Thực phẩm rơi và bạn “chỉ có năm giây” để nhặt lại ăn!

Nghe đọc bài

Thực phẩm rơi xuống sàn thường được cho là an toàn trong khoảng thời gian năm giây theo một qui tắc bất thành văn gọi là “qui tắc năm giây” (five second rule). Nói rõ hơn là chúng ta có thể lượm chúng lên và ăn lại trong vòng năm giây. Nhưng qui tắc này có thật sự đúng?

Không phải năm giây mà ba giây trước khi… con chó chạy đến!

Bạn làm rơi chiếc bánh chocolate đang ăn dở xuống sàn và bạn tự hỏi là có bao nhiêu vi khuẩn được thêm vào miếng bánh ngon lành của bạn! Khi cầm chiếc bánh lên và không thấy có dấu hiệu nhiễm bẩn, bạn bình thản đưa nó vào miệng và ăn ngon lành. Hơn nữa, sàn nhà bếp rất sạch và chocolate tiếp cận với mặt sàn không quá năm giây, tức là an toàn, nếu bạn tin vào “qui tắc năm giây” (five second rule) – không rõ xuất phát từ đâu nhưng khá phổ biến tại các nước phương Tây.

Nhưng qui tắc này có ổn không? Và có đúng là thức ăn bị rơi xuống sàn chúng ta có thể nhặt lên và ăn thoải mái nếu nó không nằm dưới sàn quá năm giây? Còn nếu chúng ta đưa vào miệng hàng đống vi khuẩn có hại không nhìn thấy được thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Khi đem qui tắc này ra hỏi Adam Harmsworth, một nhà vệ sinh dịch tể nhiều kinh nghiệm, ông trả lời: “Chắc chắn là tất cả vi khuẩn và và các thể sống gây nhiễm đều bị chi phối bởi qui luật thời gian. Năm giây là thời gian hợp lý”.

Nhưng khi hỏi Gary Burch, một nhà vệ sinh dịch tễ khác, ông rút cột mốc kia xuống còn ba giây, tức là thời gian ông nghĩ là vừa đủ để vi khuẩn không thể xâm nhập vào thực phẩm bị rơi. Ông đưa ra lý do hoàn toàn không liên quan gì đến vi khuẩn: “Ba phút là thời gian trung bình từ lúc bạn làm rơi thực phẩm xuống sàn cho đến lúc… con chó chạy đến cướp nó!”. Nói chính xác, Burch rút thời gian an toàn xuống còn số 0! “Theo tôi, không có vi khuẩn nào nằm phục sẵn dưới sàn nhà, chờ thực phẩm bị rơi là nhảy phóc lên nó” – Manuel Rodriguez nói. Ông là một tiến sĩ “đáng thương” khi không tin vào “qui tắc năm giây”.

Số khác khẳng định “cái gì đã rơi khỏi miệng thì nên đi thẳng đến thùng rác”. “Chúng ta đang nói về phần ngàn giây để vi khuẩn có thể đi vào thực phẩm vừa rơi xuống sàn – Jon Bedet nói – Vì vậy qui tắc năm giây nên được thay bằng… số không”. Sinh viên Lane Jasper dí dỏm hơn khi nói: “Vất đi hay ăn lại thực phẩm rơi được quyết định bởi giá trị của thực phẩm đánh rơi và mức độ đói no của bạn. Nếu thực phẩm đắt và bạn đang đói thì qui tắc năm giây là quá xa xỉ; còn nếu bạn no thì không có giây nào cả! Thời gian không có chỗ đứng trong ‘tai nạn’ này mà là túi tiền và cái bụng của bạn”.

Minh họa: Sarah Kilian/Unsplash

Không có cơ sở khoa học

Để giải quyết các quan điểm khác nhau, một nhà báo đã đặt câu hỏi trực tiếp cho các nhà vi khuẩn học với hy vọng sẽ có câu trả lời chính xác hơn: “Chúng ta có nên ăn lại bánh mì nướng, bánh pizza hay kẹo bơ sau khi chúng rơi xuống sàn?”.

Trước khi đi vào câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét một số yếu tố. “Thật ra thì không có vi khuẩn nào phục sẵn trên mặt sàn để chờ cơ hội nhảy vào thức ăn đánh rơi mà chúng ta sống chung hàng ngày với ‘biển’ vi khuẩn. Chúng thoải mái đi vào cơ thể theo đường thở. Vi khuẩn ở khắp nơi chứ không chỉ trên sàn. Cho dù bạn vừa sát trùng nhà bếp, lau sạch sàn nhà thì vi khuẩn vẫn hiện diện” – nhà vi khuẩn học Adam Taylor nói.

Jack Gilbert, nhà sinh học vi khuẩn tại Đại học Chicago ở Illinois (Mỹ) có ý kiến khác: “Khoa học không hề có qui tắc năm giây dành cho thực phẩm rơi xuống sàn. Nếu thực phẩm tiếp cận với bề mặt chỉ một phần triệu giây, vi khuẩn đã có thể đi vào nó. Uế nhiễm là không tránh khỏi. Thực phẩm bị bẩn ngay khi vừa rơi xuống sàn và vi khuẩn có trong vết bẩn. Chỉ có điều là bạn không nhìn thấy mà thôi”.

