Tàu ngầm Pháp tuần tra Biển Đông, chắc chắn khiến Trung Quốc nổi giận

Nghe đọc bài

Tàu ngầm hạt nhân tấn công SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine của Pháp vừa tiến hành tuần tra tại Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

AFP và South China Morning Post, ngày 9 tháng 2, dẫn thông tin vừa nêu do Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly đưa lên trên tài khoản Twitter của bản thân vào tối ngày 8 tháng 2 .

Bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp viết: chuyến tuần tra đặc biệt vừa hoàn tất hoạt động đi qua vùng Biển Đông. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy khả năng của Hải quân Pháp có thể bố trí đến nơi xa trong thời gian dài để phối hợp với các đối tác Hoa Kỳ, Úc và Nhật bản.

Bà Bộ trưởng Quốc Phòng Florence Parly nói thêm rằng nước Pháp có những vùng đặc quyền kinh tế tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương và chiến dịch tuần tra nhằm bảo vệ chủ quyền cùng những quyền lợi của nước Pháp tại đó; cũng như nâng cao hiểu biết về vùng này.

Pháp từng tiến hành một số chuyến tự do hàng hải qua Biển Đông cùng với những nước khác như Anh, Mỹ. Mục tiêu nhằm đẩy lùi sự thống trị ngày càng tăng và hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển này.

Về việc tàu của Pháp tuần tra ở Biển Đông, thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng có hai vấn đề nổi lên qua động thái này:

Thứ nhất là không chỉ các nước ASEAN trong khu vực Biển Đông và Mỹ, quốc gia siêu cường thế giới mà còn rất nhiều quốc gia khác quan tâm đến Biển Đông.

Đặc biệt đối với các nước ở Châu Âu thì vấn đề liên quan đến tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải, luôn luôn các quốc gia ở phương Tây đề cao nó.

Điều thứ hai, một trong những đặc điểm của ông Trump là ông đã làm mất lòng của đồng minh rất nhiều, đối với các nước Châu Âu. Và đến khi ông Biden nắm quyền tổng thống thì ngoài việc phía Mỹ vẫn còn những hành động tiếp tục ở Biển Đông như đã trình bày và việc tàu Pháp tham gia tuần tra ở vùng Biển Đông cho thấy Chính quyền của ông Biden ở Hoa Kỳ có khả năng tập hợp, kép lại mạng lưới đồng minh trước đây của họ.

Như vậy, không chỉ có Mỹ hoặc một số nước lên tiếng về ASEAN trực tiếp liên quan đến Biển Đông nữa, mà sẽ có nhiều quốc gia đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ cùng lên tiếng. Và tiếng nói đạt hiệu quả hơn rất nhiều.”

Vào tháng 9 năm ngoái, Pháp, Đức và Anh cùng gửi một tuyên bố chung đến Liên Hiệp Quốc phản đối hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 bác bỏ lập luận của Trung Quốc nói Bắc Kinh có bằng chứng lịch sử về chủ quyền tại Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn.

Theo RFA