Thầy Thích Nhất Hạnh ‘biến bộ kinh khô khan thành câu chuyện’

Lễ tâm tang Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang diễn ra tại chùa Từ Hiếu. Courtesy of VnExpress
Nghe đọc bài

Ý kiến của một nhà quan sát ở hải ngoại nói vị thiền sư vừa viên tịch “lấp chỗ trống đang thiếu sót của Phật giáo Việt Nam, biến những bộ kinh khô khan thành những câu chuyện và mỗi câu chuyện là một cách thực hành tu tập”. 

Lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang diễn ra tại chùa Từ Hiếu trong một tuần theo hình thức khóa tu im lặng.

Dự kiến sau lễ trà tỳ vào ngày 29/1/2022, tức 27 tháng Chạp, xá lợi thiền sư sẽ được an vị tại chùa Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai trên thế giới. Theo di nguyện của thiền sư, đệ tử sẽ không xây bảo tháp đặt lọ tro.

Trước lúc Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhập kim quan, tăng ni, phật tử được vào tịnh thất Lắng Nghe đảnh lễ, nhìn ngài lần cuối. Courtesy of VnExpress

“Một Phật giáo nhẹ nhàng, bỏ bớt phần nghi lễ mà thêm vào nhiều phần thi ca”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, bình luận: “Sư ông Thích Nhất Hạnh là một nhà tu hành, một nhà chính trị, một sử gia và một học giả. Sau khi những tranh cãi về ông lắng xuống như lớp bụi dần ngừng rơi theo thời gian, người ta sẽ nhận ra rằng di sản lớn nhất mà ông để lại cho người Việt đó là một lối tiếp cận Phật giáo theo kiểu mới, một Phật giáo nhẹ nhàng, đơn giản, bỏ bớt phần nghi lễ mà thêm vào nhiều phần thi ca, ứng dụng đi thẳng vào cuộc sống, và mang trong nó nhiều nét Tây hóa. 

Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người chống đối ông. Là một chính trị gia hoạt động vì hòa bình, chống chiến tranh ở Việt Nam, chắc chắn ông sẽ gặp nhiều sự chống đối. 

Nhưng, hãy đặt vị thế của bạn vào vị trí của ông ta, một lãnh đạo tôn giáo trong chiến tranh, một cách hiển nhiên, ông ta phải chống đối chiến tranh vì nó trực tiếp giết hại những đồng bào của mình, dù bên này hay bên kia. Phản đối chiến tranh do đó là một nghĩa vụ lương tâm bắt buộc đối với bất cứ một nhà tu hành nào. 

Nghĩa vụ lương tâm của những nhà tu hành nó khác với các toan tính chính trị mà những người lãnh đạo quốc gia thực hiện, và vì vậy mà ông bị cả hai phía chính quyền miền Bắc và cả miền Nam trước 1975 lên án. 

Đó là một điều dễ hiểu. Cho dù ông sống trong khoảng thời gian hơn trăm năm trước, chứng kiến cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, giữa nhà Nguyễn và chúa Trịnh, có lẽ với lương tâm của một nhà tu hành ông cũng sẽ lên tiếng đòi ngưng chiến tranh, và ông cũng sẽ nhận lại sự phản đối tương tự của cả hai bên. 

Việc cải cách Phật giáo của ông mà theo đó ông lập một pháp môn mới lấy tên Làng Mai cũng chắc chắn gặp nhiều sự chống đối của những Phật tử truyền thống. Việt Nam cho dù được cho là có hơn 50 dân tộc anh em nhưng người Kinh là một tộc người đa số. Văn hóa và suy nghĩ của người Việt từ Bắc tới Nam khá là tương đồng. 

Trong những quốc gia đồng nhất về văn hóa, những cải cách văn hóa rất khó diễn ra. Bởi trong một xã hội với văn hóa đồng nhất, người ta luôn muốn người khác giống mình, họ luôn cố gắng chống đối những thay đổi khác với niềm tin và nhận thức của mình. 

Đó là lý do mà người Việt sau khi đã du nhập Phật giáo từ Ấn Độ và biến nó thành một tôn giáo của mình thì sau đó chống đối lúc ngấm ngầm lúc kịch liệt đối với Thiên chúa giáo, một tôn giáo mà về mức độ tổ chức, sự văn minh, triết lý và tính nhân văn không thua Phật giáo, thậm chí có phần hơn. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng những cải cách về Phật giáo của thiền sư Thích Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai của ông gặp những chống đối là đương nhiên. 

