Home Thế Giới Thủ tướng Nhật cảnh báo ‘Đông Á có thể là Ukraine tiếp...

Thủ tướng Nhật cảnh báo ‘Đông Á có thể là Ukraine tiếp theo’

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 10/6
Nghe đọc bài

Việc Nga xâm lược Ukraine khiến Thủ tướng Kishida cảnh báo “Đông Á có thể là Ukraine tiếp theo”.

Tại Đối thoại Shangri-La, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định thông điệp đề cao trật tự dựa trên luật lệ trong bối cảnh sự ổn định và an ninh có nguy cơ bị hành động đơn phương phá vỡ.

Thủ tướng Nhật 18 lần nhắc đến hai chữ “luật lệ” trong bài phát biểu hôm 10/6 tại hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La.

“Luật lệ phải được tôn trọng. Kể cả khi chúng trở nên bất tiện, không một ai được phép hành động như thể luật lệ không tồn tại, và cũng không một ai được phép đơn phương thay đổi luật lệ”, vị thủ tướng khẳng định. “Nếu muốn thay đổi chúng, ta cần có sự đồng thuận mới”.

Bất chấp khoảng cách hơn 8.500 km giữa Singapore và Ukraine, việc Nga xâm lược Ukraine được Thủ tướng Kishida lấy làm minh chứng cho thấy nguy cơ đối diện trật tự quốc tế.

“Không một nước hoặc khu vực nào trên thế giới có thể nhún vai cho rằng cuộc chiến  này là ‘chuyện của người khác’”, ông nói. “Nó là tình thế làm lung lay chính nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“Trước khi Nga xâm lược Ukraine, nhận thức của các nước về an ninh đã thay đổi mạnh mẽ trên khắp thế giới”.

Thủ tướng Kishida chỉ ra rằng Đức đang thay đổi chính sách an ninh bằng cách tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập nhiều năm để nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO.

“Bản thân tôi có cảm giác rằng Đông Á ngày mai có thể giống Ukraine hôm nay. “Với tư cách thủ tướng, tôi cách trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản, đồng thời đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực”.

“Liệu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà chúng ta xây dựng thông qua nỗ lực, đối thoại và đồng thuận có được giữ vững? Hay chúng ta sẽ trở lại là thế giới vô pháp, nơi luật lệ bị phớt lờ và xâm phạm, hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực được chấp nhận, và nước mạnh cưỡng ép nước yếu bằng quân sự hoặc kinh tế?”, Thủ tướng Kishida nói. “Đó là lựa chọn chúng ta phải đưa ra ngày hôm nay”.

Kishida
Khu trục hạm trực thăng Izumo của Nhật Bản

8 năm trước tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó Shinzo Abe cũng có bài phát biểu trước hàng trăm đại biểu, gồm nhiều quan chức quốc phòng và chính sách cấp cao tới từ nhiều nước.

“Lời kêu gọi tôn trọng luật lệ và thái độ phản đối hành vi thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là những thứ có thể được trông thấy ở cả hai bài phát biểu”, phó giáo sư Lionel Fatton, chuyên nghiên cứu về quan hệ an ninh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Đại học Webster, Geneva,nhận định.

Nhưng điều khác biệt đáng chú ý là vai trò của Nhật Bản được đẩy lên hàng đầu trong phát biểu của Thủ tướng Kishida.

“Năm 2014, ông Abe nói về việc Nhật Bản là người chủ động đóng góp cho hòa bình. Ngay từ khi đó, ông Abe đã cố đưa Nhật Bản trở thành nước tham gia tích cực vào khu vực”, ông Fatton nói.

“Nhưng trong phát biểu của ông Kishida, điều này được thể hiện rõ hơn. Nhật Bản muốn tham gia cực kỳ tích cực, có thể là giữ vai trò dẫn dắt trong việc điều hòa các mối quan hệ quốc tế trong khu vực”, ông Fatton nhận định.

Bài phát biểu của ông Kishida cũng xoáy sâu vào an ninh kinh tế. Đây là điều gần như vắng bóng trong phát biểu năm 2014 của ông Abe hay của các nhà lãnh đạo khác từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La suốt 15 năm qua, theo ông Fatton.

Exit mobile version