Tổng thống Palau nói bị “Trung Quốc gây áp lực, gọi điện 16 lần”

Lãnh đạo của một quốc đảo Thái Bình Dương tuyên bố sẽ không cắt đứt với Đài Loan dù "Trung Quốc liên tục gây áp lực".

Nghe đọc bài

Tổng thống Palau Surangel Whipps (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Palau Surangel Whipps tuyên bố rằng quốc đảo này sẽ không để bất cứ bên nào gây áp lực lên quyết định liên quan tới tương lai của họ, bao gồm cả Trung Quốc.

Ông Whipps đưa ra bình luận trên sau khi ông trở về từ chuyến công du Đài Loan hồi tuần trước. Palau, một trong những nước nhỏ bé nhất thế giới với 21.000 dân, là một trong 15 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan.

Ông Whipps – người thắng cử năm ngoái sau khi đánh bại đối thủ có xu hướng thân Trung Quốc – cam kết sẽ không cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang bắt tay với Trung Quốc khi ông vẫn còn là lãnh đạo của Palau.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực. Trong những năm qua, Trung Quốc được cho đã nỗ lực vận động các đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan cắt đứt với hòn đảo. Năm 2019, hai quốc đảo Thái Bình Dương là Solomons và Kiribati đã quyết định “đổi bên”.

Tại khu vực này, chỉ còn Palau, Marshall, Nauru và Tuvalu vẫn còn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Ông Whipps là một trong những lãnh đạo có quan điểm hoài nghi nhiều nhất về Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Ông cáo buộc Trung Quốc nhiều lần gây áp lực lên Palau để cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

“Tôi đã điện đàm với các quan chức Trung Quốc và điều đầu tiên họ nói rằng ‘những điều mà các ông làm là phạm pháp, thừa nhận Đài Loan là phạm pháp. Các ông phải dừng lại ngay’. Vấn đề nằm ở chỗ cách họ nói. Chúng tôi không thể bị ép buộc phải chọn làm bạn hoặc không làm bạn với bất cứ bên nào”, ông Whipps nói.

Ông Whipps nói rằng, ông thường nhận được cuộc gọi từ phía Trung Quốc vào thời gian trước khi cuộc bầu cử diễn ra. “Điện thoại của tôi đổ chuông 16 lần. Sau cuộc bầu cử, tôi không nghe điện thoại của họ nữa”, ông Whipps cho hay.

Tổng thống Palau nói bị Trung Quốc gây áp lực, gọi điện 16 lần - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Trung Quốc bị cho từng gây áp lực lên ngành du lịch Palau (Ảnh: Straits Times).

Nằm cách phía đông Philippines 900 km, Palau chứng kiến sự tăng trưởng mạnh số lượng du khách Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 2010. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trung Quốc bất ngờ cấm các chuyến du lịch theo đoàn tới Palau, động thái được xem là gây áp lực về mặt kinh tế lên quốc đảo.

Ông Whipps cho rằng động thái của Trung Quốc đã gây tác dụng ngược vì nó khiến người dân Palau hiểu được cái gọi là áp lực từ phía Bắc Kinh.

Ngoài ra, ông Whipps cho biết ông muốn Mỹ đặt thêm nhiều căn cứ quân sự ở Palau, với hy vọng rằng quốc đảo này sẽ giảm bớt phụ thuộc vào ngành du lịch. Palau và Mỹ duy trì quan hệ tốt đẹp với thỏa thuận quốc phòng 50 năm mang tên COFA.

Theo SCMP, Palau được xem là một phần của “chuỗi đảo thứ 2” mà các chiến lược gia của quân đội Mỹ cho rằng đây là trở ngại chính đối với tham vọng của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Đài Loan cáo buộc Trung Quốc gây áp lực lên đồng minh Paraguay

Cơ quan đối ngoại Đài Loan ngày 7/4 thông báo, hòn đảo sẽ hợp tác với các nền dân chủ khác để giúp đồng minh Paraguay có được vắc xin Covid-19. Đài Loan cáo buộc Trung Quốc gây áp lực lên quốc gia Nam Mỹ, yêu cầu cắt đứt quan hệ với Đài Loan để có được vắc xin. Tuy nhiên, Đài Loan cho hay, Ấn Độ đã tham gia vào nỗ lực hỗ trợ Paraguay.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cáo buộc Trung Quốc đã tuyên bố với công chúng Paraguay rằng nếu nước này cắt đứt quan hệ với Đài Loan, họ sẽ nhận được hàng triệu liều vắc xin của Bắc Kinh sản xuất.

Ông Wu cho biết, Ấn Độ đã đồng ý cung cấp vắc xin của hãng Bharat Biotech mang tên Covaxin cho quốc gia Nam Mỹ. Ấn Độ đã chuyển 100.000 liều tới Paraguay và sẽ có thêm 100.000 liều nữa tiếp tục được chuyển đi.

Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin rằng họ cố gắng “lôi kéo” Paraguay bằng vắc xin Covid-19.

Tổng hợp