Home Thế Giới Tổ chức do Trung Quốc dẫn dắt sẵn sàng can thiệp Kazakhstan

Tổ chức do Trung Quốc dẫn dắt sẵn sàng can thiệp Kazakhstan

Nghe đọc bài

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc dẫn dắt cam kết sẽ can thiệp vào tình hình bất ổn ở Kazakhstan nếu cần.

Hãng tin TASS của Nga hôm 8/1 đưa tin Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cam kết sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan “nếu có yêu cầu từ cơ quan tương đương của Kazakhstan”. SCO cũng tin rằng những hành động mà chính phủ Kazakhstan đưa ra hiện nay sẽ giúp ổn định tình hình nhanh chóng.

“Ủy ban điều hành hoàn toàn ủng hộ những biện pháp toàn diện kiên quyết mà lãnh đạo Kazakhstan thực hiện để đảm bảo an ninh đất nước và bảo vệ thể chế hiến pháp”, trích tuyên bố của SCO.

Trong một tuyên bố riêng, Trương Minh, tổng thư ký SCO, tổ chức an ninh liên chính phủ do các quốc gia Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan thành lập năm 2001, bày tỏ mong muốn tình hình sớm ổn định.

“Duy trì ổn định nội bộ và xã hội hài hòa ở Cộng hòa Kazakhstan với tư cách thành viên SCO là một trong những yếu tố quan trọng với hòa bình và an ninh khu vực”, ông Trương nói.

SCO đưa ra cam kết sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Kazakhstan sẽ khó thoát khỏi ảnh hưởng của Nga nếu đề nghị Nga đưa quân vào giúp ổn định tình hình.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản đối mọi nỗ lực của các thế lực nước ngoài nhằm gây rối ở Kazakhstan và sẵn sàng giúp nước này giải quyết khủng hoảng.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Kazakhstan và là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của nước này hồi năm ngoái. Kazakhstan cũng là nước chủ chốt cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đã nhận đầu tư hơn 17 tỷ USD cho các dự án khắp cả nước.

Biểu tình bùng phát ở Kazakhstan từ đầu tháng để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng ra các địa phương rồi leo thang thành bạo loạn ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.

Trước đề nghị của Kazakhstan, Nga điều 75 vận tải cơ hoạt động suốt ngày đêm để chuyển 3.000 binh sĩ tinh nhuệ cùng nhiều thiết giáp, khí tài đặc chủng của lực lượng đổ bộ đường không tới nước này.

Danil Bochkov, nhà nghiên cứu tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, nhận định “Trung Quốc đang hiện diện mạnh mẽ về kinh tế trong khu vực, trong khi chương trình nghị sự an ninh trong khu vực vẫn là đặc quyền của Nga”.

“Tôi không thấy có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào từ phía Trung Quốc trong vấn đề Nga triển khai lực lượng gìn giữ hoàn bình, vì Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ chính quyền Kazakhstan đưa đất nước trở lại ổn định và đảm bảo an ninh”, ông nói.

Theo vnexpress

Exit mobile version