Trải nghiệm cận tử qua lời kể của người trong cuộc

Nghe đọc bài

Những người cận tử kể lại ký ức sống động về ánh sáng chói lòa, cảm giác hồn lìa khỏi xác, sự thanh thản, bình yên lạ lùng hay gặp gỡ những người thân đã khuất.

Theo lý giải mới đây của một chuyên gia, trải nghiệm cận tử là một trải nghiệm xác thực gây ra bởi sự giảm hoạt động trong não của người sắp chết.

Khi một số người gần với cái chết và sau đó “bất ngờ” hồi sinh, họ có thể báo cáo cảm giác về thế giới bên kia hoặc một dạng sống nào đó sau khi chết. Điều này có thể bao gồm cảm giác bị tách rời khỏi cơ thể của họ, nhìn thấy những người thân yêu đã qua đời, các nhân vật tôn giáo hoặc nhìn lại cuộc sống của họ.

Có đến 1/10 người trải qua trải nghiệm cận tử cho biết thường cảm thấy hưng phấn, một số người có cảm giác mới về tôn giáo và thế giới bên kia.


Cú đấu đầu ô tô khiến Tricia Barker, một sinh viên cao đẳng ở Austin, Texas, Mỹ, mất nhiều máu, gãy xương sống. Barker cho hay cô rời thân xác trong suốt cuộc phẫu thuật, trôi lơ lửng gần trần nhà và nhìn xuống máy theo dõi sự sống của chính mình. Di chuyển dọc hành lang bệnh viện, cô kể đã nhìn thấy bố dượng đang vật lộn với nỗi đau buồn, ông đi mua một thanh kẹo từ máy bán hàng tự động. Hành động xuất phát vì căng thẳng quá độ này bố dượng cô chưa bao giờ kể với ai. Đây là lý do khiến Barker thực sự tin những gì mình trải qua là có thật. Gắn bó với công việc giáo sư viết sáng tạo, cô cho biết mình vẫn được những linh hồn đồng hành ở thế giới bên kia chỉ đường.


Carol Burke bị thương nghiêm trọng trong tai nạn ô tô tại bãi đỗ xe nhân viên, sân bay quốc tế Dallas Fort Worth, bang Texas, Mỹ. Phải phẫu thuật cắt lách và gắn nhiều xương bị gãy, Burke mất tới một nửa lượng máu. Nhớ lại những phút giây cận kề cái chết, bà kể mình lơ lửng gần trần nhà phòng bệnh, nhìn xuống mẹ và một người bạn đứng dưới chân giường, lo sợ sẽ mất bà vĩnh viễn. Cảm giác của bà khi đó là sự thanh thản, bình yên lạ thường và tràn ngập yêu thương.


Ashlee Barnett đang là sinh viên cao đẳng khi cô gặp tai nạn xe hơi trên con đường cao tốc vắng vẻ ở bang Texas, Mỹ. Vỡ khung xương chậu, dập lá lách và chảy máu rất nhiều, Ashlee đứng giữa ranh giới hai thế giới: một bên của hoảng loạn và đau đớn khi các bác sĩ đang nỗ lực cứu sống cô và một bên có ánh sáng trắng lóa, không còn đớn đau, sợ hãi. Nhiều năm sau vụ tai nạn ám ảnh, Barnett phát hiện mắc ung thư, song trải nghiệm cận tử khiến cô luôn tự tin rằng mình sẽ sống. Ashlee có ba con, công việc của cô là tư vấn cho những người sống sót gặp sang chấn tâm lý.


Pam Kircher nhiễm virus viêm màng não lúc lên 6 tuổi. Bà vẫn nhớ ký ức khi đối diện với cái chết cận kề. Trong căn phòng tại ngôi nhà nhỏ ngoại ô St. Joseph, bang Missouri, Mỹ, Kircher nhìn xuống bé gái đang nằm trên giường. Ngay lập tức, cô bé 6 tuổi nhận ra đây chính là mình và quay về với thân xác. Lo sợ bị chế nhạo và xa lánh, Kircher giữ bí mật ký ức này trong suốt 4 thập kỷ, song vẫn lấy đó làm động lực cho mỗi quyết định trong cuộc đời. Chọn trở thành một bác sĩ gia đình, khi về hưu, bà Kircher tiếp tục công việc ở một trại chăm sóc những người hấp hối. Kircher hy vọng câu chuyện của bà sẽ giúp mọi người nhẹ nhõm hơn khi đối diện cái chết.


Ngoài khơi California một đêm năm 1983, David Bennett, kỹ thuật trưởng một con tàu nghiên cứu cùng thủy thủ đoàn cố gắng chạy thoát cơn bão lớn trên chiếc thuyền bơm hơi. Cách bờ hơn 1,6km, con thuyền nhỏ bị nhấn chìm bởi ngọn sóng cao tới 9m. Tất cả bị hất văng xuống Thái Bình Dương lạnh cóng. Áo phao hỏng, Bennett chìm xuống biển, cảm giác nước tràn vào đầy phổi. Ngấp nghé cửa tử thần, Bennett cho biết lúc đó cảm thấy rất hân hoan. Bennett còn kể về tiếng nói vang lên bảo rằng đây chưa phải là thời điểm của ông. 18 phút sau khi chìm xuống biển, Bennett nổi lên trên mặt nước một cách thần kỳ khiến cả đoàn sửng sốt. Theo National Geographic, các hình ảnh trong trải nghiệm cận tử, theo một số nhà khoa học, chỉ đơn giản là sự phản chiếu các hoạt động trong não do ảnh hưởng của tình trạng thiếu oxy đột ngột. Số khác lại tin rằng, đây có lẽ là những gì con người thực sự đối mặt sau khi chết. Tranh luận về đề tài này vẫn tiếp diễn với nhiều mâu thuẫn và đặt ra nhiều thách thức với giới khoa học. Tuy nhiên, điểm chung khó tranh cãi ở những người đã đứng trên lằn ranh sinh tử chính là khi trở lại họ đều nhận thức rõ hơn mục đích sống của mình.

Theo RFA