Trần Đức Thạch: ‘Dấn thân vì dân chủ không phải là tội’

Nhà thơ Trần Đức Thạch, bị kết án 12 năm tù trong phiên tòa hồi Tháng Mười Hai, 2020
Nghe đọc bài

Ông Trần Đức Thạch là tác giả của hàng trăm bài thơ, một quyển tiểu thuyết và nhiều bài viết trên mạng liên quan đến thời sự Việt Nam. Qua đó, ông chỉ đả kích nhẹ nhàng sự bất công xã hội, thiếu vắng công lý, nhân quyền.

Nhà thơ Trần Đức Thạch nói dù bị bỏ tù đến bao lâu, vẫn không lay chuyển được ý chí của ông là theo đuổi đấu tranh dân chủ hóa đất nước.

“Dù có 12 năm hay 20 năm tù hay không có ngày trở về, ông vẫn giữ nguyên ý chí của mình.” Bà Nguyễn Thị Chương, vợ nhà thơ Trần Đức Thạch thuật lời ông nói với bà khi bà cùng hai người thân đi thăm ông tại nhà tù ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bà thuật lại thêm trên trang Facebook cá nhân Nguyễn Chương là ông còn nhắn lại với tất cả anh chị em cùng chung lý tưởng đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và phú cường thật sự là “anh chị em cứ tiếp tục tiến lên con đường đã chọn.”

Nhà thơ Trần Đức Thạch, năm nay 70 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN kết án 12 năm tù cộng thêm ba năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm ngày 15 Tháng Mười Hai, 2020, ở Nghệ An.

Ông bị vu cho tội “hoạt động nhằm lật đổ” chế độ, dù ông mắt kém, nhiều bệnh tật, chỉ ngồi ở nhà viết Facebook đôi khi chỉ trích nhẹ nhàng những sai trái của nhà cầm quyền.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 24 Tháng Ba, 2021, vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm mà Luật Sư Hà Huy Sơn, trong cuộc phỏng vấn của đài RFA, nói rằng: “Cái bản án này tôi cho rằng hình như bên phía tòa án đã sắp đặt sẵn, người ta không cần căn cứ vào các hành vi của ông Thạch mà người ta tuyên án thôi. Ông ấy nói rằng, các việc làm của ông ấy không có gì sai trái với Hiến Pháp và pháp luật nên không có đề nghị giảm án gì cả.”

Luật Sư Sơn tố cáo tòa án CSVN đã vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản của Luật Tố Tụng Hình Sự gồm cả việc tòa án xét xử không công bằng khi đại diện Viện Kiểm Sát là người buộc tội bị cáo tại tòa thì có đầy đủ hồ sơ vụ án, trong khi người bào chữa là ông lại không được sao chụp hồ sơ để làm tài liệu biện hộ.

Các đảng viên CSVN khi bị bắt bỏ tù vì tham nhũng phần đông khóc lóc ở tòa án xin khoan hồng với các bản án nhẹ “không làm ảnh hưởng tới vợ con.” Trái lại, ông Trần Đức Thạch, cũng như tất cả các người đấu tranh dân chủ bị CSVN bắt bỏ tù, đều khẳng khái không nhận mình có tội hay xin xỏ gì cả.

Trên mạng xã hội vẫn lưu truyền lời ông nói tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15 Tháng Mười Hai, 2020: “Tôi rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam và sự nghiệp chống Trung Quốc thao túng, xâm lược Việt Nam. Tôi vinh dự là người dân xứ Nghệ, người dân nước Việt Nam. Dấn thân vì dân chủ không phải là tội.”

Ông Trần Đức Thạch là tác giả của hàng trăm bài thơ, một quyển tiểu thuyết và nhiều bài viết trên mạng liên quan đến thời sự Việt Nam. Qua đó, ông chỉ đả kích nhẹ nhàng sự bất công xã hội, thiếu vắng công lý, nhân quyền. Ông từng là hội viên của Hội Nhà Văn tỉnh Nghệ An. Quyển truyện “Đôi bạn tù” xuất bản năm 1988 miêu tả bản chất độc đoán trong hệ thống tư pháp và sự vô nhân đạo trong nhà tù CSVN. Tập thơ “Điều chưa thấy” của ông diễn tả đời sống không có cả tự do lẫn công lý.

Hồi ký ngắn “Hố chôn người ám ảnh” mà ông (khi đó là phân đội trưởng trinh sát, Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 266, Sư Đoàn 341, Quân Đoàn 4 của bộ đội Bắc Việt) kể lại cuộc tắm máu khủng khiếp hàng trăm người dân ấp Tân Lập, xã Bàu Sen tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai) vào Tháng Tư, năm 1975.

Lính Bắc Việt đã tập trung dân làng gồm cả người già và trẻ con rồi xả súng đại liên bắn ở cánh rừng cao su gần ấp Tân Lập. Khi ông nghe tiếng súng và chạy đến, yêu cầu đồng đội dừng bắn thì được biết cấp trên đã ra lệnh “giết nhầm hơn bỏ sót.” Trong hồi ký, ông kể cả một gia đình đang ngồi ăn cơm bị lính Bắc Việt ném lựu đạn giết tất cả.

(Theo Người Việt)