Thân phận long đong của ‘con lai’ Nhật

Trong khi các ngôi sao “con lai” được ca tụng thì những người dân thường mang nhiều dòng máu lại đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc nặng nề.

Anna đang ngồi trên taxi để tới một bữa tiệc ở Tokyo thì người lái xe bất ngờ hỏi cô: “Xin lỗi, cô có phải là một hafu không?”. Là một cô gái mang hai dòng máu Nhật – Mỹ, Anna không ngạc nhiên lắm về câu hỏi đó bởi cô đã bị hỏi hàng trăm lần ở đất nước này.

Trong tiếng Nhật “hafu” xuất phát từ gốc tiếng Anh là half (một nửa), được dùng để chỉ những người con lai nói chung. Anna có mẹ là người Nhật và bố là người Mỹ da trắng. Cô sống ở Nhật suốt thời thơ ấu và đến Mỹ khi đã trở thành một thiếu niên.

“Tôi không biết đã phải dành bao nhiêu thời gian kể cho những người lạ về nguồn gốc của mình nhằm giải đáp sự tò mò của họ. Đã có lúc tôi tự hỏi tại sao tôi phải giải thích với một người mà tôi sẽ không bao giờ gặp lại nữa?”, Anna tâm sự.

Tetsuzo Myiazaki - nhiếp ảnh gia mang hai dòng máu Bỉ - Nhật đã dành nhiều năm để thực hiện dự án Hafu2hafu, chụp ảnh những con lai và kêu gọi chống phân biệt đối xử với con lai ở Nhật Bản. Ảnh: CNN.
Tetsuzo Myiazaki – nhiếp ảnh gia mang hai dòng máu Bỉ – Nhật đã dành nhiều năm để thực hiện dự án “Hafu2hafu”, chụp ảnh những “con lai” và kêu gọi chống phân biệt đối xử với “con lai” ở Nhật Bản. Ảnh: CNN.

Theo thống kê, Nhật Bản là một quốc gia đơn sắc tộc với 98% dân số được coi là “người Nhật Bản”. Do đó ở Nhật, những người có vẻ ngoài khác lạ sẽ thu hút chú ý hơn so với khi họ ở một quốc gia đa chủng tộc, ví dụ như Mỹ.

Trong một số trường hợp, sự chú ý không phải là điều xấu, đặc biệt với các ngôi sao giải trí. Nhiều ngôi sao là con lai đã trở nên nổi tiếng, ví dụ như người mẫu Rina Fukushi hay tay vợt Naomi Osaka. Họ là những người đã nâng vị thế của “con lai Nhật” ở nước này.

Tuy nhiên, với nhiều “con lai” khác, sự chú ý của người ngoài đối với họ đôi khi gây khó chịu, thậm chí trở thành phân biệt chủng tộc. Một số người cho biết, họ có cảm giác như mình là người nước ngoài ở trên chính quê hương.

Sự phân biệt đối xử với “con lai” ở Nhật bắt nguồn từ nhiều thế kỉ trước. Vào thời kì Minh Trị (1868-1912), khi tiến hành mở cửa và hiện đại hóa nền kinh tế, Nhật Bản bắt đầu xây dựng chủ nghĩa dân tộc, duy trì sự thuần nhất về sắc tộc và thúc đẩy vị thế cao hơn các quốc gia châu Á khác. Thời kì này, những trẻ em con lai của người Nhật với người tại các thuộc địa như Trung Quốc, Triều Tiên được gọi là konketsuji. Những trẻ em này bị phân biệt đối xử nặng nề do “có vị thế thấp kém” hơn người Nhật.

Sau khi Nhật thua trận tại Chiến tranh thế giới II và chịu sự chiếm đóng của người Mỹ từ 1945 to 1952, konketsuji được dùng để chỉ con lai giữa phụ nữ Nhật và các quân nhân Mỹ với một ý nghĩa coi thường. Các chính trị gia gắn các em bé lai đó với sự thất bại của nước Nhật và gọi đó là một “vấn nạn của xã hội”. Lawrence Yoshitaka Shimoji, nhà xã hội học tại trường Đại học Ritsumeikan cho biết: “Vào thời đó, có rất nhiều cuộc tranh luận về việc liệu có nên đồng hóa hay tách riêng các trẻ em này khi các em bắt đầu đi học”.

