Home Việt Nam Tiến trình bang giao Vatican – Việt Nam ‘vẫn chưa có gì’

Tiến trình bang giao Vatican – Việt Nam ‘vẫn chưa có gì’

Trần Đại Quang và Giáo hoàng Francis
Nghe đọc bài

Một linh mục bình luận, với việc hy sinh đặc quyền bổ nhiệm Giám mục, Giáo hội đã cho phép nhà cầm quyền cộng sản xen vào công việc nội bộ, nhất là nắm quyền chủ động trong công việc quan yếu nhất là chọn người lãnh đạo Giáo hội. Điều đó không chỉ làm cho Giáo hội bị động, dễ bị kiểm soát, làm mất đi những năng động thừa sai, mà còn chấp nhận đánh đổi thứ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền tự do tôn giáo để đổi lấy một “tình hữu nghị viển vông”.

Việt Nam và Vatican, về cơ bản, đã đạt được thỏa thuận theo đó “Hà Nội sẽ cho phép Vatican có một Đại diện Thường trú tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, cần biết rằng, để đạt được thỏa thuận này, Tòa thánh đã phải kiên trì theo đuổi đường lối “đối thoại” với chính quyền Việt Nam suốt 33 năm qua, chấp nhận chạy theo chính sách ngoại giao “đu dây”, “nhỏ giọt” của nhà cầm quyền Việt Nam, vì lợi ích của đảng Cộng sản Việt Nam nhiều hơn là của người dân Việt Nam.

Kết quả của một quá trình dài tốn nhiều công sức “đối thoại” cũng chỉ là những “thỏa thuận” một cách “nhỏ giọt” mà quyết định cuối cùng vẫn là chính quyền Việt Nam “cho phép Tòa thánh” mới được phép cử đại diện của Tòa Thánh đến Việt Nam.

Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

Phải mất 20 năm “đối thoại” và phải trả nhiều giá đắt, kể cả việc loại bỏ Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt (ngày 13/5/2010) ra khỏi chức vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Tòa thánh mới được phép “cử Đại diện” nhưng không được thường trú tại Việt Nam và phải mất thêm 13 năm để nâng cấp “mối quan hệ ngoại giao” giữa Tòa Thánh và Việt Nam từ cấp độ “Đại diện không thường trú” thành “Thường trú”, với điều kiện “Tòa Thánh không được đòi lại Tòa Khâm sứ” mà phải chuyển Văn phòng Đại diện đi nơi khác.

Ngoài ra, nhà cầm quyền Việt Nam phải được duyệt quy chế hoạt động của Văn Phòng Đại diện của Tòa Thánh.

Điều dễ nhận thấy và là điểm mấu chốt, đó là để “được phép cử một Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam” Giáo hội đã phải trả giá rất nhiều, đặc biệt phải hy sinh đặc quyền bổ nhiệm các giám mục được qui định tại Điều 377, khoản 5, trong Bộ giáo luật, quy định: “Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám mục”.

Với thỏa thuận nêu trên, thì “Nhà nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm.”

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ (phải) của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bị cấm xuất cảnh vào tháng 10/22 khi ông làm thủ tục bay sang Mỹ để gây quỹ giúp cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa

Trong thực tế, với việc hy sinh đặc quyền bổ nhiệm Giám mục, Giáo hội đã cho phép nhà cầm quyền cộng sản xen vào công việc nội bộ, nhất là nắm quyền chủ động trong công việc quan yếu nhất là chọn người lãnh đạo Giáo hội, điều đó không chỉ làm cho Giáo hội bị động, dễ bị kiểm soát, làm mất đi những năng động thừa sai, mà còn chấp nhận đánh đổi thứ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền tự do tôn giáo để đổi lấy một “tình hữu nghị viển vông”.

Việc “Tòa thánh được phép cử một vị Đại diện Thường trú” xét về phương diện ngoại giao, hai bên mới chỉ đạt được thỏa thuận ở cấp độ nhỏ nhất, theo đó, vị Đại diện Thường trú chỉ có vai trò liên lạc giữa Tòa Thánh và nước sở tại về phương diện phụng tự.

Nói cách khác, tiến trình bang giao Vatican – Việt Nam vẫn chưa có gì. Bao lâu, Tòa Thánh chưa có vị Sứ Thần Tòa Thánh (đại sứ Tòa thánh) tại Việt Nam, thì tiếng trình bang giao vẫn chưa xong. Trong khi, với chính sách ngoại giao “đu giây”, “nhỏ giọt” như hiện nay, có lẽ, Tòa thánh sẽ còn phải “mất nhiều”, và không biết tới bao giờ hai bên mới có thể “thiết lập quan hệ ngoại giao” trong khi điều quan trọng nhất, là quyền tự do tôn giáo thì Tòa Thánh đã chính thức chối từ.

Nhìn tổng thể, trong suốt 33 năm Tòa Thánh chủ trương hy sinh các đặc quyền để “đối thoại”, với mong ước thiết lập bang giao Việt – Vatican, thì có vẻ như, chỉ có Vatican mong, còn Việt Nam chưa bao giờ muốn, trừ khi Trung cộng bật đèn xanh!

Nguyễn Ngọc Nam Phong

Exit mobile version