Trần Hồng Hà bị chỉ trích vụ đổ lỗi Hà Nội ‘ngập do ông trời’

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường CSVN
Nghe đọc bài

Báo đảng dẫn lời bộ trưởng Tài nguyên CSVN rằng “mưa lớn bất thường như Hà Nội, hạ tầng của Mỹ cũng không chống chịu nổi” trong lúc giới quan sát cho rằng vị bộ trưởng chưa nhìn ra vấn đề và trách nhiệm của mình.

Báo Dân Trí hôm 30/5 dẫn phát ngôn của ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường CSVN về trận ngập Hà Nội một ngày trước: “Không chỉ Việt Nam, ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu mà mưa lớn bất thường như vậy, lại tập trung vào một thời điểm thì không hạ tầng nào có thể chống chịu được.”

Các báo khác thì dẫn lời ông Hà đề nghị Hà Nội “xây bể ngầm chống ngập, biến sân vận động, cánh đồng thành bể chứa…”

Trong khi đó, Facebooker Lê Quang phân tích: “Ngập lụt đô thị là kết quả của quá trình mưa lớn lớn và thường nhanh làm lấn át cơ sở hạ tầng thoát nước, dẫn đến các đường phố bị ngập. Điều này có nghĩa là nếu vẫn cùng một lượng mưa chảy dàn ra trong một tháng thì không gây ngập nhưng nếu dồn vào hai ngày sẽ gây ngập.

Đây là vấn đề có tính toàn cầu chứ không phải chỉ có một mình Việt Nam bị. Hôm qua bộ trưởng Trần Hồng Hà có đề xuất việc xây các bể chứa trong đô thị, đây là điển hình cho cách nghĩ cơ học.

Ngập chớp nhoáng là vấn đề phổ biến trong các đô thị mật độ cao. Nó được tạo nên bởi 3 yếu tố chính.

Thứ nhất là nước ”trên bề mặt” là sự quá tải của các hệ thống thoát nước, dẫn tới nước chảy tràn trên bề mặt một cách thiếu kiểm soát.

Thứ hai là sự thấm. Khi mưa lớn tới ngày thứ hai, nó làm tăng mực nước ngầm bên dưới mặt đất và đẩy nước lên trên bề mặt các khu vực sàn cứng không niêm phong.

Thứ ba là ngập trong các hệ thống thoát dự phòng. Đây là tình huống khá nghiêm trọng bởi vì nó có thể đẩy nước thải chảy ngược vào các hệ thống xả, dẫn nước thải từ bên ngoài vào sâu công trình và cuối cùng là giữ ở trong đó. Đây cũng là yếu tố thường bị xem nhẹ, bởi vì lượng nước thải sinh hoạt từ các đô thị lớn thì được tính toán dựa trên lượng nhân khẩu.

Ta cứ hình dung rằng một đô thị 10 triệu dân như Hà Nội thì một ngày thải ra bao nhiêu nước thải sinh hoạt? Lượng nước này sẽ chiếm chỗ trong các đường ống và hiển nhiên gây nên áp lực lên khả năng thải của các đường ống thải nước bề mặt.

Cả ba yếu tố trên đều có liên quan mật thiết tới mức độ đậm đặc trong thiết kế đô thị và lượng sàn niêm phong của các đô thị đó. Seoul là một ví dụ về vấn đề này. Giai đoạn bùng nổ kinh tế của Hàn Quốc đã dẫn tới sự gia tăng về mật độ ở thủ đô Seoul. Người châu Á tại các vùng trồng lúa có một cảm thức đặc biệt với sàn cứng, họ coi đó là biểu tượng của ”văn minh”.

Khi phát triển kinh tế, công nghiệp, chúng ta liền coi sự cứng hóa bề mặt là điều tốt. Chẳng lấy đâu xa, các đồ án trọng điểm gần đây cả ở Hà Nội lẫn các tỉnh thành thường nhận được yêu cầu từ các Ủy ban Nhân dân một cách hết sức khờ dại là yêu cầu cứng hóa các quảng trường hoặc trục cảnh quan (đổ bê tông). Cũng dễ hiểu vì những con người đi lên từ bùn lầy thường khao khát sự khô thoáng.

Nhiều chủ xe hơi bất lực trong trận ngập hôm 29/5 tại Hà Nội

Lượng sàn niêm phong tăng dẫn tới khả năng thấm nước hạn chế. Trong khi tốc độ thấm thì cao hơn tốc độ chảy trong tình huống ngập chớp nhoáng. Giải pháp của Trần Hồng Hà nghĩ qua thì không tệ, tuy nhiên ông chưa ý thức được một vấn đề lớn đó là rủi ro về ngập trong các bể chứa ngầm và chi phí bảo trì, quản trị rủi ro.

Đây là loại giải pháp mà tính khả thi của nó có liên quan tới sự chia sẻ giữa khối tư nhân và khối công. Khi xảy ra rủi ro, nó có thể dẫn tới thảm họa về bảo hiểm. Tất nhiên khái niệm này đối với người dân Việt Nam còn khá xa lạ, cho tới nay, chúng ta vẫn nghĩ mọi thứ trút lên đầu mình đều là do ”ông trời” cả. Không có ai nghĩ rằng đó là trách nhiệm của khối quản lý đô thị và họ có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm ngập úng…

Trần Hồng Hà đã nói “Mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì khó hạ tầng nào có thể chịu được”, điều này hiển nhiên đúng, nhưng ông quên nói vế thứ hai của nó, đó chính là khi không còn hạ tầng thì mưa thế nào cũng xong, một nét bi kịch giữa mật độ và khả năng thoát nước.

Có lẽ với vai trò là bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường, ông nên cho nhiều ý kiến về lượng sàn niêm phong và khả năng thấm của đất đô thị thì hơn. Bởi vì đối diện với ngập chớp nhoáng, cần khả năng tiêu chớp nhoáng. Điều này xét trên các đô thị đông dân và yếu về kinh tế thì phù hợp hơn. Xây bể chứa hay là giữ lại các hồ nước điều hòa, ao chuông sẵn có cùng với diện tích đất mềm thấm nước mà chúng ta đã nhiệt liệt xóa sổ trong 20 năm qua.

Về quy hoạch thì người ta nói tới những kế hoạch đao to búa lớn nhưng thu lại kết quả ngớ ngẩn.

Xây các bể khổng lồ như ở Nhật cũng tốt, nhưng tại thời điểm ấy, Nhật Bản là nền kinh tế thứ hai của Thế Giới trong suốt 40 năm và họ có đủ tiền để thực hiện nó cũng như chi phí bảo hiểm về quản trị ngập úng – điều mà nhiều nhà quản lý ở Việt Nam lờ đi hoặc có thể tất cả chúng ta chưa biết tới sự tồn tại của nó.

Bảo hiểm ngập úng là nền tảng cho sự đóng góp của khối tư nhân vào đô thị cũng như là cơ sở để nhà quản lý vận động các dự án chống ngập, giá trị đền bù của nó cũng thường lớn. Ngập có thể dẫn tới thảm họa bảo hiểm, đây mới là cái gậy thúc vào mông nhà quản lý chứ không phải là cứ mưa to một tí thì bảo tại ông trời.”

Định Tường