Tòa cộng sản liên tiếp công khai vòi tiền bị cáo

Phùng Thế Tính là bị cáo mới nhất bị tòa đòi tiền ngay tại phiên xử
Nghe đọc bài

Trong cả hai vụ đại án Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh đang xét xử cùng thời điểm ở TP.HCM và Hà Nội, tòa cộng sản đều chơi chiêu giống nhau: Đòi tiền bị cáo quyết liệt ngay giữa công đường.

Báo đảng hôm 19/3 tường thuật, tại phiên xử vụ Tân Hoàng Minh, bị cáo Phùng Thế Tính, phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán kiêm kế toán trưởng Tân Hoàng Minh, bị quy kết giúp sức cho cha con ông Đỗ Anh Dũng dùng các công ty thuộc “hệ sinh thái” Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu mua đi bán lại, sử dụng “thương hiệu” Tân Hoàng Minh để bán cho người dân thu lợi.

Theo chỉ đạo của cha con ông Dũng, bị cáo Tính triển khai chỉnh sửa báo tài chính của ba Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông trong “hệ sinh thái”; bàn bạc, thỏa thuận với hai công ty kiểm toán ban hành báo cáo kiểm toán gian lận, sai sự thật, để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Ông cũng phân công chỉ đạo cấp dưới chạy dòng tiền khống, giúp sức cho ông Dũng chiếm đoạt 4.500 tỷ đồng.

Trong lúc cha con ông Dũng sau khi bị bắt, nhờ gia đình nộp hơn 5.600 tỷ đồng “khắc phục hậu quả”, ông Tính nộp 20 triệu đồng, còn Hoàng Quyết Chiến, một phó giám đốc khác của Trung tâm Tài chính kế toán nộp 15 triệu đồng.

Bị cáo Chiến lập tức bị chủ tọa chất vấn: “So với thiệt hại vụ án, nộp lại có 15 triệu đồng, bị cáo thấy sao?”.

Bị cáo Chiến đáp: “Tôi chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi. Đó là toàn bộ số tiền gia đình có”.

Vài ngày trước đó, trong phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát, theo tường thuật của báo Dân Trí, vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Capella, bày tỏ mong muốn “nộp lại toàn bộ thiệt hại bằng tiền mặt” và “xin giải tỏa kê biên” đối với các nhà đất của ông này.

Cáo trạng quy kết bị cáo Nguyễn Cao Trí đã chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sau khi bà này bị bắt. Khoản tiền nêu trên được ghi nhận là để ông Trí chuyển nhượng 31,22% vốn điều lệ công ty Cao Su Công Nghiệp do ông này sở hữu, chuyển nhượng vốn điều lệ công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư một dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Tại phiên xử, chủ tọa phiên tòa hỏi vợ ông Trí rằng thời gian nào nộp thêm 264 tỷ đồng?

Bà này đáp: “Xin tòa cho chúng tôi thời gian ba tháng để thu xếp.”

Ngay lập tức, chủ tọa ngắt lời nói: “Ba tháng thì phiên tòa này đã kết thúc.”

Ngập ngừng ít giây, bà vợ bị cáo Trí nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp nguồn tiền. Còn 400 cá nhân thiếu nợ 1.500 tỷ đồng, chúng tôi sẽ cố gắng. Xin Hội Đồng Xét Xử tạo điều kiện cho chúng tôi thu nợ để khắc phục hậu quả.”

Hội Đồng Xét Xử cũng dò hỏi rằng tài khoản của bị cáo Trí tại các ngân hàng bị phong tỏa có tổng cộng bao nhiêu tiền, bà vợ ông này nói “không biết” và “đang liên lạc với ngân hàng [để tìm hiểu].”

Trước khi phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát diễn ra, các báo ở Việt Nam đưa tin, vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp tiền “khắc phục” 657,5 tỷ đồng ($26.6 triệu) và $3.3 triệu.

Theo “thông lệ” trong các phiên tòa xử “đại án” gần đây tại Việt Nam, hầu hết các bị cáo đều phải nộp tiền “khắc phục hậu quả” để được giảm án so với mức mà Viện Kiểm Sát đề nghị.

Ví dụ, tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ “chuyến bay giải cứu” diễn ra hồi cuối tháng 12 năm ngoái, theo báo VNExpress, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng 5, Cục An Ninh Điều Tra, Bộ Công An, được giảm án “ngoạn mục” từ chung thân còn 20 năm tù sau khi nộp 18,8 tỷ đồng mà ông này bị cáo buộc “lừa chạy án.”

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hưng nhất quyết không thừa nhận hành vi nhận tiền chạy án mà cáo trạng quy kết và còn nói rằng mình “sẽ kêu oan đến chết.”