Thuộc cấp kêu gọi Đảng cho Trịnh Văn Quyết tại ngoại

Đặng Tất Thắng (trái) và Trịnh Văn Quyết

Người thay ghế Trịnh Văn Quyết và cũng vừa từ nhiệm sau bốn tháng, viết lá thư thống thiết “mong Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét có cơ chế cho những người sai phạm về án kinh tế được khắc phục bằng kinh tế và cơ hội tại ngoại để chứng minh làm lại, tiếp tục cống hiến cho đất nước”. 

Ông Đặng Tất Thắng, cựu CEO hãng hàng không Bamboo Airways và chủ tịch tập đoàn FLC vừa gửi tâm thư về việc từ nhiệm hai vị trí mà ông thay ông Trịnh Văn Quyết khi vị tỷ phú bị bắt hồi cuối tháng Ba.

Đáng lưu ý, phần lớn tâm thư của ông Thắng được dành để ca ngợi Trịnh Văn Quyết: “Anh Quyết đối với tôi là một người kỳ tài của đất nước, tôi may mắn được có một người sếp, người thầy, người anh như anh trong suốt những năm làm việc qua tại FLC.

“Nhân vô thập toàn”, anh cũng có những sai sót của riêng mình và giờ đây đang phải trả giá cho những việc đó. Tuy nhiên, mong xã hội và dư luận nhìn nhận công tâm về những việc anh làm và đóng góp cho đất nước: biến những vùng đất khô cằn và bị bỏ quên trở thành những điểm sáng về du lịch và kinh tế, tạo ra Bamboo Airways để mang giấc mơ bay tới với nhiều người Việt Nam hơn, và mang làn gió mới về tiêu chuẩn dịch vụ hàng không cũng như sự tử tế, tận tâm với khách hàng.

Một con người như vậy đâu có lý do gì để bị cách ly với Xã hội! Kính mong Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét có cơ chế cho những người sai phạm về án Kinh tế được khắc phục bằng Kinh tế và cơ hội tại ngoại để chứng minh làm lại, tiếp tục cống hiến cho đất nước. Tôi sẽ chờ ngày được đón anh trở về!”

Đây là lần hiếm hoi có một thuộc cấp của tỷ phú Quyết lên tiếng kêu oan cho sếp. Hiện chưa rõ lời khẩn cầu của ông Thắng có thành hiện thực hay không. Tuy vậy, theo giới quan sát, khả năng cho ông Quyết tại ngoại gần như là zero.

Trịnh Văn Quyết, cùng với Phạm Nhật Vượng, được coi là “tư bản đỏ”, làm giàu nhờ quan hệ thân hữu với giới chức CSVN
“Lấp kế sinh nhai không biết bao nhiêu người dân Việt Nam”
Thời điểm Trịnh Văn Quyết bị bắt, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ bình luận: “Quyết quê ở Vĩnh Phúc, lang thang từ nhỏ kiếm ăn, sau đó vào miền Nam kiếm miếng cơm manh áo, rồi kinh doanh nhỏ, rồi ra Hà Nội học Luật, khởi nghiệp chính thức từ năm 2008 với số vốn 18 tỷ đồng, nhưng sau đó Quyết móc nối với một nhân vật quan chức trung ương, và bảo lãnh cho Quyết vay được 105 tỷ nhân dân tệ từ ngân hàng công ICBC (Ngân hàng Công thương Trung Quốc) do chính quyền Bắc Kinh chủ quản.
Khi được sự yểm trợ từ ngân hàng “nước lạ”, cũng là lúc thanh thế của Quyết lên gần như tuyệt đối. Quyết muốn lấy đất có quan chức trải thảm cho Quyết đi, thiếu tiền Quyết vay ngân hàng cả Trung Quốc hay của Việt Nam, cứ thế mà từ Bắc vào Nam nơi đâu có vị trí đắc địa, kể cả chiến lược an ninh quốc phòng Quyết cũng lấy cho kỳ được.
Trong một báo cáo của Bộ quốc phòng gửi lên quốc hội, ít nhất là hai lần nói rằng, Việt Nam bị mất 162.000 hécta đất biên giới và ven biển, nhưng Bộ Công an và bộ Tài nguyên – Môi trường đều phớt lờ báo cáo không dám trả lời hoặc là im lặng, không ai biết 162k hecta đất đó có bao nhiêu đất mà từ các dự án của Quyết?
Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kontum, Phú quốc…. và rất nhiều địa phương của Quyết đi tới, Quyết đều lấy đất không chỉ vài hecta mà toàn hàng ngàn trở lên. Gây bao nhiêu ai oán ngút trời với người Dân ở đó vì ruộng vườn, nhà cửa của họ đều bị chính quyền tịch thu, nhiều bi kịch trên đất nước này, máu và nước mắt của người dân đều ít nhiều có tên FLC. Quyết có thể san núi, lấp biển, lấp cả kế sinh nhai không biết bao nhiêu người dân Việt Nam.”

Bài liên quan

‘Hết Trịnh Văn Quyết này thì sẽ đến Trịnh Văn Quyết khác’

Trịnh Văn Quyết bị bắt có phải vì ‘thao túng chứng khoán’?