Thành công chống dịch của Đài Loan chọc giận Trung Quốc

Trong khi nhiều chính phủ đấu tranh đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của virus corona, Đài Loan dường như đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Vào tháng 1, hòn đảo tự trị với 23 triệu người đã cấm nhập cảnh đối với người đến đến từ các vùng của Trung Quốc đại lục. Ngay sau đó, tàu du lịch không thể cập bến ở đó nữa. Đến tháng 3, sản xuất khẩu trang trong nước cũng được tăng cường.

Tính đến sáng 18/5, Đài Loan đã ghi nhận 440 ca nhiễm và 7 ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Để so sánh, Australia – với dân số 25 triệu người – đã báo cáo hơn 7.000 ca nhiễm và 99 ca tử vong.

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch trong nước, Đài Loan đang ra sức vận động để có tiếng nói hơn trong các cuộc thảo luận về y tế toàn cầu. Mỹ, Nhật Bản và New Zealand đều lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham gia Đại hội Y tế Thế giới (WHA) vào đầu tuần này – cuộc họp thường niên của các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Và việc này đã chọc giận Trung Quốc, vốn luôn xem Đài Loan là một hòn đảo ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giành lại.

Hai cách chống dịch

Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh của họ và trong nhiều năm đã ngăn cản Đài Loan gia nhập các tổ chức toàn cầu, đồng thời từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.

Đài Loan, dù không phải thành viên WHO, đã tham gia WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến năm 2016. Đó là thời gian chính quyền Quốc Dân đảng (KMT), vốn có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh, nằm quyền tại Đài Loan.

kKi đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) giành được quyền lực vào năm 2016, quan hệ giữa Đài Loan với Bắc Kinh đã xấu đi đáng kể – và Đài Bắc đã không được tham gia WHA kể từ đó.

“Chúng tôi là một mắt xích không thể thiếu trong mạng lưới y tế toàn cầu”, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói trên Twitter tuần trước. “Nếu tiếp cận WHO nhiều hơn, Đài Loan sẽ có thể trợ giúp đắc lực hơn trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19”.

WHO duy trì quan điểm rằng chỉ các quốc gia thành viên mới có thể quyết định ai được tham gia cuộc họp WHA. Tổ chức này cũng bác bỏ cáo buộc rằng Đài Loan bị loại khỏi các cuộc thảo luận về virus corona, chỉ ra sự hợp tác với các nhà khoa học và quan chức y tế Đài Loan.

Dịch bệnh đã mang lại cho Đài Loan cơ hội hiếm có để nâng cao hình ảnh quốc tế. Phản ứng nhanh chóng và minh bạch của Đài Loan từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đã được coi là một điển hình về cách các nền dân chủ cũng có thể khống chế dịch bệnh.

Đài Loan cũng không áp dụng biện pháp phong tỏa hà khắc như nhiều quốc gia khác.

Binh sĩ phun thuốc khử trùng tại Tân Bắc, Đài Loan, hồi tháng 4. Ảnh: AP.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã phải đối mặt với những chỉ trích về việc xử lý dịch bệnh lúc đầu. Các quan chức địa phương bị cáo buộc bịt miệng những nhân viên y tế cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo về virus, đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và chậm trễ trong việc thừa nhận virus có thể lây từ người sang người trong giai đoạn đầu tối quan trọng.

Khi số ca nhiễm mới giảm ở Trung Quốc và gia tăng ở nước ngoài trong những tháng gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi thành công của Bắc Kinh trong việc đánh bại virus, cùng lúc nhấn mạnh thất bại của các chính phủ khác, đặc biệt là Mỹ và nhiều nước phương Tây.

Trước những lời khen ngợi dành cho Đài Loan, Trung Quốc đã cáo buộc Đài Bắc thúc đẩy việc chính thức độc lập, Bắc Kinh đồng thời tăng cường các cuộc tập trận quân sự quanh đảo. Thậm chí, đã có những lời kêu gọi bên trong Trung Quốc rằng nước này nên tranh thủ đại dịch để chiếm đóng Đài Loan.

