Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần Pakistan để tiếp cận công nghệ quân sự Trung Quốc

Quan chức chính phủ và quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức đối thoại thường kỳ với những người đồng cấp Pakistan, lần gần đây nhất là vào tháng 1, về phát triển và sản xuất thiết bị quân sự. Những nhân vật này chưa công bố thời điểm gặp lại hoặc tiến trình đến với một thỏa thuận.

Một thỏa thuận giữa Ankara và Islamabad có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với một số công nghệ quốc phòng Trung Quốc. Pakistan đã phối hợp cùng Trung Quốc để phát triển chiến đấu cơ JF-17. Ngoài ra, Pakistan còn tuyên bố đã học hỏi thiết kế từ Trung Quốc để áp dụng cho tên lửa đạn đạo Shaheen của nước này.

Hãng Bloomberg (Mỹ) dẫn nguồn thạo tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận Pakistan là đối tác chiến lược và tiềm năng trong phát triển dự án phòng thủ tên lửa tầm xa Siper và chiến đấu cơ TF-X.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ca ngợi tiềm năng hợp tác với Pakistan về các dự án quốc phòng. Lãnh đạo quốc phòng cấp cao của hai quốc gia cũng gặp gỡ trong những tháng gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Mian Muhammad Hilal Hussain đã gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có người đồng cấp Hulusi Akar vào tháng 12/2020, để bàn luận về hợp tác quốc phòng.

Hai quốc gia từng hợp tác trong công nghiệp quốc phòng, bao gồm việc bắt tay sản xuất chiến hạm mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Pakistan.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tiếp cận công nghệ quốc phòng Trung Quốc có thể khiến Mỹ “nhíu mày”. Mỹ từng trừng phạt Ankara do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đồng thời ngưng không cho các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia phát triển chiến đấu cơ F-35.

Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) ngày 2/3 tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự tin hướng tới mục tiêu sở hữu công nghiệp quốc phòng độc lập với quyết tâm thiết kế, phát triển và sản xuất các hệ thống địa phương”.

Theo SOHA