Thông điệp “cầu hòa” của ông Tập quá muộn, Trung Quốc đã thành “mồi ngon” của liệt cường G7

Thông điệp hòa dịu với phương Tây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như chưa có sức nặng do thiếu hành động thực tế - theo cây viết Simon Tisdall của The Guardian.

Thông điệp được ông Tập đưa ra trong buổi “học tập tập thể” của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 1/6 được các nhà quan sát cho là tín hiệu Bắc Kinh muốn hàn gắn những rạn nứt với phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh giá trị của việc “xây dựng môi trường dư luận thuận lợi ở bên ngoài [Trung Quốc] và tăng cường truyền thông trong “tình hình mới” nhằm bảo đảm cho vị thế đi lên của Bắc Kinh, bên cạnh củng cố hệ thống phát ngôn hướng đến cải thiện hình tượng toàn cầu và ứng phó với những chỉ trích.

“Cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của những chuyên gia cao cấp, cũng như tận dụng các nền tảng như những hội nghị và diễn đàn quốc tế quan trọng, cùng với các phương tiện truyền thông chính thống ở nước ngoài để phát đi tiếng nói [của Trung Quốc],” ông nói với các Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Simon Tisdall nhận định, thay đổi trong thái độ của Trung Quốc sẽ không giúp “phá băng” quan hệ được nhiều, trừ khi những chính sách quyết liệt của nước này cũng điều chỉnh.

Sau khi ông Tập trở thành lãnh đạo cao nhất Trung Quốc từ cuối năm 2012, Bắc Kinh đã chứng kiến những thay đổi đáng kể với những chính sách mang “tính quyết đoán” mạnh mẽ hơn ở nước ngoài. Những cáo buộc nhằm vào hành động “bắt nạt”, “cưỡng ép” láng giềng của Trung Quốc ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông tăng lên.

Theo Tisdall, nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng không phải chính sách của ông có vấn đề, mà là do không được giải thích và truyền đạt một cách hiệu quả.

Trung Quốc phải mở rộng “vòng tròn bạn bè” của mình – ông Tập Cận Bình nói. “Các cơ quan tuyên truyền” phải làm cho tất cả mọi người hiểu rõ ràng rằng Bắc Kinh “không mong muốn gì hơn ngoài hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân Trung Quốc”.

Thông điệp cầu hòa của ông Tập quá muộn, Trung Quốc đã thành mồi ngon của liệt cường G7 - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình chủ trì phiên học tập của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 1/6 (Ảnh: Xinwen Lianbo)

Quân đội Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động tập trận nhằm gửi thông điệp cảnh cáo đến Đài Loan, trong khi Washington siết chặt liên hệ với hòn đảo này. Bắc Kinh cũng bất đồng với nhiều láng giềng xung quanh, từ Ấn Độ, Hàn Quốc đến Malaysia, Philippines hay Australia.

Một trong những thiệt hại rõ rệt nhất mà Trung Quốc hứng chịu là việc Nghị viện Châu Âu (EP) ngày 20/5 thông qua với số phiếu áp đảo nghị quyết về đóng băng nỗ lực phê duyệt Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Bắc Kinh và EU đã đàm phán về CAI trong suốt 6 năm ròng, trước khi đạt được thỏa thuận vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, căng thẳng song phương bùng lên sau đó với những cáo buộc của phương Tây nhằm vào vấn đề Tân Cương, kéo theo các đòn cấm vận lẫn nhau giữa đôi bên.

“Vấn đề hiện nay là giả sử ông Tập thực sự suy nghĩ lại thì điều này có thể đã quá muộn màng,” Tisdall viết trên The Guardian hôm 6/6. “[Căng thẳng phương Tây-Trung Quốc] đã đạt tới điểm giới hạn. Nhân nhượng đối với sự thô lỗ của Trung Quốc đã kết thúc.”