Muốn biết sự cải cách Phật giáo của pháp môn Làng Mai có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ Tứ Diệu Đế, nền tảng của giáo lý Phật giáo. Tứ Diệu Đế bàn về bốn điều: khổ là gì; nguyên nhân của khổ; cách để tiêu trừ sự khổ; và cách thực hành để giải trừ sự khổ. 

Khổ ở đây nghĩa là phiền não, đó là những điều mà từ nhỏ đến lớn trong cuộc đời mỗi người ai cũng mắc phải và hầu như hằng ngày. Ăn ở không thoải mái cũng khổ. Đi học, làm việc vất vả cũng khổ. Bệnh tật cũng khổ. Si mê, cuồng vọng cũng khổ. Cô đơn trống rỗng cũng khổ…

Nguyên do của khổ bởi vô minh và ái dục. Vô minh nghĩa là tinh thần không sáng suốt, không làm chủ được bản thân. Ái dục gọi chung cho tham, sân và si. Tham nghĩa là ham muốn; khi ham muốn một điều gì đó mà không toại nguyện được thì khổ. Sân tức là bực giận; khi bực giận thì khổ. Si nghĩa là tâm không sáng suốt mê mờ, từ đó mà làm điều sai quấy dẫn đến khổ. 

Sau khi nhận chân được nguyên nhân của khổ. Giáo lý Phật giáo chỉ dẫn cách tu tập để kềm chế vô minh và ái dục, giải trừ sự khổ, đem lại an lạc, hạnh phúc cho tín đồ. 

Tăng ni, phật tử khắp nơi tìm về chùa Từ Hiếu. Courtesy of VnExpress

“Lấp chỗ trống đang thiếu sót của Phật giáo Việt Nam”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ chia sẻ thêm: “Tuy vậy, trong suốt một thời gian dài kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, người ta biết đến Phật giáo qua các nghi lễ thờ cúng tâm linh và tụng niệm nặng phần mê tín nhiều hơn là một Phật giáo minh triết dạy con người ta cách thực hành để đạt tới một trạng thái thân tâm bình ổn, đem lại hạnh phúc và an lạc. 

Nghĩ đến Phật giáo, người bình thường nhớ đến những câu kinh mà những nhà sư tụng niệm một cách trôi chảy, thuộc lòng, mà người ngoài chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì, hay những bộ kinh mà người đọc cho dù với một trí tuệ bình thường cũng không hiểu nỗi. 

Trong suốt gần hai ngàn năm, đạo Phật của Việt Nam đã tồn tại như thế. Trong đạo Phật Việt Nam nó tồn tại hai thế giới. Thế giới của một số rất ít những người nghiên cứu Phật học biết chữ nhưng diễn giải, trình bày những điều rất khó hiểu và một số đông tín đồ hầu như chỉ biết thực hành nghi lễ tôn kính đức Phật để cầu an cho thân tâm. 

Nó khác với Thiên chúa giáo hay Do Thái giáo khi mà những bộ kinh là những áng văn, gồm những câu chuyện được kể với giọng văn mạch lạc, súc tích mà trong đó có những điển tích kèm những bài học để bất cứ người nào cũng có thể đọc, hiểu và học theo. 

Đóng góp của thiền sư Thích Nhất Hạnh đó là lấp chỗ trống đang thiếu sót của Phật giáo Việt Nam. Ông biến những bộ kinh khô khan thành những câu chuyện và mỗi câu chuyện là một cách thực hành tu tập. 

Vì vậy mà có thể nói rằng ông “Tây hóa” Phật giáo Việt Nam trong cách diễn đạt. Nhờ đó mà những câu chuyện trong các cuốn sách của ông đi thẳng trực tiếp đến trái tim của những độc giả phương Tây, những người thích sự đơn giản, trực tiếp, sự minh triết, và tính hữu dụng. Có thể ví von rằng Phật giáo truyền thống dạy người dân cách tu thân như một cuốn sách dạy cách nấu ăn mà người muốn ăn phải vừa nghiên cứu sách xong vừa phải nấu. 

Còn thiền sư Thích Nhất Hạnh và pháp môn của ông huấn dạy Phật giáo như một người làm ra sẵn những gói mỳ ăn liền đủ hương vị, và người ăn chỉ cần phải bỏ thêm nước sôi. Trong cả hai cách, tín đồ cần phải thực hành để có thể cảm nhận được an lạc. 

Cách của thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp nhiều người bình thường, những người đầy bận rộn và lo toan, tiếp cận được Phật giáo và hưởng nhiều thành quả một cách nhanh chóng từ cách tu tập hơn. Đó là lý do mà những cuốn sách của ông cùng với pháp môn Phật giáo ứng dụng ngày càng được nhiều người biết đến.”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn