TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục « giãn cách xã hội » thêm 2 tuần

Trái ngược với đánh giá lạc quan cách nay một tuần của một lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, về việc « cơ bản kiểm soát được dịch trong cộng đồng », hôm nay 14/06/2021, chính quyền thành phố quyết định kéo dài biện pháp « giãn cảnh xã hội » thêm 2 tuần, trong bối cảnh số lượng ca nhiễm hàng ngày không giảm, có nguy cơ dịch lan sâu trong cộng đồng.

Theo báo Pháp luật TP HCM, chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Phong quyết định thực hiện « giãn cách xã hội » toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của thủ tướng. Thời hạn giãn cách kể từ ngày mai, 15/06. Lý do là « diễn biến dịch còn phức tạp, còn mầm bệnh trong cộng đồng ». Cũng theo chủ tịch thành phố, tùy theo diễn biến dịch bệnh vào tuần tới, một số khu vực có thể chuyển sang thực hiện Chỉ thị 16, tức các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, hoặc theo Chỉ thị 19, tức mức độ nhẹ hơn.

« Giãn cách xã hội » theo Chỉ thị 15 bao gồm các biện pháp : không tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét tại các địa điểm công cộng, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Chỉ thị 16 bắt buộc người dân « chỉ được ra khỏi nhà, khi thực sự cần thiết ».

Dịch có thể đã « xâm nhập sâu trong cộng đồng »

Theo số liệu của bộ Y Tế, sáng hôm nay, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước, với 30 ca nhiễm trong ngày, trên tổng số 92 ca cả nước. Tình từ ngày 27/5 đến hết ngày 10/6, TP Hồ Chí Minh đã lấy gần 500.000 mẫu xét nghiệm, số ca nhiễm được ghi nhận trong thời gian này trung bình là 41 ca. Theo số liệu chính thức, TP HCM đứng thứ ba cả nước về số ca nhiễm trong cộng đồng (hơn 800 ca), sau hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Báo Tuổi trẻ thành phố HCM dẫn lời một chuyên gia dịch tễ địa phương cho rằng « mức độ lây truyền đã kéo dài qua nhiều chu kỳ, xâm nhập sâu trong cộng đồng. Điển hình đã phát hiện bệnh nhân của chu kỳ lây nhiễm thứ 5 ».

Bộ Chính Trị yêu cầu « công khai chương trình tiêm chủng »
Trong lúc tình hình dịch bệnh kéo dài và khó khống chế tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, chính quyền Việt Nam bị nhiều chỉ trích là đã không đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tính cho đến nay, Việt Nam mới chỉ tiêm được 1,5 triệu liều, trong đó mới có 0,1% dân số hoàn thành hai liều tiêm. Việt Nam nằm trong nhóm các nước chậm tiêm chủng nhất của khu vực.

Về mặt chính thức, bộ Y Tế Việt Nam coi việc tiêm chủng là biện pháp không thể tránh khỏi để thoát khỏi dịch bệnh, nhưng dường như chưa có một kế hoạch tiêm chủng rõ ràng. Hôm 11/06/2021, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã yêu cầu « Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vac-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể ». Ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cũng yêu cầu « tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vac-xin phòng, chống Covid-19 (… ) để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vac-xin cho người dân ».

RFI