Tranh cãi vụ Nguyễn Phú Trọng ‘tham quyền’ với nhiệm kỳ 3

"Tứ trụ" không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát từ nhiều ngày trước. Courtesy of Getty
Nghe đọc bài

Việc người đứng đầu Đảng CSVN bất chấp điều lệ Đảng để có thêm nhiệm kỳ thứ ba bị giới quan sát chỉ trích gay gắt, tuy vậy, vẫn có một vài ý kiến bênh vực ông này. 

Hôm 1/2/2021, Đại hội 13 kết thúc sớm một ngày sau khi kết quả “tứ trụ” đã ngã ngũ đúng như tin đồn trước đó về bộ tứ Trọng – Phúc – Chính – Huệ.

Các báo nhà nước được lệnh của Ban Tuyên giáo đồng loạt đăng bài ca ngợi ông Trọng. Tờ VietnamNet của Bộ Thông tin Truyền thông CSVN viết: “Mỗi lần được bầu, khi phát biểu nhậm chức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện rõ sự khiêm tốn, chân thành và cốt cách một người Cộng sản.”

Tờ Thanh Niên bị công luận chế nhạo khi đăng bài “Chúng con chúc mừng bác Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư khóa 13”.

“Tự chuốc thêm nghiệp chướng cho tuổi già”

Ông Nguyễn Đình Cống, nhà quan sát kỳ cựu tại Hà Nội, nhận định: “Một số người reo mừng, cho rằng ông Trọng được đại hội tái cử là tốt cho đảng, và như vậy tốt cho cả dân tộc. Họ trông chờ vào công việc đốt lò của ông. Đó chẳng qua là ngụy biện của những kẻ nịnh hót, của những bồi bút, của những người quen quỳ gối, khom lưng, cúi đầu.”

Ông Nguyễn Phú Trọng thỏa hiệp với ông Nguyễn Xuân Phúc để cả hai cùng ở lại ghế “tứ trụ”. Courtesy of Zing

“Với bản thân ông Trọng thì tốt ít mà xấu nhiều. Tốt ở chỗ thỏa mãn được thói tham quyền nhất thời, xấu ở chỗ tự chuốc thêm nghiệp chướng cho tuổi già, để lại vết nhơ trong lịch sử, làm cho nhiều người khinh bỉ. Đối với ông, rất nhiều người tỏ ra bằng mặt mà không bằng lòng, nay thì thêm căm ghét.”

“Khi người do ông Trọng chuẩn bị và giới thiệu không được chấp nhận thì đúng ra nên để cho người khác ứng cử, giới thiệu và tranh cử. Đằng này ông Trọng tranh lấy. Thật quá đáng.”

“Đối với dân tộc và đặc biệt đối với phong trào dân chủ hóa đất nước thì có thể vừa xấu vừa tốt. Xấu ở chỗ còn phải chịu đựng thêm một thời gian  con người bảo thủ, huyênh hoang, hèn với giặc, ác với dân. Tốt ở chỗ qua việc này càng có nhiều người thấy rõ bản chất độc tài và sự thối nát của Cộng sản. Đây là một cú hích mạnh làm cho chế độ Cộng sản nhanh bị sụp đổ hơn. Mà Cộng sản có sụp đổ thì mới cứu được dân tộc, phát triển được đất nước.”

“Đem cả chủ quyền để đánh đổi sự ổn định cho Đảng Cộng sản làm đại hội”

Facebooker, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ, bình luận: “Việc ông Trọng ngồi lại nhiệm kỳ lần thứ ba liên tiếp, đã phá vỡ nhiều kỷ lục trong lịch sử đảng CSVN.

Nguyễn Phú Trọng sau một lần đột quỵ, trọng trách của mình là rất lớn với giang sơn xã tắc, nhưng ông trọng phó mặc tất cả chuyện quốc gia đại sự, ông chỉ nằm trên giường bệnh và nghe báo cáo về những manh nha hình thành phe nhóm mới là ông cho vào lò. Cả cuộc đời ông, tất cả những quá trình công tác ăn lương từ thuế của dân, ông chỉ phụng sự duy nhất cho Đảng Cộng sản, và đến cuối đời, đứng trước ngã ba đường lịch sử giữa tồn vong của Đảng, đi còn không vững ông vẫn cố nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo Đảng với tâm thế làm sao duy trì sự cai trị Đảng Cộng sản mãi mãi.”

Ông Phạm Minh Chính gây tranh cãi khi được ngồi ghế thủ tướng. Courtesy of Zing

“Có những khi, ông đem cả chủ quyền để đánh đổi sự ổn định cho Đảng Cộng sản làm đại hội bằng câu vặn vẹo ‘’nếu có xung đột trên biển thì có ngồi đây mà tổ chức đại hội không’’. Có những khi, ông đem sinh mạng hàng triệu nhân dân miền Trung để đánh đổi cho cái ngai vị của mình khi vẫn để Formosa tồn tại tới bây giờ.”

“Ông Trọng mà cầm quyền, tôi e rằng sắp tới mỗi khi súng nổ đùng đùng là lại có thêm một nông dân mất đất, khi có một lãnh đạo Trung Quốc qua viếng thăm Việt Nam thì chủ quyền lại mất đi một ít, và ngư dân bị tàu lạ đâm chìm và cái loa nói lại tiếp tục quan ngại…”

Tuy vậy, trong hàng loạt ý kiến chỉ trích nhắm vào người đứng đầu Đảng CSVN hơn một thập niên, một vài ý kiến lạc lõng bênh vực ông này.

Trong số đó, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công, trường Đại học Fulbright Việt Nam, ghi: “Có thể nói ông Nguyễn Phú Trọng là người thực tiễn và quyết tâm nhất Việt Nam hiện nay. Từ năm 2011 trở về trước, quan tâm hay những thể hiện của ông chủ yếu là các vấn đề lý luận. Tuy nhiên, với những gì xảy ra trong 10 năm qua, nhất là từ năm 2016 trở lại đây, cho thấy ông là một nhà thực tiễn. Ông đã thuyết phục được các đồng chí của mình ủng hộ cuộc đốt lò vĩ đại và đã thành công.”

“Việc ông ở lại cho thấy vấn đề trong việc tìm người kế thừa và một số việc liên quan. Tuy nhiên, điểm cộng rất lớn là lò sẽ tiếp tục nóng. Tham nhũng không thể loại trừ hoàn toàn, nhưng tham nhũng đưa đất nước đi đến lụn bại cần phải triệt.”

Bên dưới bài đăng của ông Du, nhiều Facebooker nhấn icon “haha”. Facebooker Anh Ngoc Nguyen bình luận: “Khi chống tham nhũng thì ông Trọng xuất hiện và khi kết thúc hội nghị thì ông Huỳnh Thế Du xuất hiện để ca ngợi.”

Một số Facebooker khác thì cảm thán: “Khổ, đại hội nào chả có bên hành động. Bác Trọng làm ba khóa và đang giải quyết cái mà bác bày ra. Ta vẫn mới chỉ tự lực tự cường bằng mồm, bằng nghị quyết, phồn hoa đô thị…” 

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn