Home Thế Giới Thông điệp đối trọng mà Bộ Tứ gửi đến Trung Quốc

Thông điệp đối trọng mà Bộ Tứ gửi đến Trung Quốc

Từ trái qua: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ ở Tokyo ngày 24/5
Nghe đọc bài

“Tất cả những cáo buộc của Bộ Tứ đều nhắm tới Bắc Kinh, dù không đề cập đến Trung Quốc”, giới quan sát nhận định.

Không nhắc đến Trung Quốc trong các tuyên bố, nhưng các sáng kiến và thông điệp mà Bộ Tứ đưa ra đều nhắm tới Bắc Kinh, theo giới chuyên gia.

Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, ngày 24/5 ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, trong đó cam kết hợp tác giám sát các vùng biển và lên kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia đánh giá hầu hết các sáng kiến mới được đưa ra tại hội nghị đều nhằm định vị Bộ Tứ như một đối trọng hiệu quả trước nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.

“Nhóm Bộ Tứ đang hướng tới một chương trình nghị sự mang tính xây dựng cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói trong phát biểu khai mạc hội nghị. “Bộ Tứ đã tạo dựng được vị thế quan trọng trên trường quốc tế trong thời gian rất ngắn, đồng thời phạm vi cũng như sức ảnh hưởng của nhóm đang không ngừng được mở rộng”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố các biện pháp mới nhất mà nhóm Bộ Tứ đưa ra trong tuyên bố chung nhằm thể hiện cam kết “mang lại những lợi ích hữu hình cho khu vực” giữa bối cảnh toàn cầu nảy sinh nhiều thách thức sâu rộng.

Bộ Tứ chưa làm rõ về kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong 5 năm tới, nhưng khẳng định sáng kiến này sẽ hướng tới thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng tại khu vực.

Nhóm còn cam kết nỗ lực giúp đỡ các nước ứng phó với vấn đề nợ theo Khuôn khổ Chung G20, đồng thời thúc đẩy “tính minh bạch và bền vững” trong các khoản nợ.

Những động thái này dường như nhằm vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn thường bị cáo buộc tạo ra bẫy nợ và xây dựng cơ sở hạ tầng không bền vững, theo Zaheena Rasheed, bình luận viên cấp cao về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương của Al Jazeera.

Các lãnh đạo Bộ Tứ còn cho biết họ “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng bao gồm “quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng tàu hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm, cũng như nỗ lực cản trở hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác”. “Tất cả những cáo buộc này đều nhắm tới Bắc Kinh, dù không đề cập đến Trung Quốc”, bình luận viên Rasheed nhận định.

Exit mobile version