“Đài Loan có thể giúp”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng trước cho biết Bắc Kinh đã cung cấp viện trợ y tế cho 127 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, đã gửi 13 đoàn chuyên gia y tế đến 11 quốc gia.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về động cơ đằng sau chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” này. Hồi tháng 3, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã cảnh báo về “yếu tố địa chính trị” trong việc thúc đẩy sức mạnh mềm của Bắc Kinh. Các rắc rối liên quan đến vật tư y tế kém chất lượng của Trung Quốc, từ các nhà cung cấp tư nhân, cũng đã tạo ra dư luận tiêu cực.

Trong khi đó, nỗ lực của Đài Bắc trong việc giúp đỡ các nước bị virus corona tấn công – theo khẩu hiệu “Đài Loan có thể giúp đỡ” – đã được đón nhận tốt hơn.

Tháng trước, cơ quan ngoại giao Đài Loan công bố việc tặng 10 triệu khẩu trang cho Mỹ, châu Âu và 15 đồng minh ngoại giao chính thức – chủ yếu là các nước ở Caribbean, Thái Bình Dương và châu Phi.

Lễ công bố tặng máy ảnh nhiệt cho các đồng minh Thái Bình Dương của Đài Loan hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Lễ công bố tặng máy ảnh nhiệt cho các đồng minh Thái Bình Dương của Đài Loan hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

“Trong lúc khó khăn, những người bạn thực sự sẽ gắn bó với nhau”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – người bị truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “kẻ thù của nhân dân” vì những chỉ trích không ngừng của ông đối với phản ứng của Bắc Kinh trong đại dịch – viết trên Twitter hồi tháng trước.

Ông nói sự “cởi mở và hào phóng” của Đài Loan trong cuộc chiến chống lại virus corona là “hình mẫu cho thế giới”.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng công khai cảm ơn Đài Bắc, nói rằng châu Âu đánh giá cao “cử chỉ đoàn kết”

Cải thiện vị thế

Cùng với việc quyên góp vật tư y tế, Đài Loan đã tìm cách phát triển các mối quan hệ đối tác song phương để chống lại đại dịch.

Hồi tháng 3, Mỹ và Đài Loan đã thông qua một tuyên bố chung cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác trong việc chống lại Covid-19, bao gồm phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm, vaccine, thuốc và công nghệ truy vết.

Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc coi đây là “hành động đáng khinh và là âm mưu chính trị khi lợi dụng đại dịch Covid-19 để giành độc lập”, cáo buộc Đài Bắc đã “dấn thân vào con đường đối đầu với tổ quốc một cách sai lầm”.

Một thỏa thuận tương tự giữa Đài Loan và Cộng hòa Czech vào tháng 4 cũng dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Và tại Ấn Độ, báo The Hindu cho biết Đài Loan đã đề xuất một kênh liên lạc thường xuyên với New Delhi để “đảm bảo sự sẵn sàng của các nguồn lực y tế”.

Bà Thái Anh Văn thăm một nhà máy sản xuất vải không dệt ở Đào Viên, Đài Loan, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Bà Thái Anh Văn thăm một nhà máy sản xuất vải không dệt ở Đào Viên, Đài Loan, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Ngoài hợp tác song phương, Đài Loan đã đẩy mạnh việc vận động để trở lại hội nghị thường niên của WHO.

Ngày 27/3, Mỹ đã thông qua luật ủng hộ Đài Bắc gia nhập các tổ chức quốc tế và cũng như ủng hộ nỗ lực của hòn đảo trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia thường cảnh giác về việc đi sai hướng với Bắc Kinh, như Nhật Bản, Canada và New Zealand, cũng đã công khai lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham gia WHA.

Hôm 11/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích New Zealand chỉ vì điều đó, kêu gọi họ “ngay lập tức ngừng đưa ra tuyên bố sai trái về Đài Loan, để tránh làm tổn hại quan hệ song phương giữa chúng ta”. Bắc Kinh đã gọi nỗ lực của Đài Bắc để tham gia WHA là “âm mưu chính trị”.

“Tại Mỹ, có những người ngang nhiên ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO”, người phát ngôn Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc cho biết vào tuần trước.

“Họ đang chính trị hóa các vấn đề phòng chống dịch bệnh và gửi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó”.

Tuy nhiên, đến đầu ngày 18/5, Đài Loan thông bảo họ rút lại đề nghị được tham dự WHA để các quốc gia tập trung việc thảo luận ứng phó với virus, và sẽ nối lại về này vào cuối năm.

Theo Tin tức