Sau chiến tranh, Nhật Bản hấp thu văn hóa phương Tây và cái nhìn của dư luận nước này về con lai bắt đầu thay đổi. Hiến pháp Nhật công nhận mọi công dân đều có quyền bình đẳng theo pháp luật và được đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Ở trường học, các giáo viên cũng dạy cho học sinh về chủ đề này. Tuy nhiên, theo học giả Okamura, trên thực tế chưa có sự bình đẳng như vậy ở đời thường.

Ví dụ đôi lúc những người mang hai dòng máu Nhật – Trung hay Nhật – Hàn có thể bị phân biệt chủng tộc và những người có làn da sẫm màu hơn sẽ bị chú ý nhiều hơn. David Yano, một người đàn ông lai Nhật – Ghana sống ở Nhật hơn 20 năm, vừa tham gia một chương trình truyền hình và kể về trải nghiệm cuộc sống của anh tại nước này.

Cuộc sống của anh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Yano cho biết khi đi học anh bị bắt nạt vì có vẻ ngoài khác lạ. Khi anh làm công việc bình luận viên về các vấn đề văn hóa trên truyền hình, công ty quản lý gợi ý anh thể hiện vai trò một người da đen càng hài hước càng tốt, giống như một diễn viên hài. Nhiều lần anh bị cảnh sát chặn lại mà chẳng vì lý do gì hay thậm chí là các chủ nhà trọ không cho anh thuê chỉ vì màu da.

“Họ không bỏ thời gian tìm hiểu về nguồn gốc lí lịch của tôi mà họ chỉ lo ngại những người thuê nhà khác sẽ không hài lòng”, Yano chia sẻ. Hiện Yano là người sáng lập Enijie, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy giáo dục và mối quan hệ giữa Ghana và Nhật Bản. Anh cho rằng Nhật Bản đang dần thay đổi và người dân ngày càng cởi mở hơn về vấn đề đa sắc tộc.

Về phía Anna, năm ngoái cô đã tạo “danh thiếp” để đưa cho những người Nhật xa lạ tò mò về cô. Trên thiếp có mọi thông tin giải đáp cho họ từ trong hai người cha mẹ cô ai là người Nhật ai là người Mỹ hay lông mi trên mắt cô là thật hay giả. “Danh thiếp” này cũng tuyên bố việc hỏi ai đó về chủng tộc và bề ngoài của họ khi gặp lần đầu là hành động thô lỗ.

Cho tới nay, Anna đã phát khoảng 15 danh thiếp như vậy. Một người đàn ông khoảng 60 tuổi cho rằng Anna là người nước ngoài và buông lời bình luận khi cô mua một chiếc đĩa kiểu Nhật tại cửa hàng tiện lợi. Ông này đã giận dữ ném trả lại chiếc “danh thiếp” do Anna đưa. Một người phụ nữ thì nói rằng bà nghĩ những bình luận của bà về bề ngoài của Anna là lời khen ngợi và hỏi xin “danh thiếp” của cô để mang về nhà cho chồng xem.

Hồi tháng 6, trong lúc cư dân mạng Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ với phong trào Black Lives Matter, Anna đăng bức ảnh “danh thiếp” của mình lên Twitter. Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý với hơn 124.000 lượt like và 33.400 lượt chia sẻ. Một người dùng Twitter cho rằng chiếc “danh thiếp” của Anna rất hữu dụng còn một số người khác thì cho rằng bất kì ai nhận được chiếc thiếp cũng sẽ cảm thấy khó chịu.

Tuy vậy, Anna coi sự chú ý của người dân về chiếc “danh thiếp” của cô là dấu hiệu tích cực.

“Việc người dân bàn tán về chiếc danh thiếp là sự thay đổi rất lớn. Tôi cảm thấy đã có biến chuyển và sẽ còn có nhiều thay đổi trong những năm sắp tới. Nhưng trừ phi có những thay đổi thật lớn lao xảy ra, như vậy vẫn là chưa đủ”, Ann nhận xét.

Theo vnexpress