Thái Lan : Thủ tướng không từ chức, biểu tình tiếp diễn

Phong trào dân chủ tại Thái Lan kêu gọi tiếp tục phản kháng. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại thủ đô Bangkok trong ngày Chủ nhật sau khi thủ tướng Chan-O-Cha tuyên bố không từ chức, bất chấp « tối hâu thư » của thanh niên sinh viên Thái. Tại Lào, cộng đồng mạng cũng bắt đầu kêu gọi tự do ngôn luận.

Phong trào đòi cải cách chính trị tại Thái Lan  kêu gọi  biểu tình tại Bangkok vào trưa Chủ nhật 25/10/2020.

Hôm sau, thứ Hai sẽ có một cuộc tuần hành đến sứ quán Đức, một động thái thách thức vua Maha Vajiralongkorn. Đức là nơi quốc vương Thái Lan thường xuyên lưu ngụ nhiều hơn là quan tâm đến việc nước.

Chiều thứ Bảy, thủ tướng Chan-O-Cha khẳng định ông « không từ chức » sau khi phong trào dân chủ kỳ hạn cho ông ba ngày để ra đi.

Theo AFP từ Bangkok, một trong số một chục thủ lãnh phong trào vừa được thả, Jatupat, bí danh là « Pai Dao Din » ngay lập tức kêu gọi tiếp tục biểu tình. Quốc vương Thái Lan chưa bình luận gì về tình hình hiện nay nhưng trong một hành động hiếm hoi ông khen ngợi một người bảo hoàng cầm chân dung cúa phụ vương đối mặt với đoàn biểu tình  « hành động can đảm ».

Trong khi đó, chính phủ Chan-O-Cha dường như không có một phương án hợp lý. Pháp ngôn viên  chính phủ một mặt tuyên bố « thông hiểu nguyện vọng » của giới trẻ, một mặt kêu gọi « tìm giải pháp qua Nghị Viện ». Quốc Hội Thái được triệu tập khóa họp bất thường kể từ thứ Hai.

AFP cho rằng  vì các thượng nghị sĩ do chính phủ bổ nhiệm, trong đó nhiều người là quân nhân cho nên khó có thể họ từ bỏ đặc quyền.

Liên minh Trà Sữa lan đến Lào ?

Được gợi ý từ phong trào tranh đấu ở Hồng Kông, Thái Lan qua liên minh Trà- Sữa Milk-Tea-Alliance, cộng đồng mạng ở Lào tung từ khóa #IfPoliticsWereGood trên Twitter đòi cải cách dân chủ.

Theo Asia News hôm 24/10/2020, hàng trăm ngàn tin nhắn tràn ngập các mạng xã hội tại Lào trong những ngày qua chỉ trich chế độ Cộng sản Lào. Họ kêu gọi tự do ngôn luận, thay đổi chính trị, tố cáo  chống chính quyền tham nhũng và tình trạng nghèo khó.

Chính quyền Lào bị công kích « sử dụng không đúng tiền thuế của dân ». Cụ thể là trường học thiếu ngân sách với hệ quả nhiều học sinh phải bỏ học trong khi con cái lãnh đạo được đưa sang nước ngoài du học. Cộng đồng mạng ở Lào cũng tố cáo chính sách kinh tế ưu đãi thành phần đặc quyền đặc lợi và làm hại môi trường.

Liên minh Trà Sữa hình thành từ tháng Tư năm nay lan dần ra các nước Châu Á với các thành viên từ Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, theo Le Monde.

Theo RFI