Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn né câu hỏi về việc gia hạn đát vaccine 

Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế CSVN. Courtesy of VGP
Nghe đọc bài

Trong lúc công luận bất bình vì đã có bảy người chết và hơn 120 trẻ em ở Thanh Hóa nhập viện với dấu hiệu nặng sau khi chích vaccine ngừa COVID-19, thứ trưởng Y Tế CSVN né tránh câu hỏi của báo đảng về việc này.

Hôm 2/12/2021, trang Thông tin Chính phủ cho hay, tại cuộc họp báo, một phóng viên báo VietnamNet đặt câu hỏi: “Được biết hiện một số quốc gia có yêu cầu tiêu hủy vaccine quá hạn, còn ở Việt Nam lại đang gia hạn thời hạn sử dụng vaccine. Xin hỏi ngoài Việt Nam còn quốc gia nào đang gia hạn vaccine nữa không?”

Hơn 120 học sinh ở Thanh Hóa nhập viện sau khi được chích vaccine Pfizer, nhiều khả năng là lô vaccine “được nới đát”. Courtesy of Zing

Trả lời dông dài, né tránh vấn đề

Đáp lại câu hỏi của phóng viên, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế CSVN nói dông dài về việc gia hạn đát cho vaccine Pfizer thêm ba tháng ở Việt Nam “được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên” và việc này “đã được kiểm định khắt khe, đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả”. 

“Việc gia hạn vaccine Pfizer thực hiện theo quy định quốc tế, Việt Nam không tự gia hạn. Mọi vaccine về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu bởi WHO và đảm bảo hiệu quả khi sử dụng cho bệnh nhân,” ông Thuấn chốt hạ câu trả lời mà không đề cập đến những chi tiết mà phóng viên đặt ra.

Facebooker Trần Hoàng Hải bình luận: “Thứ trưởng trả lời đúng như thông tin báo chí đã đăng nhiều, chỉ là còn thiếu ý mà phóng viên đã hỏi.

Thiển nghĩ vaccine gia hạn nên để tiêm chủng cho người lớn, không nên mang tiêm cho trẻ em.”

Cả ông Thuấn lẫn ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế CSVN đều không nhận trách nhiệm hoặc có động thái trấn an những phụ huynh có con em đang được chích ngừa vaccine “nới đát”.

Việc chích vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh gần như là bắt buộc, các phụ huynh đều phải ký giấy đồng thuận nếu không muốn con họ bị đình chỉ việc học. Courtesy of VnExpress

“Có dấu hiệu nặng nhưng hiện không nguy kịch”

Trong khi đó, theo VnExpress, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thanh Hóa ghi nhận hơn 120 học sinh nhập viện sau khi được chích vaccine Pfizer. 17 em trong số này được mô tả “có dấu hiệu nặng nhưng hiện không nguy kịch”.

Sự việc khiến nhà chức trách phải dừng tiêm lô vaccine này.

Trong lúc tiêm, một số học sinh có dấu hiệu buồn nôn, khó thở, sốt cao… Một số em khác có triệu chứng co giật nên được chuyển viện. 

Nguyên nhân chính thức về các trường hợp phản ứng này chưa được hội đồng chuyên môn tỉnh Thanh Hóa công bố.

Tuần trước, Thanh Hóa đã xảy ra sự cố tai biến sau tiêm vaccine Sinopharm cho người lớn. Hơn 70 công nhân nữ Công ty Giày Kim Việt ở huyện Nông Cống bị “phản ứng quá mức” sau tiêm phải nhập viện cấp cứu, 4 người sau đó tử vong. 

Trong một tuần qua, bốn học sinh ở Bắc Giang phản vệ sau tiêm vaccine Pfizer, trong đó 2 trường hợp nặng và một em đã chết. Cùng thời điểm, một học sinh ở Hà Nội và một bé trai 12 tuổi ở Bình Phước chết sau một ngày tiêm vaccine. Các trường hợp này được hội đồng chuyên môn đánh giá là “phản vệ độ 4” (cơ thể phản ứng quá mức với vaccine).

Đến nay, 34 tỉnh thành ở Việt Nam đã tiêm vaccine Pfizer cho hơn 3,5 triệu trẻ 12-17 tuổi. 

Không có chỉ dấu nào cho thấy sẽ cuộc điều tra độc lập về cái chết của bốn người lớn ở Thanh Hóa và ba trẻ em ở Hà Nội, Bình Phước và Bắc Giang.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn