Thế Vận Hội Paris 2024 và thách đố Covid-19

Nghe đọc bài

Tác động kinh tế vô cùng nặng nề của dịch Covid-19 đang khiến các nhà tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 rất lo ngại, nhất là khi họ nhìn thấy Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã bị dời lại đến năm tới mà vẫn chưa chắc có thể diễn ra.

rHiện giờ việc dời Thế Vận Hội Tokyo sang năm tới không ảnh hưởng gì đến Thế Vận Hội Paris, tức là sự kiện này sẽ vẫn diễn ra như sự kiến trong 4 năm nữa. Nhưng dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà tổ chức : sự chậm trễ của các công trình, hợp đồng với các công ty bảo trợ, ngân sách tổ chức.

Các công ty bảo trợ sẽ xét lại ?

Ngân sách của Thế Vận Hội Paris 2024 là 3,8 tỷ euro, gần như toàn bộ là từ các nguồn thu nhập như tiền của các công ty bảo trợ, tiền bán vé, phần đóng góp của Ủy ban Thế Vận Quốc Tế. Nguồn tài chính này không tránh khỏi những hậu quả của dịch virus corona, mà hiện đang tiếp tục tăng nhanh ở nhiều nơi và bùng phát trở lại ở những nơi khác.

Nhưng vấn đề không chỉ giới hạn ở ngân sách tổ chức Thế Vận Hội 3,8 tỷ euro, mà còn phải tính đến 3 tỷ euro tiền đầu tư cho các công trình lớn phục vụ cho sự kiện thể thao này, như Làng Olympic và Làng Báo Chí. Phân nửa vốn đầu tư là tiền của Nhà nước. Bao giờ cũng vậy, ngân sách dự kiến cho các dự án theo thời gian cứ dần dần tăng lên. Chẳng hạn như ngân sách dự kiến ban đầu cho trung tâm bể bơi Olympic ở Saint-Denis, một trong những công trình trọng điểm của Thế Vận Hội Paris 2024, là 113 triệu, nhưng đến cuối tháng Tư, tổng kinh phí cho dự án này đã được nâng lên thành 174,7 triệu.

Hiện giờ ban tổ chức vẫn tin là có thể thu được từ 1 đến 1,2 tỷ từ các công ty bảo trợ mặc dù đang có suy thoái kinh tế. Theo lời một thành viên hội đồng quản trị Paris-2024, các công ty bảo trợ sẽ không bỏ ra thêm đồng nào, mà chỉ cố gắng làm đúng như đã cam kết. Nhưng dự báo như thế hãy còn quá lạc quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều công ty đối tác của Thế Vận Hội Paris đang gặp khó khăn tài chính. Trong số các công ty này, một số đã dự trù bỏ ra hàng trăm triệu euro để tài trợ cho việc chuẩn bị và tổ chức Thế Vận Hội. Trong bối cảnh hiện nay, rất có thể họ sẽ xét lại sự cần thiết của khoản đầu tư này. Nếu như thế thì Ủy ban Tổ chức Paris 2024 sẽ bị mất một khoản thu đáng kể.

Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm

Trước những khó khăn về ngân sách, vào đầu tháng 5 vừa qua, chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 ( COJO), đứng đầu là ông Tony Estanguet, đã yêu cầu phải tìm đủ mọi cách để tiết kiệm trong các khoản chi tiêu « trong hậu trường » Thế Vận Hội ( phục vụ ăn uống, an ninh, giao thông), nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sự kiện thể thao này.

Mục tiêu đề ra là tiết kiệm được khoảng 10% tổng ngân sách, tức là từ 300 đến 400 triệu euro. Theo tất cả những người có liên quan, trả lời hãng tin AFP, có rất nhiều hướng để tiết kiệm, vì Thế Vận Hội và Thế Vận Hội người khuyết tật diễn ra tổng cộng 30 ngày ( 15 + 15 ) và ở nhiều địa điểm khác nhau : Saint-Denis ( Stade de France ), Paris (Trocadero, Concorde), Versailles (cưỡi ngựa), Marseille (thuyền buồm), cho đến Tahiti (lướt sóng).

