Tiết lộ chiến phí khổng lồ Nga đổ vào chiến dịch quân sự Ukraine: Chi cả tỷ USD mỗi ngày?

Phương Tây đang mong đợi Nga sẽ sớm hết tiền vì tiêu tốn quá mức cho chiến dịch ở Ukraine. Thế nhưng Nga hoá ra có đủ tiền để duy trì hoạt động dài hạn?

Nghe đọc bài

Mỗi ngày Nga chi bao nhiêu cho chiến dịch Ukraine?

Mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể không khiến Nga dừng lại chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng có một yếu tố khác khiến Tổng thống Vladimir Putin phải cân nhắc một cách nghiêm túc. Đó là chi phí quân sự mỗi ngày của chiến dịch.

Cho đến hiện tại, Nga không công bố con số cụ thể, nhưng một nghiên cứu mới của Trung tâm Phục hồi Kinh tế từ công ty tư vấn Civitta và EasyBusiness đã đưa ra đánh giá ban đầu về chi phí quân sự đè nặng lên nền kinh tế Nga, cho thấy rằng – ngay cả theo những ước tính thận trọng nhất – con số này vẫn rất lớn.

Riêng thiệt hại trực tiếp từ cuộc chiến – bao gồm cả thiết bị quân sự bị hư hại và thương vong của quân nhân – trong 5 ngày đầu tiên đã khiến Nga thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Trong số này, riêng thiệt hại về nhân mạng được dự báo sẽ chiếm 2,7 tỷ USD GDP bị mất trong những năm tới.

Ngoài ra, quy mô huy động – bao gồm hậu cần, nhân sự, đạn dược, nhiên liệu, tên lửa, v.v. – sẽ khiến chi phí còn đội lên mỗi ngày. Theo các nhà nghiên cứu, chi phí hàng ngày cho chiến dịch của Nga “có khả năng vượt quá 20 tỷ USD” đối với quy mô toàn diện.

Từ đó, các nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi: Nếu cứ duy trì như vậy, khi nào Nga sẽ cạn tiền vì chiến dịch quân sự?

Các lệnh trừng phạt đã và đang khiến nền kinh tế Nga lao đao. Đồng rúp đã mất 50% giá trị hồi đầu tuần. Đồng tiền này đã tiếp tục lao dốc trong nhiều ngày qua, có thời điểm giảm thêm 8%.

Trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết dự trữ nước này có đủ để trang trải lượng hàng nhập khẩu trong 20 tháng. Con số đó có thể chỉ còn 10 tháng ở thời điểm hiện tại.

Nhưng theo Fortune, Nga vẫn có thể khai thác khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng sau khi Mỹ và nhiều chính phủ khác cho biết sẽ cắt khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga trong lãnh thổ của các nước này.

Con số đó bao gồm khoảng 132 tỷ USD vàng giữ trong kho riêng của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như ngoại tệ giữ trong nước hoặc giữ ở nước ngoài tại các quốc gia như Trung Quốc, nơi không đồng ý thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Tiết lộ chiến phí khổng lồ Nga đổ vào chiến dịch quân sự Ukraine: Chi cả tỷ USD mỗi ngày? - Ảnh 2.

Cân đối thu chi

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nói với Fortune rằng Nga có thể bị tổn thương nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt, nhưng nước này sẽ không cạn kiệt tiền quá sớm trong chiến dịch Ukraine .

“Có vẻ như điều đó không thực tế để hy vọng”, ông nói, nhưng lưu ý rằng điều đó không có nghĩa là các lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng chính trị. “Sẽ có thời điểm cơn đau xảy ra, dù Tổng thống Putin có quyền lực tuyệt đối”.

Nền kinh tế Nga có thể đang gặp phải một số tác động nghiêm trọng, nhưng Moscow vẫn có các công cụ sẵn sàng để giữ cho dự trữ ngoại tệ không bị cạn kiệt hoàn toàn.

Tổng cộng Nga đã chi khoảng 62 tỷ USD cho quân đội vào năm 2021 và chiến dịch quân sự ở Ukraine có thể khiến con số đó tăng vọt. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị quân sự của Nga là “cây nhà lá vườn”, giúp phần nào đó giảm chi phí phụ thuộc bên ngoài.

Đầu tuần này, Nga đã ra lệnh cho các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn và các công ty năng lượng bán 80% lượng ngoại tệ nắm giữ, với hy vọng rằng điều này sẽ giúp hỗ trợ đồng rúp mà Ngân hàng Trung ương Nga không phải dùng đến dự trữ.

Nga cũng đã cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán chứng khoán và rút tiền ra khỏi đất nước.

Ẩn số lớn nhất hiện nay là điều gì sẽ xảy ra với các mặt hàng xuất khẩu của Nga, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Nước này kiếm được khoảng 63 tỷ USD từ bán dầu và khí đốt quốc tế trong quý 3/2021. Hãy nhớ rằng, đó là trước khi giá năng lượng tăng vọt do chính cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra. Vì vậy thu nhập của Nga trong giai đoạn hiện tại có thể cao hơn đáng kể.

Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga cho đến nay đã miễn trừ rõ ràng các khoản thanh toán cho việc bán dầu và khí đốt. Vì vậy, Moscow vẫn có thể kiếm được nguồn thu lớn từ những nguồn tài nguyên đó, ít nhất là về mặt lý thuyết.

Trong khi đó, Nga cũng xuất khẩu các hàng hóa khác trị giá 70 tỷ USD, bao gồm các mặt hàng phi năng lượng như sắt và các kim loại trong quý 3/2021, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga. Nhập khẩu của Nga trong cùng kỳ đạt 90 tỷ USD. Vì vậy, bao gồm tất cả các mặt hàng xuất khẩu, quốc gia này đang có thặng dư khổng lồ, khoảng 40 tỷ USD trong quý.