Ông nhấn mạnh: “Theo một nghiên cứu năm 2015 thì bất cứ lúc nào cũng có khoảng 9,000 loại vi sinh vật sống chung với bụi bặm, trong đó có 7,000 loại là vi khuẩn. May mắn, đa số vô hại. Vi khuẩn có trong môi trường 24/24 giờ, trên tay, trên mặt và tại bất cứ nơi nào. Chúng ta thường xuyên nhận vi khuẩn qua da và qua hơi thở. Bạn không thể ẩn nấp trước sự tấn công của vi sinh vật. Đó là điều tuyệt đối đúng. Nói văn chương, vi khuẩn sống với chúng ta như bóng với hình. Trốn vi khuẩn là điều không tưởng, Vì vậy, nếu bạn đánh rơi miếng bánh đang ăn dở thì đừng có nhặt lên”.

Các nhà nghiên cứu còn đưa ra một hình ảnh dễ hiểu hơn: Tính trung bình, mỗi người chúng ta đưa 38 triệu tế bào vi khuẩn vào môi trường mỗi giờ! Con số thật khủng khiếp. Gilbert nói: “Đã hơn 100 năm qua, chúng ta được bảo vi sinh vật là nguy hiểm và cần giết chết tất cả chúng nó. Chúng ta cũng bị ám ảnh quá nhiều về nhiễm bẩn dù chúng ta không biết vi khuẩn nào là xấu, vi khuẩn nào là tốt khi chúng đi vào cơ thể, lan truyền mầm bệnh”. Nhưng Gilbert khẳng định ông sẽ ăn thực phẩm vừa rơi nếu chắc chắn là nó rơi xuống một nơi an toàn. Còn nếu nó rơi xuống một chỗ trông có vẻ bẩn thì đừng ăn. Ông nhấn mạnh: “Cần nhớ là không phải… liếm bất cứ nơi nào trong nhà cũng bị nhiểm khuẩn, kể cả sàn nhà hay tấm lót bồn cầu! Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trong mọi tiếp xúc nếu trong nhà có người bệnh hay chúng ta đi vào một đất nước sống thiếu vệ sinh”.

Minh họa: Pablo Merchán Montes/Unsplash

Vi khuẩn không đáng sợ như bị qui chụp

Rõ ràng, con người không thể dựng lên rào chắn với thế giới vi khuẩn (cho dù bạn giữ sạch sẽ tuyệt đối cho ngôi nhà và con cái mình) mà vấn đề là cách tiếp cận với vi khuẩn trong từng môi trường và điều kiện khác nhau. Mầm bệnh bao giờ cũng lảng vảng trong sinh hoạt và lao động hàng ngày. Nếu vi khuẩn độc hại phủ sẵn trên sàn thì nó cũng có thể có ở nơi khác trong nhà, trên kệ bếp hay tay nắm cửa chẳng hạn. Nếu sàn nhà bạn có vi khuẩn Salmonella thì chắc chắn thức ăn đánh rơi cũng sẽ có nó, không phải năm giây mà nhanh hơn rất nhiều.

Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy, nguy cơ thực phẩm đánh rơi nhiễm khuẩn trong năm giây là thấp hơn so với một phút, nhưng không ai có thể đoán trước được điều gì xảy ra mà chỉ có… vi khuẩn mới có thể trả lời câu hỏi này. Trên thực tế, tiếp xúc với vi khuẩn tốt cũng có nhiều lợi ích. Sạch sẽ quá không thể giúp bạn thoát được bệnh tật. “Tiếp cận với vi khuẩn là tốt trừ khi nơi bạn tiếp cận đang có dịch bệnh liên quan đến vi khuẩn. Con người tiến hóa cùng lúc với vi khuẩn. Theo tôi thì chỉ nên tránh ăn thức ăn bị rơi nếu ta có cảm giác nó thiếu an toàn” – bà Katherine Amato thuộc Đại học Northwestern University ở Illinois nói.

Những nhà nghiên cứu như Amato ngày càng tin rằng vi khuẩn có vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của các loài trên Trái đất. Trẻ con đã tiếp cận với vi sinh vật và vi khuẩn từ lúc còn rất nhỏ. Chúng thích chơi đùa tại những nơi có đất, cát. Quần thể vi khuẩn vây quanh trẻ con sẽ nhiều bằng người lớn khi chúng lên hai. “Chính vi khuẩn có trên thực phẩm đã giúp trẻ phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh – Amato nói – Vì vậy trẻ ăn… vi khuẩn là điều tốt”. Natalie Henning bổ sung: “Chúng ta không thể xây dựng được một hệ miễn dịch tốt nếu chúng ta sống trong một quả cầu kháng khuẩn. Nói cách khác, qui tắc năm giây là vô căn cứ. Nếu bạn thật sự sợ vi khuẩn thì việc tuân thủ qui tắc trên sẽ không giúp bạn thoát khỏi bệnh tật. Vì vậy, hãy cứ thoải mái ăn những thứ vừa rớt xuống sàn nếu bạn cảm thấy sàn là sạch”.

Theo SGN