽ chơi’’ mà lại cống hiến hết mình với vô số bản vẽ, bức phác họa và tranh khắc.

Từ khối lượng phong phú dồi dào ấy, nhà xuất bản Thụy Sĩ đã cùng với danh họa người Pháp tuyển chọn ra khoảng 30 bức minh họa ưng ý nhất để đăng trong tác phẩm hoàn chỉnh. Mặc dù lúc sinh tiền, hai nghệ sĩ Matisse và Mallarmé chưa từng quen biết nhau, nhưng dự án này đã mở ra một cuộc đối thoại kỳ diệu, khác thường giữa tranh ảnh và ngôn từ, giữa hội họa và thi ca.

‘‘Bí ẩn của Matisse’’ trong mắt Aragon

Sự thành công ấy mở đường sau đó cho Matisse dấn thân thử nghiệm vào những sân chơi khác, ngoài lãnh vực hội họa. Tiêu biểu hơn cả là dự án minh họa quyển tiểu thuyết ‘‘Ulysse’’, kiệt tác văn chương của James Joyce, cũng như dự án vẽ hoạt cảnh và thiết kế trang phục của vở múa ballet ‘‘Le Chant du Rossignol’’ (Tiếng hót chim sơn ca) dựa theo nền nhạc của Igor Stravinky và cốt truyện cổ tích của Andersen.

Một trong những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất diễn ra vào năm 1941 giữa Henri Matisse (1869-1954) và nhà văn Louis Aragon (1897-1982). Sau nhiều lần gặp mặt trao đổi, nhà văn Louis Aragon viết quyển ‘‘Henri Matisse, Roman’’, thoạt nghe tựa đề có vẻ giống như tiểu thuyết hư cấu, nhưng thật ra tác phẩm được viết như một quyển tiểu luận phân tích và phê bình nghệ thuật. Trong mắt của Louis Aragon, lối sáng tạo của Matisse thoạt nhìn có vẻ rất đơn giản nhưng lại có chiều sâu khôn lường, như trong bức kiệt tác ‘‘La Danse’’ (Điệu Múa), được xem như một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của trường phái dã thú (fauvisme).

Quyển sách không phải là tiểu thuyết nhưng lại dày đến 800 trang (kèm theo hơn 500 tài liệu và bức minh họa), tập hợp rất nhiều bài viết Louis Aragon tìm cách giải thích điều nhà văn gọi là “ Bí ẩn của Matisse ” và tất cả những gì ông không thể giải thích qua văn bản hay định nghĩa bằng ngôn từ. Tính tổng cộng, Aragon mất ba thập niên trời để hoàn tất quyển sách viết về sự nghiệp sáng tác của Matisse, và mãi đến năm 1971, nhà xuất bản Gallimard mới phát hành quyển sách này nhiều năm sau khi danh họa người Pháp qua đời.

Năm 1941 cũng là thời điểm quan trọng trong đời của Matisse, ông bị mỗ hai lần vì chứng ung thư ruột, bác sĩ thời ấy nói rằng ông chỉ còn có thể sống trong vòng sáu tháng. Bị nằm liệt gường và buộc phải ngồi xe lăn sau đó, Matisse do tin rằng mình không còn sống được lâu nên mới dồn tâm sức vào sáng tác. Rốt cuộc như ông nói, ông đã thoát chết trong ‘‘đường tơ kẽ tóc’’ và tựa như một món quà vô giá, cuộc đời ban tặng cho ông cơ hội sống thêm 13 năm nữa.

Matisse và những tác phẩm cuối đời

Chính trong giai đoạn này, Matisse thay đổi hẳn lối tiếp cận nghệ thuật, qua các tác phẩm như ‘‘Nội thất màu đỏ’’, ‘‘Tĩnh vật trên bàn xanh (1947). Ông cũng khai phóng loại tranh cắt dán, vẽ với bột màu : do ông không thể đứng vẽ trong nhiều giờ, Matisse phân tác phẩm ra thành nhiều công đoạn và dùng kéo để cắt ghép nhưng bố cục hội họa mà ông hình dung ở trong đầu. Quá trình sáng tạo của Matisse không chỉ đơn thuần là hội họa mà còn kết hợp thêm nhiều bộ môn khác, kể cả nhiếp ảnh và thiết kế. Việc chụp hình từng giai đoạn rồi chỉnh lại cũng là một cách để loại bỏ các chi tiết rườm rà, các yếu tố không cần thiết để đạt tới một tầm nghệ thuật cao hơn.

Cuộc triển lãm tại Trung tâm văn hóa Pompidou tuân theo trình tự thời gian và chia đều các tác phẩm được trưng bày ra thành 9 giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn tựa như một chương sách mở đầu với những trích đoạn văn học nổi tiếng. Về mặt ý tưởng, ban tổ chức thừa nhận đã gợi hứng rất nhiều từ quyển sách ‘‘Henri Matisse, Roman’’ của Louis Aragon, qua đó cho thấy tư duy sáng tạo của người họa sĩ.

Từ ý tưởng, cấu trúc cho tới ngôn ngữ hội họa, Matisse đi tìm trong sáng tác cách giải tỏa những ray rức bâng khuâng của một người nổi tiếng là thường có tâm trạng bất an, bồn chồn lo lắng. Cuộc triển lãm không chỉ trưng bày các tác phẩm hoàn chỉnh, mà còn giới thiệu những dự án dở dang, đơn thuần bị hủy bỏ hay tạm thời bị gác ngang. Tựa như nhà văn Aragon phải mất 30 năm để viết cho xong một quyển sách, chính các tác phẩm dang dở ấy lại rọi ánh sáng vào những giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp của Matisse, miệt mài tìm tòi cả đời, lửa truyền sáng tạo cho tới hơi thở cuối.

Theo RFI