TNLT Lê Quý Lộc tố bị tra tấn trong trại An Phước bởi 11 cán bộ

Người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho biết ông này bị 11 cán bộ tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương đánh đập cùng lúc.

Ông Lê Quý Lộc báo với gia đình việc ông bị đánh trong trại giam
Nghe đọc bài

Theo bà Trần Thanh Thủy thì sau tám tháng trại giam hoãn cho thăm nuôi người thân do dịch COVID-19, cuối cùng bà cũng được vào trại giam thăm chồng hôm 22 tháng 1 và được nghe ông này kể về việc bị tra tấn trong tù.

Trong cuộc gặp, ông Lê Quý Lộc nói rằng hồi tháng 5 năm 2021, ông đã bị đánh đập cùng lúc bởi 11 cán bộ tại trại giam An Phước. Lý do là vì ông đã lên tiếng đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị.

Thay vì đáp ứng đòi hỏi của ông này, thì phía cán bộ trại giam trừng phạt bằng việc chuyển ông sang giam giữ ở khu vực dành cho tù hình sự. Và cũng ở đây ông đã bị cán bộ trại giam đánh đập.

Theo bà Thủy mô tả thì trận đòn đã khiến mặt của ông Lê Quý Lộc bị bầm tím và sưng phù, ông này sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do nhiều lần gọi vào số điện thoại của trại giam An Phước được công bố trên báo chí nhà nước, tuy nhiên một giọng nữ tự động thông báo “đường dây đang sửa chữa” nên không thể liên lạc được.

Một luật sư nhân quyền giấu tên vì lý do an ninh nhận xét về vụ việc:

Theo quan điểm của tôi thì theo Luật Thi hành án Hình sự thì người phạm nhân có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, và họ được quyền tham gia vui chơi, hoạt động thể thao, và sinh hoạt văn hoá văn nghệ. 

Trong trường hợp trại giam không đáp ứng những yêu cầu của phạm nhân là trái quy định của pháp luật. Và những yêu cầu của phạm nhân, cụ thể ở đây là phạm nhân chính trị, là những yêu cầu hết sức chính đáng.

Về việc phía trại giam chuyển phạm nhân chính trị sang khu dành cho tù hình sự để phản ứng lại các đòi hỏi về mặt quyền lợi của phạm nhân, luật sư này cho hay:

Ở trong trại giam, giám thị trại giam có quyền chuyển phạm nhân từ buồng giam này sang buồng giam khác, tuy nhiên là đối với những cái hành động phản đối của những tù nhân chính trị nêu trên, mà họ bị chuyển sang một cái buồng giam với những tội phạm hình sự nguy hiểm, thì theo tôi đây là hành động mang tính trả thù của ban giám thị trại giam, nhằm dằn mặt những tù nhân chính trị dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của phạm nhân.

Vị luật sư nhân quyền cũng khẳng định, hành vi đánh đập mà cán bộ trại giam thực hiện với tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc được coi là những hành vi tra tấn.

Ông Lê Quý Lộc, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị bắt hôm 4 tháng 9 năm 2018 khi đang dự định tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng.

Khi đang bị tạm giam để điều tra tại trại tạm giam của cơ quan An ninh điều tra TPHCM, hồi tháng 5/2020 ông này cũng cho hay mình bị ngược đãi và đánh đập bởi cán bộ công an.

Ông này đồng thời là thành viên của Nhóm Hiến pháp, một tổ chức xã hội dân sự độc lập, hoạt động nhằm cổ xuý việc thực thi các quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Chính quyền cáo buộc ông Lộc phạm tội “phá rối an ninh” được quy định tại điều 118 của Bộ luật Hình sự. Ngày 31 tháng 7 năm 2020, ông Lộc bị toà án TPHCM xử có tội và phải nhận bản án năm năm tù giam.

Theo RFA