Tập Cận Bình ra lệnh ‘mở cuộc chiến quốc tế’ bằng việc tác động đến luật pháp ngoại quốc

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có lời nhắn nhủ với các đảng viên của ĐCSTQ trong một nỗ lực nhằm bảo vệ và thúc đẩy tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, đó là: phải có sức ảnh hưởng đến luật pháp quốc tế, đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chính thức khai mạc Thế vận hội trong Lễ Khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 04/02/2022. (Ảnh: Anthony Wallace - Pool/Getty Images)

“[Chúng ta phải] mở ra một cuộc chiến quốc tế bằng cách sử dụng các biện pháp pháp trị,” ông Tập nói trong một bài diễn văn mà ông đã nói với các vị chức sắc của Đảng trong hội nghị học tập tập thể mới đây của Bộ Chính trị “về việc xây dựng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc,” theo báo cáo hôm 15/02 của tờ Cầu Thị (Qiushi), tạp chí lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hai tuần một số.

Ông Tập cho biết mục tiêu chính của việc cải cách luật trong nước và luật liên quan đến ngoại quốc là để thể hiện cho thế giới này [thấy được] hệ thống pháp quyền của Trung Quốc và để nâng cao sức ảnh hưởng của nước này trong trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ.

Ông Tập đã công khai tiết lộ việc nhà cầm quyền này cố gắng thực hiện các hành động pháp lý ở ngoại quốc nhằm đạt được các mục tiêu của mình kể từ sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng vào tháng 11/2012, khi ông Tập lên nhậm chức.

Các nhà quan sát cho rằng cái gọi là pháp quyền của Trung Quốc phụ thuộc vào ý thích bất chợt của giới tinh hoa chính trị. Bất kỳ cá nhân nào không tuân theo đường lối của Đảng sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt và đàn áp.

Hôm 11/12/2021, ông Stu Cvrk – nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc – đã viết trong bài báo có nhan đề: “Việc bắt giữ và giam giữ tùy tiện thuận theo ý tưởng chợt nảy ra của ĐCSTQ là ‘pháp quyền’ thực sự ở CHND Trung Hoa (Trung Quốc đại lục).” Ông Cvrk đã đưa dẫn chứng rằng hàng triệu người Trung Quốc cũng như các dân tộc thiểu số và tôn giáo có thể chứng thực cho hành động này.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vỗ tay trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 04/03/2021 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đấu với cả thế giới

Truyền thông Trung Quốc đã quảng bá rộng rãi một câu nói của ông Mao Trạch Đông, chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc cộng sản. Ông bảo người dân là phải “đấu với trời, đấu với đất, và đấu với người.”

Bây giờ, ông Tập đang lặp lại luận điệu của ông Mao bằng cách ra lệnh cho chế độ này “mở ra một cuộc chiến quốc tế.”

“Thế giới đã bước vào một thời kỳ thay đổi cải cách đầy biến động. Sự cạnh tranh quốc tế ngày càng thể hiện rõ nét trong các xung đột về hệ thống nhà nước, quy tắc, và luật lệ,” ông Tập nói trong bài diễn văn của mình. “Chúng ta phải tăng cường xây dựng hệ thống pháp luật và quy định liên quan đến ngoại quốc, nâng cao hiệu quả của việc chấp pháp ở ngoại quốc.”

Sau đó, ông nói với các cán bộ Đảng rằng tình hình này là cấp bách và phải tập trung vào việc chống lại ‘quyền tài phán trị ngoại’, chống lại các lệnh trừng phạt, cũng như sự can thiệp từ các quốc gia khác.

Trong những năm gần đây, giới chức ĐCSTQ và các doanh nghiệp nhà nước đã bị các chính phủ phương Tây trừng phạt vì các vi phạm nhân quyền và vi phạm thương mại. Vào tháng 06/2021, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các quy chế “chống trừng phạt ngoại quốc” như một biện pháp đối phó với quốc gia nào ban hành lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.

ĐCSTQ đang bức hại chính người dân của mình, bao gồm những người bất đồng chính kiến và thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo. Họ tiếp tục đe dọa Đài Loan về việc thống nhất với đại lục, và thực thi chủ quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và đe dọa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông (South China Sea).

Bắc Kinh đã chỉ trích các quốc gia khác vì đã lên án hành vi lạm dụng của nhà cầm quyền này bằng cách tuyên bố rằng họ không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

ĐCSTQ đã trả đũa quyền tài phán trị ngoại của Hoa Kỳ, trong đó cơ quan tư pháp Hoa Kỳ có thể trừng phạt một nghi phạm ở nước thứ ba bằng cách sử dụng các thỏa thuận song phương và đa phương. Ví dụ: vào tháng 12/2018, Canada đã bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc gian lận về vai trò của bà trong việc Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran thông qua một công ty vỏ bọc. Chỉ vài ngày sau, hai công dân của Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị giam giữ với những cáo buộc vô căn cứ tại Trung Quốc.

Vào ngày 24/09/2021, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận tạm hoãn truy tố bà Mạnh, trong đó bà đồng ý với hầu hết các cáo buộc chống lại mình trong khi vẫn duy trì sự phủ nhận chính thức về các cáo buộc chính liên quan đến gian lận ngân hàng và chuyển khoản. Cùng ngày, một tòa án Canada đã loại bỏ các điều kiện tại ngoại của bà, và cho phép bà bay trở lại Trung Quốc.

Ngay sau khi bà Mạnh được thả ra, Bắc Kinh đã thả “hai ông Michael.” Người ta tin rằng việc bà Mạnh được thả ra là một dấu hiệu thắng lợi cho chiến thuật “ngoại giao con tin” của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trong bài diễn văn của mình, ông Tập đã ra lệnh cho chế độ này can thiệp vào quyền tài phán trị ngoại của Mỹ bằng cách thiết lập sự hợp tác tư pháp với các nước khác và đào tạo các công dân Trung Quốc trở thành các chuyên gia về luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, ông Tập đã thừa nhận rằng hệ thống pháp quyền của Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề và luật pháp trong nội thủy cần phải được cải cách. Ông đã cảnh báo chế độ này “đừng để tác phong và tư tưởng của phương Tây làm cho chệch hướng,” và Trung Quốc nên đi trên con đường của riêng mình.

Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.

Theo Epoch Times