Thái Lan khôi phục luật cấm chỉ trích nhà vua để kiềm chế biểu tình

Nghe đọc bài

Để kiềm chế các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng, Thái Lan đã khôi phục một đạo luật ngăn cấm việc chỉ trích gia đình hoàng gia vốn gây tranh cãi.

Một số nhà hoạt động đã bị triệu tập sẽ phải đối mặt với các cáo buộc theo luật lèse-majesté (tội khi quân) có mức án lên đến 15 năm tù cho mỗi tội danh.

Đây là lần đầu tiên trong hơn hai năm nay, những cáo buộc như vậy đã được khởi kiện.

Các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo đòi thay đổi chế độ quân chủ kéo dài trong nhiều tháng đã làm rung chuyển Thái Lan.

Người biểu tình cũng đang kêu gọi cải cách hiến pháp và cách chức thủ tướng của nước này.

Hôm thứ Ba, một nhà hoạt động sinh viên nổi tiếng 22 tuổi, Parit Chiwarak, được biết đến nhiều với biệt danh “Penguin”, nói anh đã nhận được lệnh triệu tập vì tội khi quân – cùng với những cáo buộc khác – nhưng nói anh “không sợ”.

“Trần nhà đã bị phá vỡ rồi. Không có gì kiềm hãm chúng ta được nữa”, Parit Chiwarak tweet, cùng với tấm hình chụp lệnh triệu tập.

Tin cho biết, ít nhất sáu nhà lãnh đạo biểu tình chủ chốt khác, gồm luật sư nhân quyền Anon Nampa và Panusaya Sithijirawattanakul, sẽ phải đối mặt với các cáo buộc tương tự.

‘Xử kín và các hình phạt nặng’

Luật lệ đáng sợ nhất ở Thái Lan đã được áp dụng trở lại sau khi tạm ngừng ba năm, được cho là do Vua Vajiralongkorn ra lệnh.

Việc khôi phục luật này diễn ra sau khi người phản đối gia tăng chỉ trích mãnh liệt nhằm vào nhà vua, bằng các màn hát hò, diễn thuyết, và bằng các hình họa graffiti dung tục đến sửng sốt đối với nhiều người Thái. Đây là một điều rất mới ở Thái Lan. Ngay cả trong những cuộc bất ổn chính trị trước đây, rất ít người dám tấn công chế độ quân chủ. Nhưng thế hệ các nhà hoạt động này khẳng định rằng quyền lực và việc chi tiêu của nhà vua phải được thách thức.

Giờ đây họ đối mặt với luật cho phép xử kín, một hình thức xét xử tạo áp lực lớn khiến các bị cáo phải nhận tội để có thể được giảm các án phạt vốn dĩ hết sức hà khắc. Tuy nhiên, so với quá khứ, luật này hiện có lẽ sẽ trở nên kém hiệu quả hơn trong việc trấn áp không khí chống nền quân chủ, trong bối cảnh mà thông tin về các bê bối của hoàng gia liên tục được lan truyền trên mạng xã hội.

Việc sử dụng luật này thậm chí có thể phản tác dụng, làm mất sự đồng cảm đối với nền quân chủ Thái trong khi nó vốn được sử dụng trong một nỗ lực để củng cố sự ủng hộ đối với thể chế này.

Luật lèse-majesté của Thái Lan, cấm bất kỳ sự xúc phạm nào đối với chế độ quân chủ, là một trong những luật lệ hà khắc nhất trên thế giới.

Việc áp dụng lại các tội danh theo luật lèse-majesté diễn ra trước một cuộc biểu tình được lên kế hoạch hôm thứ Tư tại Cục Tài sản Hoàng gia, một cơ quan thay mặt cho chế độ quân chủ kiểm soát tài sản hoàng gia, nằm ở thủ đô Bangkok.

Đây là diễn biến mới nhất sau những chỉ trích nhà vua ngày càng thẳng thắn của những người biểu tình.

Vua Vajiralongkorn bị lên án vì dành hầu hết thời gian ở Đức.

Các cuộc biểu tình gồm những yêu cầu hạn chế quyền lực được nới rộng gần đây của chế độ quân chủ và thách thức quyết định của nhà vua khi ông tuyên bố khối tài sản hoàng gia là của cá nhân ông. Điều này đã khiến ông hiện tại trở thành người giàu nhất Thái Lan. Cho đến nay, việc này được tin tưởng trên danh nghĩa là vì lợi ích của người dân.

Cũng có nhiều nghi vấn về quyết định của Vua Vajiralongkorn trong việc nắm quyền chỉ huy cá nhân đối với tất cả các đơn vị quân đội đóng tại Bangkok – việc tập trung quyền lực quân sự vào tay hoàng gia vốn không tiền khoáng hậu ở Thái Lan thời hiện đại.

Tuần trước, ít nhất 41 người bị thương sau các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Những người biểu tình đã cố gắng tiếp cận tòa nhà quốc hội, nnơi các nhà lập pháp đang tranh luận về những thay đổi khả dĩ đối với hiến pháp.

Họ ném bom khói và túi sơn vào cảnh sát. Cảnh sát đã trả đũa bằng vòi rồng và xịt hơi cay.

Tại sao biểu tình bùng nổ ở Thái Lan?

Thái Lan có lịch sử lâu đời về biểu tình và bất ổn chính trị, nhưng làn sóng mới đây bắt đầu vào tháng Hai khi tòa án ra lệnh giải tán một đảng đối lập ủng hộ dân chủ non trẻ.

Các cuộc biểu tình lại bùng nổ trở lại vào tháng 6 khi nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng Wanchalearm Satsaksit mất tích ở Campuchia, nơi ông sống lưu vong kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Có tin tức đưa rằng Wanchalearm Satsaksit đã bị tóm cổ trên đường phố và bị tống vào một chiếc xe.

Những người biểu tình cáo buộc chính phủ Thái Lan đứng sau vụ bắt cóc – cảnh sát và các quan chức chính phủ đều phủ nhận cáo buộc này.

Nhưng mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu khi những người biểu tình bắt đầu chất vấn về quyền lực của của chế độ quân chủ.

Động thái này đã gây ra cơn địa chấn khắp đất nước mà từ khi mới sinh ra, người dân được dạy rằng phải tôn kính và yêu mến chế độ quân chủ và biết sợ hậu quả khi nói về chế độ.

Không có định nghĩa rõ ràng về sự xúc phạm đối với chế độ quân chủ và các nhóm nhân quyền nói rằng luật thường được sử dụng như một công cụ chính trị để kiềm hãm tự do ngôn luận và những lời kêu gọi của phe đối lập về việc cải cách và thay đổi.

Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã ra mặt phản đối các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo – và nói rằng những người biểu tình muốn bãi bỏ chế độ quân chủ – điều mà những người biểu tình phủ nhận.

Theo BBC