Trung Quốc “thống trị” nghị trình thượng đỉnh G7

Tác giả Simon Tisdall cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden “mắc kẹt” với đường lối cứng rắn với Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump để lại và đang củng cố nó một cách ổn định. Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mở màn tại Anh vào ngày 11/6 (giờ địa phương) sẽ tiếp sức cho ông.

Dù từng bác bỏ giả thuyết mà ông Trump đưa ra về nguồn gốc Covid-19 là “thuyết âm mưu”, ông Biden mới đây đã yêu cầu tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực điều tra triệt để nhằm xác định nguồn gốc virus corona SARS-Cov-2, bao gồm kịch bản virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Trung Quốc có thể không phải là thành viên G7, song nhiều khả năng sẽ “thống trị” nghị trình phiên họp trực tiếp đầu tiên của các lãnh đạo nhóm này sau gần 2 năm.

Nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi nhậm chức, ông Biden được cho là sẽ cố gắng thuyết phục các đồng minh đứng chung mặt trận với Washington trong lập trường cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh, liên quan đến các vấn đề về Hồng Kông, Tân Cương, biển Đông,…

Biden viết trên tờ Washingon Post hồi tuần trước rằng “nước Mỹ phải dẫn dắt thế giới từ vị thế sức mạnh”, bao gồm đối đầu với “những hoạt động gây nguy hại của Nga và Trung Quốc”.

Đã có những tín hiệu cho thấy một mặt trận thống nhất được lập nên. Trong tuyên bố chung hôm 10/6, Tổng thống Mỹ cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết ủng hộ cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19.

Thông điệp cầu hòa của ông Tập quá muộn, Trung Quốc đã thành mồi ngon của liệt cường G7 - Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/6, trước thềm thượng đỉnh nhóm G7 tại Cornwall, Anh (Ảnh: AP)

Sự ủng hộ từ Anh và nhiều khả năng từ các thành viên G7 khác sẽ gia tăng sức nặng cho nỗ lực tái kiểm tra nguồn gốc SARS-Cov-2. Trước đó, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 3 nói khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “rất thấp”.

Hội nghị G7 cũng được cho là sẽ chứng kiến sự ra mắt một giải pháp thay thế xanh mà ông Biden thúc đẩy để cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, với mục đích hỗ trợ phát triển bền vững ở các nước đang phát triển.

Australia, khách mời tại hội nghị, sẽ không bỏ qua cơ hội tìm kiếm ủng hộ từ phương Tây giữa bối cảnh bất đồng thương mại leo thang với Bắc Kinh. Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 9/6 kêu gọi G7 ủng hộ cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm giải quyết vấn nạn lạm dụng các biện pháp “cưỡng ép kinh tế”.

Liên minh mới nổi này có thể sẽ gây thêm bất lợi cho Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/6 lên án kế hoạch tập hợp các đồng minh chống Trung Quốc của ông Biden là “kích động đối đầu”.

Trong khi các quốc gia G7 có thể đang hướng tới một mặt trận thống nhất nhằm vào Trung Quốc, thì vẫn còn phải xem liệu các nước có sẵn sàng mạo hiểm làm tổn hại quan hệ song phương với Bắc Kinh hay không.

Một số nhà quan sát Trung Quốc bày tỏ tự tin trên Thời báo Hoàn Cầu rằng sự “chia rẽ căn bản” trong nhóm G7 về vấn đề Trung Quốc sẽ “ngăn cản họ đưa ra bất kỳ động thái đáng kể nào”.

Thế giới bắt đầu khôi phục sau đại dịch Covid-19, và nhiều nước phương Tây vẫn phụ thuộc vào thị trường cùng nguồn vốn đầu tư Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh cũng không ngần ngại tận dụng “đòn bẩy” này.

Một ngày trước thượng đỉnh G7, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đạo luật phản cấm vận, nhằm chứng minh những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ bị đáp trả tương xứng.

Theo Soha