Theo họ, có thể bớt kinh phí cho việc chuyên chở các vận động viên, các quan chức, cho việc tổ chức các sự kiện quần chúng… Trước mắt, khả năng tiếp đón của làng Olympic nay đã giảm từ 18.000 giường xuống còn 15.000.

Dự án metro bị chậm trễ

Trong số những hồ sơ nóng mà các nhà tổ chức Thế Vận Hội Paris phải giải quyết, còn có một vấn đề lớn khác: sự chậm trễ trong dự án xây các tuyến metro phục vụ cho sự kiện thể thao này.

Hôm 22/06/2020, Quốc vụ khanh đặc trách Giao Thông Jean-Baptiste Djebbari đã xác nhận rằng các tuyến metro tại Bourget, vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris, sẽ không thể được hoàn tất kịp cho Thế Vận Hội 2024. Theo công ty Grand Paris, công ty đảm trách các dự án của hệ thống metro Paris tương lai Grand Paris Express, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tuyến đang được xây sẽ bị chậm trễ từ 3 đến 8 tháng, và như vậy là một phần của hai tuyến 16 và 17 sẽ không thể được giao trước khi diễn ra Thế Vận Hội 2024. Các nhà tổ chức sẽ phải tìm các giải pháp thay thế để bảo đảm việc vận chuyển cho khu Olympic này, nơi sẽ diễn ra các cuộc tranh tài bắn súng và bóng chuyền, và cũng là nơi đặt trung tâm và Làng Báo Chí.

Làng Olympic, sẽ được giao vào năm 2023 theo lịch trình dự kiến, trên nguyên tắc sẽ không gặp vấn đề gì. Nhưng các công trình khác thì không thể bị chậm trễ nhiều tháng, như trường hợp của công trình Làng Báo Chí, sẽ được xây tại vùng ngoại ô phía bắc Paris. Làng này theo dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý 3 năm 2021 và phải được hoàn tất kịp thời để đón tiếp 20.000 phóng viên từ khắp thế giới. Nhưng ngay giữa lúc khủng hoảng dịch Covid-19, không ai dám bảo đảm là việc xây công trình sẽ diễn ra suôn sẻ. Hiện giờ không có công trình nào được thông báo là sẽ bị chậm trễ, tuy nhiên do dịch bệnh sẽ còn kéo dài, tình hình có thể thay đổi theo hướng bất lợi, đến mức đã có người dự trù đến khả năng … dời Thế Vận Hội Paris 2024. CIO đã dời Tokyo 2020, thì sao lại không thể dời Paris-2020 ?

Xét lại mô hình tổ chức Thế Vận Hội

Dịch Covdi-19 có lẽ cũng sẽ buộc Ủy ban Thế Vận Quốc Tế CIO suy nghĩ lại về mô hình tổ chức sự kiện thể thao này, mà lịch trình đã được quy định từ năm 1896 và vẫn bất di bất dịch cho tới nay.

Trên nhật báo thể thao l’Equipe ngày 26/06, ông Guy Drut, cựu vô địch Olympic môn chạy vượt rào 110 mét và hiện là một thành viên của CIO, cho rằng Thế Vận Hội nay đã trở thành một sự kiện « lỗi thời và tách rời thực tế ». Theo hướng « suy nghĩ lại mô hình », ông Guy Drut đề nghị nên hạn chế số bộ môn thể thao bổ sung, cũng như tính lại ngân sách tổ chức.

Tuy nhiên, hiện giờ CIO dường như tập trung nỗ lực để giải quyết những xáo trộn do việc dời Thế Vận Hội Tokyo 2020 sang năm tới, hơn là lo cho tương lai của Thế Vận Hội Paris 2024.

Trước mắt, trong cuộc họp tại điện Elysée ngày 08/07/2020, tổng thống Emmanuel Macron với chủ tịch CIO Thomas Bach và chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 đã đồng ý với nhau là trước cuối năm nay sẽ thẩm định các chi phí phát sinh từ dịch Covid-19 và sẵn sàng giảm bớt số vận động viên tham gia.

Theo RFI